Năm Dậu nói về môn võ Hùng Kê Quyền

Hùng Kê quyền(Quyền gà chọi) là bài quyền mô phỏng các kỹ thuật của gà chọi.Theo truyền thuyết, Hùng Kê quyền là do ông Nguyễn Lữ (1754 -?) là em thứ ba sau Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đã nghiên cứu các thế gà đá (chọi) nhau, đã sáng tạo ra môn võ độc đáo Hùng Kê quyền.

Nguyễn Lữ vốn người mảnh khảnh, sức khỏe yếu hơn các anh mình là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ với tính hiền hòa, ưa thanh tịnh, thích giao du với các nhà sư Ấn Độ và Trung Quốc. Ông cũng đã học đủ thập bát ban võ nghệ và chuyên về môn Miên quyền, Nhu quyền. Là người say mê nghệ thuật chọi gà, trong một dịp tết, ông quan sát đôi gà chọi: một con to lớn kềnh càng, dũng mãnh, mặt đỏ gay, các đòn nặng nề sát thủ và một con nhỏ bé mà linh hoạt. Nhưng con gà to lớn kia đã liên tục phải cúp đuôi bỏ chạy trước sức tấn công bền bỉ, liên tiếp, nhanh như chớp của con gà nhỏ. Từ đó ông đã tìm ra nguyên lý mà con gà nhỏ đã áp dụng theo bản năng: miên viễn, bền bỉ, nhẹ nhàng nhưng dữ dội, có thể chọc phá bất cứ một sơ hở nhỏ nào. Ông đã sáng tạo ra bài Hùng kê quyền vừa phù hợp với sở học của bản thân, vừa phù hợp với thân hình bé nhỏ của người Việt nói chung, vừa thích ứng với nhu cầu cấp thiết của nghĩa quân Tây Sơn giai đoạn đó.

Theo yêu cầu của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn lúc bấy giờ, làm sao chỉ trong một thời gian ngắn, phải huấn luyện cho nghĩa quân Tây Sơn tinh thông võ nghệ  theo phương châm: Yếu có thể đánh mạnh. Thấp có thể đánh cao. Nhỏ có thể đánh lớn. Ít có thể đánh nhiều. Và yêu cầu bức thiết đó Nguyễn Lữ đã nghiên cứu các thế gà đá nhau, ông đã áp dụng vào võ thuật, từ đó rút ra lối võ dùng yếu thắng mạnh, dùng mềm thắng cứng. Ông cũng nghiên cứu các thế đá ào ạt tấn công của con gà lớn với cái thế chống đỡ của con gà nhỏ thường chui luồn, xỏ vỉa, để rồi tạo ra các thế lặn hụp, tránh né, đến phản công. Từ đó, ông đã chắt lọc, sáng tạo ra bài quyền mang tên Hùng Kê quyền các đòn đánh của bài quyền Hùng Kê cực kỳ chuẩn xác, biến ảo và sử dụng sức mạnh của thủy để đánh đối phương. Cùng thời gian này, Nguyễn Huệ đã sáng tạo ra bài Nghiêm Thương, nữ tướng Bùi Thị Xuân sáng tạo bài Song Phượng Kiếm.

Ngay sau khi ra đời, Hùng Kê quyền lập tức được các nghĩa quân Tây Sơn tập luyện và ứng dụng rộng rãi bởi tính hiệu quả của nó và trong những chiến công oanh liệt của quân Tây Sơn, có phần đóng góp không nhỏ của Hùng kê quyền. Tương truyền, một võ sư Thiếu Lâm muốn khảo chứng uy lực của Hùng kê quyền đã đến khích bác: Đến như hổ báo kia đã hùng được chưa mà kê đã dám xưng hùng. Khi ấy Nguyễn Nhạc vốn đang chiêu hiền đãi sĩ, trong nhà có rất nhiều hào kiệt tứ phương, ông không muốn mất hòa khí đang gầy dựng nên bảo em (Nguyễn Lữ) cố ý tránh né nhưng vị võ sư Thiếu Lâm kia vẫn cứ muốn so tài nhưng cuối cùng Nguyễn Lữ đành nhận lời giao đấu. Vào trận, trường quyền của vị võ sư kia như giông như bão liên tục phủ xuống nhưng Nguyễn Lữ vẫn cứ ung dung xuyên qua xuyên lại như chú gà con lanh lẹn trước một con gà lớn hung dữ nhưng chậm chạp. Suốt một canh giờ, quyền của vị võ sư kia vẫn không hề đụng được vào áo của Nguyễn Lữ. Và trong khoảnh khắc khi đối thủ lộ sơ hở, Nguyễn Lữ đã phản công và chỉ với một chiêu duy nhất, ông đã làm cho đối phương bị “nốc ao”. Võ sư Thiếu Lâm lúc đó mới tâm phục, khẩu phục.

Đặc điểm của các bài Hùng Kê Quyền hay binh khí trong võ thuật cổ truyền Việt Nam là lời giới thiệu luôn được viết bằng thơ cho dễ nhớ, dễ thuộc, thể hiện chất văn trong võ đạo. Hùng Kê quyền cũng không ngoại lệ, thiệu của bài là một bài thơ thể thất ngôn bát cú:

Nguyên văn:

Lưỡng kê giao thủ thủy tranh hùng

Song túc tề phi trảo thượng xung

Trấn ải kim thương như Bạch Hổ

Thủ quan ngân kiếm tựa Thanh Long

Xuyên cung độc triểu tăng ư trác

Hồi thủ đơn câu thọ tứ hung

Thiểu, tẩu, vượt, trầm thiên sở tứ

Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung.

 

Các chiêu thức của bài Hùng Kê quyền khi đánh ra lúc thì vây tứ phương tám hướng như trận đồ Bát quái ví như nước lũ tràn về, lúc thì như nước từ trên cao ập xuống bởi các đòn bay người lên cao, đánh ập xuống, sử dụng “Nhất dương chỉ” đâm vào các tử huyệt trên cơ thể khiến đối phương khó lòng tránh né…Bài võ quyền Hùng Kê rất tiêu biểu cho người Việt Nam với các đức tính sau: Con kê (gà) có dáng đi đẹp, đôi chân có cựa sắc bén thể hiện cho tướng võ, trên đầu lại có mào như tướng văn. Thấy kẻ thù dù to lớn nhưng không khiếp sợ đó là đức dũng, trong lúc chiến đấu luôn uyển chuyển, biến ảo đó là đức trí, khi gặp mồi (thức ăn) không ăn ngay mà gọi đàn cùng đến là đức nhân. Ngoài ra cái chủ ý trong bài đã lồng chứa tất cả cốt lõi của nền võ trận Việt Nam, nó mang một nguyên lý khoa học ở võ thuật, nghệ thuật chiến đấu mà nhà Tây Sơn đã có công sáng tạo dựa trên nguyên tắc: thấp có thể tranh cao; nhỏ có thể đánh lớn; yếu có thể đánh mạnh; gần có thể đánh xa mà vẫn có thể chiến thắng được đối thủ…

Bài của Phạm Văn Hùng

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2017

 

 

 


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập188
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,082,816
  • Tổng lượt truy cập3,788,020
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây