Đường Hồ Chí Minh trên biển - Một sáng tạo chiến lược của Đảng và Bác Hồ

Ngay sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, do yêu cầu chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương lập đơn vị vận tải quân sự hoạt động trên tuyến đường dọc Trường Sơn (gọi tắt là Đoàn 559) và đơn vị vận tải trên tuyến đường biển (gọi tắt là Đoàn 759). Các tuyến vận tải chiến lược đó sau này lấy tên là đường Hồ Chí Minh.
Đường Hồ Chí Minh trên biển - Một sáng tạo chiến lược của Đảng và Bác Hồ

Trung ương chỉ thị cho các tỉnh Nam Bộ chuẩn bị bến bãi và cho thuyền ra Bắc vừa nghiên cứu, thăm dò, mở đường, vừa nếu có điều kiện thì chở vũ khí về. Tỉnh ủy Bến Tre, nơi mở đầu Phong trào Đồng Khởi, nơi mà từ năm 1946, đồng chí Nguyễn Thị Định vượt biển ra Bắc xin vũ khí, đã tổ chức đội thuyền ra tới miền Bắc an toàn. Tiếp đến, các đội thuyền các tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh, Bà Rịa lần lượt cập bến miền Bắc, được Bác Hồ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đón tiếp ân cần.

Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định chính thức thành lập lực lượng vận tải quân sự trên biển. Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định hướng đột phá của Đoàn 759 là Nam Bộ, sau đó sẽ phát triển ra miền Trung.

Trung tuần tháng 8/1962, sau chuyến mở đường vào Nam thành công của thuyền “Bạc Liêu”, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết mở Đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ đó, Đoàn 759 với nhiệm vụ vận tải của mình đã làm nên con đường huyền thoại trên biển Đông bằng những thành tích có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là một sáng tạo chiến lược độc đáo trong cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh chống Mỹ, cứu nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Giữa tháng 10/1962, chuyến tàu vỏ gỗ đầu tiên, do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm chính trị viên, chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng), chạy vào tới bến Vàm Lũng (Cà Mau) ngày 16/10/1962 an toàn, mở ra luồng tàu bí mật nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.

Chuyến thứ hai cập bến Cà Mau mấy ngày sau đó. Rồi các chuyến thứ ba, thứ tư bí mật tiếp tục ra đi…Cả 4 chuyến tàu vỏ gỗ không số vào tới Cà Mau an toàn, đưa được hơn 100 tấn vũ khí chi viện cho khu 9. Trong giai đoạn đầu, phương tiện vận tải là tàu gỗ, sau đó là tàu vỏ sắt có sức chở và tốc độ lớn hơn. Ngày 17/3/1963, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên chở vũ khí cập bến Rạch Láng (Trà Vinh).

Trong năm đầu, bằng chính con đường Hồ Chí Minh trên biển, Đoàn 759 đã hoàn thành an toàn 23 chuyến vận tải vào Nam mang theo 1.318 tấn vũ khí, đạn dược phục vụ theo kịp tình hình phát triển của chiến trường miền Nam.

Tháng 8/1963, Thường trực Quân ủy Trung ương quyết định giao Đoàn 759 cho Quân chủng Hải quân. Cuối tháng 9/1963, chuyến tàu đi mở đường, mở bến chi viện vũ khí cho khu 7 vào Bà Rịa thành công. Đầu năm 1964, Bộ Quốc phòng ra quyết định chuyển Đoàn 759 với phiên hiệu mới là Đoàn 125 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân.

Từ đầu năm 1964 đến đầu năm 1965, nhờ giữ được bí mật, 20 tàu vỏ gỗ, vỏ sắt không số, với 88 chuyến vượt đường Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển 4.000 tấn vũ khí cho chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ và khu 5, mặc dù Mỹ - Ngụy tăng cường tuần tra, tổ chức rộng rãi mạng lưới mật vụ, do thám…

 “Sự kiện Vũng Rô” xảy ra, rồi đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Địch tăng cường đánh phá, nhưng Đoàn 125 vẫn tiếp tục vận chuyển vũ khí vào chiến trường. Sự bí mật của con đường Hồ Chí Minh trên biển đã không còn nữa. Nhưng cái giỏi của ta lúc này là tạo ra sự bí mật ngay giữa cái không bí mật. Những tuyến tàu vận tải vào Nam của Đoàn 125 tiếp tục nhổ neo. Trong khi đó, 40% lực lượng Hạm đội 7 của Mỹ được huy động vào “nhiệm vụ ngăn chặn thâm nhập bằng đường biển” từ Bắc vào Nam. Mức độ ác liệt của sự đánh phá của địch trên đường Hồ Chí Minh trên biển là khó mà tưởng tượng nổi và ngày một tăng theo đà thất bại của cuộc chiến tranh trên bộ của chúng. Sự hy sinh, mất mát và sức chịu dựng vô bờ của một dân tộc ra trận đã trả giá như thế nào cho ngày chiến thắng.

Nhiều cán bộ, chiến sĩ khi bị địch bao vây, không còn con đường nào khác, đã chiến đấu đến cùng hay hy sinh quên mình cùng con tàu, không để rơi vào tay giặc, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho con đường và đồng đội. Các anh mãi mãi sống trong tâm trí của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Từ những ngày đầu, bằng những phương tiện thô sơ, thuyền gắn máy đi dọc ven biển, Đoàn 125 đã tiến lên sử dụng nhiều loại phương tiện có trang bị hiện đại vươn ra biển khơi, hoạt động độc lập, dài ngày, hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến bãi ở hầu hết các tỉnh ven biển miền Nam, đến cửa ngõ Sài Gòn và tận cùng đất nước.

Đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống vận tải quân sự chi viện chiến lược cho cách mạng miền Nam.

Từ năm 1961 đến tháng 4/1975, Đoàn 125 đã vận chuyển 44.324 tấn vũ khí, trang bị, hàng hóa. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Đoàn 125 đã vận chuyển thần tốc 130 lần với 143 chuyến tàu, chở 8.741 tấn vũ khí hạng nặng gồm 50 xe tăng và đại pháo; đưa 18.741 cán bộ, chiến sĩ vượt 65.721 hải lý để tham gia chiến đấu.

Con đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường của ý chí cách mạng tiến công, con đường của tinh thần độc lập tự chủ, con đường của thắng lợi đánh bại các chiến lược của đế quốc Mỹ qua các giai đoạn chiến tranh.

Mười sáu năm kể từ khi Trung ương và Hồ Chủ tịch chủ trương mở đường vận tải trên biển Đông cho đến ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng 30/4/1975, đường Hồ Chí Minh trên biển đã góp phần tích cực thực hiện quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đường Hồ Chí Minh trên biển được coi là một kỳ tích độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Lịch sử ra đời, trưởng thành và chiến thắng của con đường Hồ Chí Minh trên biển đã cung cấp cho chúng ta và các thế hệ mai sau những bài học quý giá đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Bài của Nguyễn Xuyến 

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 12 năm 2020


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập644
  • Hôm nay50,160
  • Tháng hiện tại1,294,794
  • Tổng lượt truy cập3,999,998
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây