Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVI được triển khai thực hiện trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen. Dịch Covid-19 bùng phát nhanh từ cuối năm 2019, đang có diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP (giá 2010) tăng bình quân 8,4%/năm (mục tiêu từ 8 - 8,5%), cao hơn giai đoạn 2010 - 2015 (7,7%) và cao hơn mức bình quân chung của cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 70,6 triệu đồng, tương đương khoảng 3.050 USD (đứng thứ 19 trong toàn quốc). Quy mô kinh tế gấp 1,6 lần so với năm 2015 (đứng thứ 11 trong toàn quốc); tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế tăng từ 35,2% (giai đoạn 2011 - 2015) lên 47,1%, giai đoạn 2016 - 2020.
Cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, trên cơ sở phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế và dịch vụ; năm 2020, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm 90,5% GRDP (đầu nhiệm kỳ chiếm 78%). Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư, nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước tăng từ 80,6% (năm 2015) lên 89,4% (năm 2020), đặc biệt từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh từ 18,7% lên 29,4% trong tổng vốn đầu tư xã hội, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. Giai đoạn 2016 - 2020 đã hoàn thành cổ phần hóa 03 doanh nghiệp và chuyển đổi 03 đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 1,9%/năm. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2020 đạt 156,2 triệu đồng (tăng 23,2 triệu đồng so với năm 2015), vượt mục tiêu đề ra (150 triệu đồng/ha). Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng giá trị chăn nuôi - thủy dần chuyển dịch sang mô hình tập trung gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ mới trong sản xuất, cơ giới hóa ở hầu hết các khâu; công tác bảo quản, chế biến nông sản có bước phát triển tích cực.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,8%/năm (giai đoạn 2011 -2015: 13,7%/năm). Cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Quy mô ngành công nghiệp năm 2020 gấp 2,2 lần năm 2015. Một số sản phẩm, nhóm sản phẩm chủ lực sản xuất ổn định và tăng khá cao. Đến nay, toàn tỉnh có 10 khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 80%; có 38 cụm công nghiệp được thành lập, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 70%, trong đó, 8 cụm công nghiệp đã có nhà đầu tư hạ tầng. Giá trị sản xuất ngành xây dựng tăng 12,2%/năm (giai đoạn 2011 - 2015 tăng 9,5%/năm).
Duy trì ổn định diện tích 55.000 ha sản xuất lúa, năng suất, chất lượng được nâng lên, đảm bảo an ninh lương thực. Sản xuất rau màu được mở rộng về diện tích, chủng loại và thị trường tiêu thụ; diện tích cây ăn quả cơ bản ổn định, một số cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao (như: na, ổi, cam...) được phát triển, mở rộng. Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có bước phát triển khá toàn diện, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, xa khu dân cư; nhiều giống mới và mô hình sản xuất mới cho năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở xã được đầu tư xây dựng, nâng cấp khá đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất; thu nhập và đời sống của nhân dân khu vực nông thôn được nâng lên. Năm 2020, 100% các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đạt chuẩn nông thôn mới.
Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân 6,3%/năm (giai đoạn 2011 - 2015: 7%/năm). Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tăng khá, tổng giá trị đạt trên 31,6 tỷ USD, tăng bình quân 11,9%/năm. Ngành ngân hàng thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng vốn tín dụng và dịch vụ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống.
Du lịch phát triển khởi sắc, kết cấu hạ tầng và dịch vụ du lịch ngày càng được hoàn thiện, phát triển đồng bộ và hiện đại. Một số tuyến du lịch liên tỉnh tiêu biểu đã được xây dựng và khai thác; số lượng khách du lịch tăng bình quân 8,4%/năm, doanh thu tăng bình quân 10,2%/năm.
Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình giao thông kết nối với các tỉnh lân cận. Hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn như: đường giao thông, công trình cấp nước sạch... được cải thiện rõ nét. Hạ tầng kỹ thuật ở các đô thị, nhất là TP.Hải Dương, TP.Chí Linh và TX. Kinh Môn được đầu tư nâng cấp, tạo được nét khởi sắc mới. Các công trình, dự án trọng điểm được tập trung đầu tư tạo động lực mới cho phát triển như: Đường trục Bắc - Nam tỉnh Hải Dương: Đã hoàn thành giai đoạn 1; Khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương: Hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hạng mục Trung tâm Văn hóa xứ Đông và Quảng trường; Dự án phát triển khu du lịch, dịch vụ sinh thái và nghỉ dưỡng quy mô 300 ha tại khu vực di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu văn hóa - thể thao tỉnh Hải Dương và Trung tâm Huấn luyện bóng bàn đã được phê duyệt danh mục đầu tư, đang thu hút, lựa chọn nhà đầu tư. Đầu tư hoàn thành một số công trình giao thông quan trọng như: đường 62 m kéo dài đến nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường dẫn phía Bắc cầu Hàn…Các hệ thống hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Từ năm 2017, Hải Dương là một trong 16 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi và có một phần điều tiết về ngân sách Trung ương. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 79.261 tỷ đồng (tăng 13% so với dự toán), trong đó thu nội địa 62.178 tỷ đồng (đứng thứ 6 trong vùng đồng bằng sông Hồng), tăng bình quân 11,6%/năm. Kinh tế ngoài nhà nước có bước phát triển mạnh mẽ, tăng bình quân 7,6%/năm (giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 1,9%/năm); kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng bình quân 12,6%/năm, tiếp tục đi đầu trong sản xuất sản phẩm công nghệ cao (nguồn vốn FDI đứng thứ 4 trong vùng và thứ 11 trong toàn quốc). Trong nhiệm kỳ có 7.660 doanh nghiệp thành lập mới, tăng bình quân 10,2%/năm, vốn đăng ký tăng 21,8%/năm.
Công tác nâng cấp, phát triển đô thị đạt kết quả nổi bật, đã hình thành một số khu đô thị mới hiện đại, có thiết kế đồng bộ. Hoàn thành việc điều chỉnh địa giới hành chính và nâng cấp thành phố Hải Dương lên đô thị loại I, thị xã Chí Linh đạt đô thị loại III và trở thành thành phố, huyện Kinh Môn đạt đô thị loại IV và trở thành thị xã. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 32,2% (mục tiêu 33 - 35%).
Giáo dục và đào tạo có nhiều đổi mới. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được quan tâm, đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại và đồng bộ, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 96,5%, tăng 5%; hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cấp, cải thiện; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 75,37%, tăng 22,6%, cao hơn tỷ lệ chung toàn quốc. Hải Dương luôn đi đầu cả nước về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; chất lượng giáo dục toàn diện có bước tiến bộ; nhiều tiêu chí về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non đạt cao, vượt trội so với toàn quốc; thành tích học sinh giỏi quốc gia trong tốp đầu cả nước; chú trọng nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, góp phần tích cực nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020”. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ tăng từ 18,8% năm 2015 lên 24% năm 2020. Quan tâm thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại tỉnh với 789 trường hợp; cử đi học tiến sĩ 10 người, thạc sĩ 249 người, 11 bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa II. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về thể chất, văn hóa tinh thần, trình độ học vấn và kỹ năng, lý tưởng sống; chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh tăng từ 0,703 năm 2015 lên 0,741 năm 2020 (cao hơn bình quân chung cả nước).
Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, trước diễn biến của đại dịch Covid-19, các cấp ủy đảng, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền, giãn cách xã hội, chủ động sàng lọc bệnh nhân, xét nghiệm, điều trị để đảm bảo giảm thiểu lây nhiễm, khoanh vùng dập dịch…Với tinh thần vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát tốt. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 78,5% lên 90,5%; số bác sĩ/vạn dân từ 7,9 tăng lên 9,3; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ làm việc từ 76,6% tăng lên 85,7%; số giường bệnh trên 1 vạn dân từ 25,5 giường tăng lên 31,2 giường.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục phát triển, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, đời sống văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng, có thêm 3 di tích, cụm di tích được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, hết năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 142 di tích cấp quốc gia, 8 bảo vật quốc gia, 4 di tích quốc gia đặc biệt. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan đảng, nhà nước; triển khai Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh. Hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, quản lý văn bản, thư điện tử công vụ... được triển khai thống nhất và đồng bộ ở cả 3 cấp trong toàn tỉnh; đến nay, 10% số lượng dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4.
Công tác lao động, việc làm, an sinh xã hội đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 1,06%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 ước đạt 75%. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội ngày càng mở rộng, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng bình quân 8,4%/năm. Ước năm 2020 thu nhập bình quân đạt 4,46 triệu đồng/tháng (tăng 1,9 triệu với năm 2015) đời sống người dân hằng năm đều tăng.
Hoạt động khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển theo hướng thiết thực, hiệu quả; tỉnh đã đầu tư 213,9 tỷ đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ để thực hiện 140 nhiệm vụ, tập trung vào giải quyết những vấn đề cấp thiết trong sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động khoa học và công nghệ đã góp phần quan trọng xác định những luận cứ, cơ sở khoa học để đưa ra các quyết định lựa chọn, chấp thuận đầu tư các dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn, trùng tu di sản văn hóa và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nông thôn đạt 78,4%, đất ở đô thị 73,2%, đất các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp 92%. Công tác thanh tra, xử lý các vi phạm về môi trường được tiến hành thường xuyên và xử lý kiên quyết. Thực hiện tốt Đề án lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động trên địa bàn tỉnh. Phong trào vệ sinh môi trường từ thôn, khu dân cư được đẩy mạnh, huy động được sự đóng góp tích cực của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư; nhiều mô hình tự quản bảo vệ môi trường hoạt động có hiệu quả.
Đề án xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 triển khai đạt kết quả tốt, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Qua đó chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị chăm lo chính sách hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Triển khai tổ chức thực hiện nhiều giải pháp trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và thực hiện Đề án “Xây dựng làng an toàn, khu dân cư an toàn, cơ quan, doanh nghiệp an toàn về an ninh trật tự”.
Công tác thanh tra được triển khai thực hiện đúng quy định, giảm bớt tình trạng chồng chéo, chất lượng được nâng lên, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, góp phần phòng ngừa vi phạm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chất lượng giải quyết tố cáo, khiếu nại của công dân từng bước được nâng lên, đảm bảo đúng pháp luật. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý phát huy hiệu quả tích cực, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Việc phối hợp giữa các cơ quan tố tụng hai cấp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường; chất lượng tranh tụng tại phiên tòa có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện nền nếp, có chất lượng, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật ban hành theo thẩm quyền được nâng lên.
Công tác tuyên truyền, phổ biến về đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, hội nhập quốc tế được tăng cường nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm của tỉnh và thu hút đầu tư về Hải Dương. Hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động liên kết phát triển vùng được coi trọng, đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là liên kết triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối trong khu vực vùng đồng bằng sông Hồng. Cải cách thủ tục hành chính gắn với thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước được tăng cường triển khai thực hiện, tạo tiền đề quan trọng xây dựng chính quyền điện tử.
Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục có bước tiến bộ, đạt kết quả thiết thực; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước phát động; tích cực tham gia vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng; thực hiện có hiệu quả các phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, xây dựng gia đình - làng, khu dân cư văn hóa; vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường; tích cực tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa, công tác nhân đạo, từ thiện; giữ gìn an ninh trật tự, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần giữ vững ổn định tình hình cơ sở, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tích cực tuyên truyền, vận động, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động giám sát việc giải quyết các vụ việc gây bức xúc trong nhân dân; giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; chủ động phối hợp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân, đề xuất với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền về vấn đề nhân dân bức xúc. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội ngày càng rõ nét, bước đầu có hiệu quả nhất định.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã đổi mới nội dung, phương thức và thực hiện phương châm công tác: Chọn việc, chọn điểm, chọn mô hình, có tính đột phá, bước đầu đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả và hướng về cơ sở; quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân. Nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, phát huy các mô hình tự quản ở thôn, khu dân cư.
Có được kết quả đó là do Đảng bộ luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; đổi mới, sáng tạo của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận cao của nhân dân trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao tinh thần trách nhiệm, đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ và chức trách được giao; đặc biệt, đề cao vai trò của người đứng đầu. Người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, có tư duy đổi mới, tầm nhìn, năng động, sáng tạo, sâu sát thực tiễn, không ngại khó khăn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm, coi trọng chất lượng và hiệu quả thực tế trong công việc; chủ động, sáng tạo,; tập trung nguồn lực và sự chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, công trình trọng điểm để tạo ra động lực lớn cho kinh tế-xã hội; Khai thác tối đa mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh cùng với đẩy mạnh xã hội hóa, huy động cao nhất nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân và từ bên ngoài để đẩy nhanh tốc độ phát triển.
Trong 5 năm tới, Đảng bộ tỉnh Hải Dương tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; phát huy dân chủ, ý chí, khát vọng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nhất là về vị trí địa lý, di sản văn hóa và bản sắc con người xứ Đông nhằm phát triển Hải Dương nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, với ba trụ cột: công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao; dịch vụ chất lượng cao. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa quê hương; củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2030, Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2035 là thành phố trực thuộc Trung ương.
Bài của Phạm Ninh Hải
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 10 năm 2020