Hải Dương: Tiêu thụ nhãn Chí Linh theo tiêu chuẩn quốc tế

Trên địa bàn toàn tỉnh Hải Dương hiện có 2.100 ha nhãn. Trong đó, thành phố Chí Linh 673 ha, tập trung chủ yếu tại các xã, phường Hoàng Tân, Hoàng Tiến, Lê Lợi và Hoàng Hoa Thám. Diện tích còn lại khoảng 1.427 ha, trồng rải rác trong vườn nhà, khu chuyển đổi ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh với tổng sản lượng nhãn toàn tỉnh ước đạt trên 10.000 tấn. Trong đó, thành phố Chí Linh khoảng gần 5.000 tấn; các huyện, thành phố, thị xã còn lại khoảng trên 5.000 tấn. Tuy nhiên tổng diện tích nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong lĩnh vực trồng trọt (VietGAP) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai 50,57 ha với sản lượng ước đạt 250 tấn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu Australia, EU...
Hải Dương: Tiêu thụ nhãn Chí Linh theo tiêu chuẩn quốc tế

Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1010/QĐ-UBND ngày 31/3/2020, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với UBND thành phố Chí Linh và các cơ quan liên quan triển khai ngay các công việc cần thiết, chuẩn bị cho việc sản xuất nhãn xuất khẩu đi các thị trường cao cấp. Chi cục đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp, phòng Kinh tế TP.Chí Linh triển khai tới tất cả các xã, phường và tổ sản xuất nhãn để các địa phương nắm được chủ trương của tỉnh, của thành phố và chỉ đạo nông dân sản xuất theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Chi cục đã phối hợp với các địa phương thống kê, rà soát các diện tích trồng vải nhãn trên địa bàn và lựa chọn vùng trồng, các hộ tham gia. Phối kết hợp Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cử chuyên gia xuống rà soát, đánh giá và cấp mã số vùng trồng vải xuất khẩu đi Trung Quốc, Australia, Mỹ...năm 2020 để chuẩn bị cho việc xuất khẩu nhãn. Kết quả đã lựa chọn được 50,74 ha nhãn sản xuất theo chuẩn quốc tế với 113 hộ nông dân tham gia; Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp 4 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu đi Australia; 4 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu đi Trung Quốc và đang chờ cấp 4 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu Mỹ. Đã phối hợp với đơn vị tư vấn, giám giát, đánh giá và cấp 4 giấy chứng nhận VietGAP cho vùng 4 tổ sản xuất nhãn, diện tích 50,74 ha trong vùng quy hoạch.Tổng sản lượng đủ tiêu chuẩn VietGAP và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Australia, Singapore, EU...năm 2020 là 250 tấn.

Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phân công cán bộ kỹ thuật bám sát từng vùng trồng, hàng tuần, thậm trí hàng ngày (thời kỳ cao điểm phòng trừ sâu bệnh) xuống trực tiếp từng vườn để hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức thử nghiệm các loại thuốc bảo vệ thực vật để đánh giá hiệu lực của thuốc bảo vệ thực vật đối với nhãn; phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sau phun để hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc; hướng dẫn và giám sát cách ly thuốc bảo vệ thực vật trước thu hoạch đảm bảo yêu cầu xuất khẩu; định kỳ lấy mẫu để kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kiểm soát chủng loại thuốc bảo vệ thực vật nhằm chủ động đảm bảo nguồn nguyên liệu đạt tiêu xuất khẩu,…

Để giúp việc kiểm soát chủng loại thuốc và thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật được thuận lợi, đặc biệt giai đoạn cuối vụ, Chi cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các địa phương mua và cấp phát thuốc bảo vệ thực vật cho bà con đáp ứng kịp thời vụ. Các loại thuốc bảo vệ thực vật do chi cục hướng dẫn hoặc hỗ trợ là những loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và đã được thử nghiệm, đánh giá có hiệu lực cao trong phòng trừ sâu bênh hại nhãn. Đây cũng là các loại thuốc có chứa các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật các thị trường nhập khẩu đi Mỹ, Australia, EU,...cho phép sử dụng. Lượng thuốc bảo vệ thực vật hỗ trợ đủ phun cho 2 lần phun cuối để kiểm soát các đối tượng bệnh hại chính giai đoạn cuối vụ. Toàn bộ lượng thuốc đã đươc phát đến tận tay nông dân và được hướng dẫn sử dụng chu đáo; đa số nông dân đã sử dụng phòng trừ sâu bệnh cuối vụ hiệu quả nên vô cùng phấn khởi.

Cùng với quá trình chỉ đạo sản xuất, Chi cục Bảo vệ thực vật cũng đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, hội thảo, kết nối tiêu thụ với các công ty xuất khẩu nông sản trong và ngoài tỉnh và các nhà nhập khẩu nông sản như: Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Rồng đỏ; Công ty CP Nông sản Hưng Việt, Công ty Cổ phần Quốc tế Bamboo... và một số chuỗi tiêu thụ nông sản sạch Biggreen, công ty Rau củ quả an toàn Thanh Hà, Vinmart,... để triển khai chủ trương của tỉnh về việc xây dựng các vùng sản xuất theo chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu; các chính sách ưu đãi của tỉnh trong hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp; tư vấn lựa chọn vùng trồng và bàn phương án hợp tác trong giám sát vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu,…

Năm 2020, được sự cho phép của UBND tỉnh Hải Dương, Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã thực hiện đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh cây nhãn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hàng hóa tại TP.Chí Linh” đã tiến hành 3 thí nghiệm trên 33 cây nhãn để thâm canh, cải tạo và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật thâm canh tại vườn nhãn của 3 hộ dân ở các xã Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Lê Lợi và phường Bến Tắm, phường Hoàng Tân (TP. Chí Linh) với tổng diện tích 10 ha. Các cây nhãn thực hiện thí nghiệm cho năng suất cao, trung bình từ 170 - 190 kg/cây, chất lượng quả ngon, mẫu mã quả đẹp phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Ngày 6/8/2020, tại xã Hoàng Hoa Thám, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với TP.Chí Linh (Hải Dương) đã tổ chức Chương trình “Thu hái nhãn xuất khẩu đi Singapore, Australia, Mỹ, Anh và các thị trường cao cấp”. Nhân dịp này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với TP.Chí Linh trao giấy chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong lĩnh vực trồng trọt (VietGAP) cho các hộ trồng nhãn và thu hái nhãn xuất khẩu sang Australia.

Đây là năm đầu tiên quả nhãn Hải Dương được xuất khẩu đi các thị trường khó tính gồm Mỹ, Australia, Singapore, EU...với số lượng lớn. Do đã làm chủ được quy trình kỹ thuật (đặc biệt là công tác bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật) sản xuất nhãn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi các thị trường khó tính, đã giúp trái nhãn Chí Linh vượt qua được rào cản kỹ thuật của các thị trường khó tính và là cơ sở quan trọng để mở rộng vùng sản xuất nhãn phục vụ xuất khẩu những năm tiếp theo.

Bài của Phạm Ninh Hải

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 8/2020


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây