Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất thức ăn dạng lỏng cho lợn

Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã hình thành được nhiều khu chăn nuôi lợn tập trung phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như: dự án trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại tại xã Bình Xuyên (Bình Giang); Dự án đầu tư xây dựng khu chăn nuôi tập trung giống lợn ông bà và giống lợn thịt công nghệ cao ở xã Tái Sơn (Tứ Kỳ), Dự án trang trại kinh tế nông nghiệp, xã Đồng Lạc (Nam Sách). Ngoài ra còn có trên 24.407 hộ nông dân chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại; trên 50 trang trại chăn nuôi lợn, 528 trang trại chăn nuôi tổng hợp, tổng đàn lợn toàn tỉnh ước đạt 450.283 con. 

Sản lượng thịt hơi ước đạt 48.426 tấn. Nguồn thức ăn chủ yếu sử dụng cám viên hoặc cám đậm đặc dạng khô, nếu sử dụng thức ăn dạng lỏng cho lợn cũng chủ yếu ở quy mô nhỏ, nguồn thức ăn phối trộn cho lợn chủ yếu theo kinh nghiệm chưa có cơ sở khoa học về nhu cầu dinh dưỡng của lợn ở từng giai đoạn phát triển. Thức ăn lỏng sản xuất bằng kỹ thuật sinh học với nhiều ưu điểm như khai thác được các enzyme, vi sinh vật có lợi vào sản xuất cám tăng hệ số hấp thu, tăng khả năng kháng bệnh đường ruột giúp lợn phát triển khỏe mạnh, tận dụng được các phế phụ phẩm sẵn có tại địa phương giúp tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường,...

Từ thực tế đó năm 2019, được sự cho phép của UBND tỉnh, Trường Đại học Sao Đỏ đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất thức ăn dạng lỏng cho lợn”. Đề tài do Th.S. Nguyễn Đức Thắng làm chủ nhiệm. Nhằm xây dựng mô hình chăn nuôi lợn bằng thức ăn dạng lỏng; Hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất thức ăn dạng lỏng cho lợn bằng công nghệ sinh học, đáp ứng được nhu cầu về thức ăn dạng lỏng cho lợn của ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Qua khảo sát thực nghiệm nuôi cấy trong điều kiện nuôi cấy thực tế tổng mật độ tế bào thu được tương đương với kết quả tối ưu. Như vậy, điều kiện nuôi cấy chủng probiotic cho kết quả tốt nhất ở chế độ được lựa chọn là tỷ lệ giống 7,8%, pH môi trường 6,48; Nhiệt độ môi trường nuôi cấy 36,70C, thời gian nuôi cấy 35,9 giờ. Tỉ lệ sử dụng tương ứng với 0,1% lượng cám lỏng sử dụng.

Hệ thống nồi nấu dung tích 200 lít có nhiệm vụ gia nhiệt hồ hóa, làm chín nguyên liệu giàu tinh bột, giàu protein; là nơi thực hiện quá trình thủy phân tinh bột, thủy phân protein bằng enzyme amylase và enzyme protease; đồng thời là nơi phối trộn hoàn thiện sản phẩm cám lỏng cuối cùng để đưa đi cho lợn ăn.

Sau bốn tháng chỉ tiêu tăng khối lượng cao nhất ở lô đối chứng là 84,14 kg, công thức 1 là 84,03 kg, công thức 2 là 81,85 kg và công thức 3 là 82,92 kg. Sự tăng khối lượng không có sự khác nhau giữ đối chứng và công thức 1, 2, 3 nhưng có sự sai số khác so với công thức 1 và công thức 2. Qua đó cho thấy khả năng sinh trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn ở công thức 1 tương đương với đối chứng và tốt nhất trong các công thức.

Hầu hết các chỉ tiêu pH, L, a, mất nước sau chế biến là không có sự khác nhau giữa các lô đối chứng và lô thí nghiệm. Còn chỉ tiêu và mất nước sau bảo quản có sự khác nhau giữa các lô thí nghiệm. Lợn được nuôi bằng thức ăn lỏng có chất lượng tốt và tương đương so với lô đối chứng, lợn được nuôi bằng công thức 1 cho tỷ lệ nạc cao hơn so với 2 công thức còn lại. Không có sự khác nhau giữa các lô sử dụng thức ăn lỏng so với lô đối chứng ở tất cả các chỉ tiêu về trạng thái, màu sắc và mùi của thịt. Thịt có chất lượng tốt, có độ đàn hồi cao, các thớ thịt đều và bề mặt dẻo dính.

