Chợ quê ngày tết - Nét đẹp văn hóa người Việt

Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về trên khắp các chợ quê lại trở nên đông đúc, nhộn nhịp khác thường. Người mua, kẻ bán chen chúc nói cười rôm rả. Chợ quê ngày Tết đã trở thành một phần trong đời sống văn hóa, đi vào tiềm thức của mỗi người với những hình ảnh mộc mạc, dung dị, thân quen và hòa vào dòng chảy văn hóa ngàn đời của người dân. Phiên chợ ngày Tết chính là nơi lưu giữ những phong tục truyền thống, đặc trưng của làng xã.
Chợ quê ngày tết - Nét đẹp văn hóa người Việt

Những ngày này, khi hương xuân đang len lỏi khắp đường làng, ngõ xóm ở mỗi làng quê, thì những phiên chợ Tết cũng mang nét đẹp rất riêng, tô điểm cho ngày Xuân thêm ý nghĩa. Dù thực tế hiện nay cuộc sống của người dân đã đô thị hóa rất nhiều, những phiên chợ quê cũng thay đổi theo từng ngày, nhưng vẫn còn những nét cổ xưa được giữ lại cho đến hôm nay. Không khó khi bắt gặp cảnh các bà, các chị vẫn quẩy trên vai đôi quang gánh để đến chợ. Các mặt hàng được bán vẫn có một phần khá lớn là của nhà làm được, từ mớ rau, buồng chuối, con cá đến hoa trái…Chợ quê những ngày giáp Tết càng đông vui. Ngoài những mặt hàng ngày thường, đi chợ vào những ngày này thấy đâu đâu cũng bày bán lá dong, lạt, cây quất, cành đào...Từ sáng sớm, bà con đã đến chợ để mua, bán phục vụ ngày Tết. Người bán đến sớm còn bày bán hàng, người mua đến sớm để chọn mua đồ tươi ngon cho ngày tết. Phiên chợ quê ngày Tết họp cả ngày để phục vụ nhu cầu mua - bán - trao đổi những vật dụng, thực phẩm cần thiết của người dân.

Phiên chợ Trắm ở thôn Như Lâm, xã Phượng Kỳ, huyện Tứ Kỳ thường diễn ra vào những ngày chẵn trong tháng. Phiên chợ đông vui, nhộn nhịp hơn khi những ngày giáp Tết nguyên đán đã đến gần. Ngày họp chợ, ngay từ lúc gà gáy, trên khắp các đường làng ngõ xóm đã nhộn nhịp người dân gần xa đi lại mang lại cảm giác hối hả của những phiên chợ cuối năm. Tiếng nói cười, tiếng gà kêu quang quác, tiếng của những người chở hàng ra chợ…tất cả âm thanh ấy hòa quyện vào nhau làm cho không gian trở nên ồn ào và náo nhiệt của những phiên chợ quê. Chợ Tết khác với chợ thường là nhiều mặt hàng phong phú từ đồ ăn sẵn đến các mặt hàng bánh kẹo, trái cây, lá dong, lá chuối. Đặc biệt, những quầy hàng bán câu đối đỏ, phong bao lì xì và các đồ dùng trang trí cho ngày Tết được nhiều người đến mua. Chị Nguyễn Thị Mai ở xã Phượng Kỳ, huyện Tứ Kỳ chia sẻ: Chợ Trắm là một chợ quê đã có từ rất lâu đời nên cứ vào dịp giáp Tết là chị em trong xóm lại rủ nhau đi chợ sắm tết. Chợ Trắm vào những ngày này đông lắm, nhiều khi chúng tôi phải chen nhau từng lối đi.

Còn Chị Hoàng Thị Thủy, một thương lái đến từ Văn Tố đã có thâm niên bán hàng hoa quả ở chợ Trắm cho biết: chợ Trắm là chợ truyền thống. Mặt hàng ở đây đủ chủng loại. Càng vào dịp Tết Nguyên đán thì số lượng người mua bán càng đông, đôi khi cũng có những người đi chợ để thưởng thức cái không khí tấp nập của những ngày giáp Tết.

Có mặt tại phiên chợ Yên ở thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ, chúng tôi thấy không khí ngày Tết đã đến rất gần. Chợ Tết ở đây mang nét đặc trưng của một miền quê. Nhiều nông dân tự mang những sản phẩm của mình đi bán như củ hành, nải chuối, gà, vịt…“Bánh chưng xanh, dưa hành, câu đối đỏ”, đã trở thành những hương vị, những món ăn, thú chơi không thể thiếu của người dân Việt Nam trong những ngày tết. Ở những phiên chợ quê càng thể hiện rõ nét hơn khi những hàng dưa hành, lá dong lúc nào cũng đông người mua. Chị Nguyễn Thị Hiền xã Chí Minh bán lá dong ở chợ Yên cho biết: Năm nào giáp Tết gia đình tôi cũng đi mua lá dong ở trên miền ngược về bán ở chợ Yên. Lá dong là hàng không thể thiếu đối với mỗi gia đình ở quê. Vì khi Tết họ thường mua lá về tự gói bánh, như vậy không khí Tết mới trở nên nhộn nhịp và không khí gia đình mới đầm ấm hơn.

Tết đến ai cũng mong muốn được về bên gia đình đoàn tụ, sum họp. Những khoảnh khắc thiêng liêng của năm mới đang đến gần trong niềm hân hoan hạnh phúc tràn đầy hy vọng của mọi người, mọi nhà. Đi chợ Tết, mọi người được gặp lại những người thân, người quen mà cả tháng, có khi cả năm bận rộn với biết bao công việc bộn bề họ không có thời gian thăm hỏi nhau. Chợ quê vì thế mà ngoài ý nghĩa trao đổi, mua bán hàng hóa, còn là nơi để người ta thăm hỏi, kể chuyện vui buồn, đồng áng, làm ăn, trao đổi đời sống văn hóa tinh thần…trong cái không gian đậm đà bản sắc, mang nặng tình làng, nghĩa xóm; để được gần nhau hơn, thấy tâm hồn dịu lại, quên đi những lo toan hàng ngày và lưu giữ nét đẹp truyền thống của quê hương, để đón chào một năm mới an lành, hạnh phúc…

Bài của Nguyễn Ngân

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2020

 


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập196
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,082,000
  • Tổng lượt truy cập3,787,204
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây