Sau gần 5 năm nỗ lực đàm phán, tháng 12/2019 Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp của Nhật Bản (MAFF) đã chính thức mở cửa cho vải thiều tươi của Việt Nam đã chính thức được phép xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản. Đây là thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm dịch thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng là thị trường có nhiều tiềm năng để mở rộng xuất khẩu. Việc Nhật Bản chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên được xuất khẩu quả vải tươi sang nước này đã mở ra cơ hội mới cho nông sản Hải Dương. Tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu quả vải, khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam với những thị trường khó tính.
Bên cạnh đó, từ năm 2019 Trung Quốc tăng cường quản lý chất lượng vải, nông sản nhập khẩu chính ngạch từ Việt Nam thông qua việc quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và tăng cường kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật nhập khẩu. Do vậy, việc chủ động tổ chức sản xuất vải, nhãn đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản và các thị trường cao cấp năm 2020 là nhiệm vụ quan trọng, tạo thế cạnh tranh của trái cây Hải Dương trên thị trường quốc tế và trong nước, giúp nâng cao giá trị sản xuất.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 9.750 ha vải. Trong đó huyện Thanh Hà có 3.600 ha, TP.Chí Linh 3.900 ha, các huyện, TP, TX còn lại 2.250 ha. Tổng sản lượng quả dự kiến là 45.000 tấn. Trà vải sớm gồm U trứng, U hồng, U thâm, Tàu lai ra hoa đạt trên 90% cao hơn khoảng 10% so với niên vụ năm 2019.Hiện nay, đang giai đoạn quả làm cùi, thời gian thu hoạch từ 05 - 30/5/2020 năng suất vải sớm ước đạt 20.000 tấn. Trà vải thiều ra hoa khoảng 65 - 70%, trong đó huyện Thanh Hà trên 70%, Chí Linh trên 50%, các huyện còn lại ra hoa trên 65%, tỷ lệ vải thiều ra hoa cao hơn gấp 3 - 4 lần so năm 2019. Hiện nay đang trong giai đoạn quả non, thời gian thu hoạch từ 01 - 25/6/2020. Nếu thời tiết thuận lợi, năng suất dự kiến trà vải thiều khoảng 25.000 tấn.
Nhằm xây dựng và mở rộng các vùng vải theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo thành các vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Tỉnh Hải Dương có 220 ha với sản lượng ước đạt 1.250 tấn, bằng 5,5% tổng sản lượng vải toàn tỉnh được hỗ trợ. Trong đó có19 vùngsản xuất vải đã được cấp mã số vùng trồng vải xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU, với diện tích 170ha, sản lượng dự kiến 1.000 tấn.
Sản xuất vải, nhãn an toàn theo VietGAP phục vụ nội tiêu và xuất khẩu Trung Quốc, Malaixia,…Tổng số vùng vải, nhãn đăng ký vùng trồng, xuất khẩu đi Trung Quốc 71 vùng (vải 64 vùng, nhãn 7 vùng) với diện tích gần 10.000 ha. Diện được đào tạo, tập huấn và sản xuất theo quy trình VietGAP trên 9.000 ha, sản lượng 25 - 30.000 tấn. Sản phẩm đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ nội tiêu và xuất khẩu đi Trung Quốc, Malaysia,…Toàn tỉnh Hải Dương hiện nay có 64 vùng trồng và 120 cơ sở đóng gói được cấp mã số đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ngay sau khi Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam)thông báo Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) chính thức mở cửa thị trường cho quả vải thiều của Việt Namxuất khẩu trực tiếp sang thị trường này trong niên vụ 2020 kèm theo các qui định về kiểm dịch thực vật đối với vải thiều nhập khẩu. Quả vải thiều trở thành mặt hàng hoa quả tươi thứ 4 của Việt Nam sau thanh long, xoài và chuối được phép nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản - một trong những thị trường có tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe nhất thế giới. Để tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu trực tiếp sang thị trường này, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động phối hợp với người dân trồng vải phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm dịch và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Đặc biệt cần lưu ý về khâu kiểm dịch bất cứ lô vải thiều tươi nào có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định của Nhật Bản đều sẽ bị trả lại hoặc bị tiêu hủy cho dù lô hàng này đã được xử lý côn trùng. Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methybromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32 gram/m3 trong thời gian hai giờ dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản. Các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.
Người dân vùng trồng vải theo tiêu chuẩn quốc tế được chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật để sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, được hưởng các chính sách hỗ trợ 6,5 triệu đồng/ha/năm của tỉnh về sản xuất nông nghiệp an toàn và các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ 5 triệu đồng/ha kinh phí thuê chứng nhận VietGap cho những diện tích chưa có giấy chứng nhận VietGap hoặc giấy chứng nhận VietGap hết hiệu lực. ngoài ra còn rất nhiều chính sách khác như hỗ trợ kinh phí thuê phân tích, giám định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho những lô sản phẩm xuất khẩu đi Nhật Bản; Hỗ trợ kinh phí thử nghiệm thuê dịch vụ bảo vệ thực vật để quản lý chủng loại và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo xuất khẩu; Hỗ trợ kinh phí thử nghiệm ứng dụng, vận hành hệ thống/tiêu chuẩn OTAS trong quản lý và cấp giấy chứng nhận mã số 3 vùng trồng vải xuất khẩu…Người dân đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới để làm ra quả vải ngon, sạch đáp ứng được thị trường khó tính và mong muốn có đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đến nay, Công ty Cổ phần Nông sản Hưng Việt (Gia Lộc) đã hoàn thành xây dựng nhà xưởng sơ chế vải rộng trên 700 m2 gồm dây chuyền chuyển nhiệt độ, phòng khử trùng quả vải bằng Methyl bromide với công suất 2 tấn/mẻ/2 giờ, phòng đóng gói và phòng lạnh chứa sản phẩm…với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng. Đây là 1 trong 3 dây truyền trong cả nước được phép xử lý xông hơi khử trùng, đóng gói quả vải xuất khẩu sang Nhật Bản.
Huyện Thanh Hà cũng khuyến khích người trồng vải đẩy mạnh sản xuất theo mô hình hữu cơ, VietGap, Global GAP để nâng cao giá trị quả vải và đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Đồng thời hướng dẫn người dân chăm bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đúng quy trình theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Vườn trồng vải phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc, phải được lập và lưu lại hồ sơ, nhật ký sản xuất và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số; vườn phải áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp đối với ruồi đục quả phương Đông. Các vườn phải tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm sử dụng, phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Các cơ sở đóng gói, xông hơi khử trùng quả vải xuất khẩu phải thực hiện theo quy định về kiểm dịch thực vật của Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản.
Hiện nay, tỉnh Hải Dương đã khẩn trương hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xuất khẩu quả vải tươi sang thị trường Nhật Bản trong vụ vải 2020 và các năm tiếp theo. Đến ngày 20/4/2020 đã có 3 doanh nghiệp đăng ký vùng trồng vải và đăng ký bao tiêu sản phẩm phục vụ xuất khẩu đi Nhật Bản và các nước gồm: Công ty Cổ phần Nông sản Hưng Việt (Gia Lộc) đăng ký 4 mã vùng trồng với diện tích 40 ha, bao tiêu khoảng 220 tấn, Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam (Hà Nội) đăng ký 4 mã vùng trồng với diện tích 20 ha, bao tiêu khoảng 100 tấn, Công ty Sản xuất Thương mại Rồng Đỏ (TP. Hồ Chí Minh) duy trì bao tiêu 3 vùng vải xuất khẩu rộng khoảng 20 ha; Công ty Cổ phần Quốc tế Bamboo đăng ký 4 mã vùng trồng và đăng ký bao tiêu khoảng 200 tấn vải…đáp ứng các quy định về kiểm dịch thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm như Nhật Bản, Mỹ, Úc, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU)…Ngoài ra còn một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như Công ty Xuất khẩu nông sản Thanh Hà, Công ty TNHH Trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH Happro, Hệ thống siêu thị Big C, Co.opmart, Vinmart+, Intimex…đang xây dựng kế hoạch thu mua, sơ chế, tiêu thụ, xuất khẩu vải đi Nhật Bản và các thị trường khác.
Bài của Phạm Ninh Hải
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1+2 ra tháng 6/2020