Sau khi luộc chín thịt lợn có sự sai khác rõ rệt giữa các lô thí nghiệm so với lô đối chứng ở các chỉ tiêu mùi, vị và nước luộc. Tuy nhiên giữa các công thức phối trộn thức ăn thì không có sự sai khác. Ở các lô sử dụng thức ăn lỏng thì thịt lợn có mùi thơm đặc trưng và không có mùi lạ, còn đối với lô đối chứng thì thịt có mùi thơm nhẹ hoặc không có mùi thơm. Tương tự đối với chỉ tiêu vị của thịt thì các lô sử dụng thức ăn lỏng có vị ngọt, không có mùi vị lạ, còn đối với lô đối chứng thì chỉ có vị hơi ngọt. Đặc biệt đối với chỉ tiêu về nước luộc thịt thấy rõ được sự khác biệt đối với thịt lợn được nuôi bằng thức ăn lỏng có mùi thơm, ngọt, trong, váng mỡ to và ít bọt còn thịt ở lô đối chứng không thơm bằng, ít trong hơn và nhiều bọt.

Kết quả phân tích các chỉ tiêu kháng sinh và độc tố cho thấy ở cả 3 công thức thức ăn lỏng đều không phát hiện thấy sự có mặt của kháng sinh và afalatoxin B1. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế chăn nuôi bằng dịch lên men có bổ sung thêm probiotics, trong quá trình nuôi đàn lợn được sử dụng nguồn thức ăn được kiểm soát và có sẵn kháng sinh nisin do vi khuẩn lactic sinh ra. Ngược lại, ở mẫu thịt lợn được nuôi bằng thức ăn công nghiệp Chlotetracyline được phát hiện ở mức 0,035 mg/kg, Oxytetracyline phát hiện ở mức 0,02 mg/kg. Tại TCVN: 7046-2002 về thịt tươi quy định hàm lượng họ tetracyline không lớn hơn 0,1 mg/kg. TCVN 7046-2009 không nêu quy định về các loại kháng sinh. Ở mẫu đối chứng có phát hiện họ tetracyline nhưng vẫn trong giới hạn cho phép. Các chỉ tiêu này cũng hoàn toàn phù hợp với QCVN 01-12:2009/BNN&PTNT và QCVN 01-183:2016/BNN&PTNT. Lợi nhuận trung bình/con ở công thức 1 là cao nhất đạt 5.446.814 đồng, tiếp đến là công thức 3 đạt 5.203.872 đồng và công thức 2 là 5.071.534 đồng, đối chứng nuôi bằng thức ăn công nghiệp chỉ đạt 4.589.400 đồng là thấp nhất.

Qua nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất thức ăn dạng lỏng cho lợn, đề tài đã xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất thức ăn dạng lỏng cho lợn khi sử dụng bã rượu truyền thống; bã malt bia, nấm men bia; cám gạo hoặc cám mạch. Quy trình cơ bản là tỉ lệ trộn bột/nước là 1 kg/4 lít; Nhiệt độ hồ hóa 700C trong 6 phút, nồng độ enzyme amylase là 0,07%, pH thủy phân là 5,6, nhiệt độ thủy phân 650C thời gian thủy phân là 30 phút; Enzyme protease bổ sung 0,1%, nhiệt độ thủy phân 400C, thời gian thủy phẩn 30 phút. Lựa chọn, phối hợp được 2 chủng probiotic là Pedicoccus pentosaceu + Bacillus subtilisđiều kiện nuôi cấy chủng probiotic cho kết quả tốt nhất ở chế độ được lựa chọn là tỷ lệ giống 7,8%, pH môi trường 6,48; nhiệt độ môi trường nuôi cấy 36,70C, thời gian nuôi cấy 35,9 giờ. Tỷ lệ bổ sung hỗn hợp cám 0,1%, tương đương 108 CFU/gram thức ăn, chất lượng thịt thu được đều đạt quy chuẩn về thịt tươi.

Kết quả phân tích cảm quan thịt lợn luộc chín theo TCVN 11182:2015 cho thấy chất lượng của thịt lợn nuôi bằng thức ăn lỏng có chất lượng cao hơn thịt lợn nuôi bằng cám viên công nghiệp. Thịt lợn nuôi bằng thức ăn lỏng có mùi thơm đặc trưng hơn, nước luộc trong, ít bọt hơn, vị ngọt hơn, cấu trúc thịt mềm và dai hơn so với mẫu đối chứng. Về mặt kinh tế khi nuôi lợn bằng thức ăn lỏng có lợn nhuận cao hơn khi nuôi bằng thức ăn công nghiệp trung bình từ 482.000 đồng đến 857.000 đồng/con, tùy theo từng loại công thức cám lỏng sử dụng. Thành phần hóa học cơ bản của thịt lợn được nuôi bằng thức ăn công nghiệp và thức ăn lỏng (tính trên 100 gram) thấy rằng các thành phần là protein, Lipid, khoáng tổng, vitamin A và độ ẩm ổn định ở các mẫu thịt lợn nuôi bằng thức ăn công nghiệp và thức ăn lỏng lên men.

Bài của Phạm Ninh Hải

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 10 năm 2020


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập198
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,082,922
  • Tổng lượt truy cập3,788,126
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây