Hướng tới 75 năm “Đồng tiền Cụ Hồ”

Ngày 1/12/1945, đúng 3 tháng sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng tiền Tài chính với chất liệu nhôm đầu tiên loại 2 hào được phát hành. Tiếp theo đó ngày 21/1/1946 đồng tiền nhôm loại 5 hào được phát hành. Và phải đến ngày 31/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới chính thức ký Nghị định phát hành tờ tiền giấy đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Trung.
Hướng tới 75 năm “Đồng tiền Cụ Hồ”

Nhà máy in tiền

Đó là nhà máy in tiền (giai đoạn 1946 - 1947) ở đồn điền Chi Nê nay xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Theo tài liệu lịch sử, tháng 9/1945, Việt Nam giành được độc lập nhưng ngân sách quốc gia trống rỗng, điều kiện tài chính của đất nước gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù Bác Hồ đã ra lời kêu gọi nhân dân tích cực sản xuất và ủng hộ cho “Quỹ độc lập”, “Tuần lễ vàng”… Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ tích cực chuẩn bị phát hành đồng tiền độc lập của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để giải quyết vấn đề tài chính trước mắt và lâu dài phục vụ kháng chiến.

Tháng 10/1945 Bác Hồ đã quyết định giao nhiệm vụ cho ông Phạm Văn Đồng khi đó là Bộ trưởng Tài chính điều hành toàn bộ việc in và phát hành đồng tiền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngay sau khi thành lập, mọi việc tổ chức sản xuất được tiến hành rất bí mật. Trước cách mạng tháng Tám 1945, cả Đông Dương chỉ có 2 nhà máy in lớn là nhà in Viễn Đông và nhà in Tô - Panh. Nhưng tại thời điểm này, cả hai nhà máy in đều do quân đội Tưởng Giới Thạch và quân viễn chinh Pháp đang chiếm đóng.

Tuy ban đầu gặp khó khăn về cơ sở vật chất kỹ thuật về xưởng in, máy in, giấy in chuyên dụng, mực in, mẫu tiền, vật liệu, công nhân kỹ thuật nhưng cuối cùng chúng ta cũng đã khắc phục dần để in ra đồng tiền cách mạng đầu tiên của nhà nước công nông. Để triển khai chỉ thị của Bác Hồ, Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã trưng dụng một số nhà in tư nhân ở Bắc Bộ và triệu tập nhiều họa sĩ giỏi để vẽ mẫu tờ bạc rồi cho in thử các loại mệnh giá 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 100 đồng. Sau đó Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã kêu gọi nhà tư sản Đỗ Đình Thiện (1904 - 1972, nhà tư sản Việt Nam yêu nước) đứng tên và bỏ tiền ra mua lại nhà in Tô - Panh của Pháp rồi tặng lại cho Chính phủ để in tiền. Từ đây nước ta có nhà in riêng, gọi là Việt Nam Quốc gia ấn thư cục. Ngày 3/2/1946, tức mùng 2 Tết năm Bính Tuất, theo chủ trương của Chính phủ, đồng tiền (giấy bạc) Cụ Hồ được tung ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và được người dân hồ hởi đón nhận.

Những đồng tiền đầu tiên của ta, về hình thức chưa thật đẹp, giấy in chưa tốt nhưng được nhân dân chấp nhận vì nó đại diện cho nền độc lập, tự do của tổ quốc, chủ quyền thiêng liêng của quốc gia và trên đồng tiền mới có in hình chủ tịch Hồ Chí Minh. “Tiền Cụ Hồ” ra đời góp phần đấu tranh tiền tệ với địch để bảo vệ nền độc lập dân tộc và trở thành một lợi khí để đấu tranh trên mặt trận kinh tế - tài chính - tiền tệ, loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp ra khỏi nước ta, góp phần quyết định vào việc cung cấp nhu cầu vật chất, lưu thông hàng hoá trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.

Năm 1946, cơ sở in tiền Bác Hồ bị lộ, bọn giặc thường xuyên phá hoạt, bắn giết công nhân. Tình thế đó, Bác Hồ quyết định sơ tán nhà in lên đồn điển Chi Nê xã Cố Nghĩa, vùng Chi Nê, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình. Đồn điền Chi Nê xây dựng cuối thế kỷ XIX, rộng 7.331 ha. Chủ đồn điền là người Pháp đã bán lại cho gia đình ông Đỗ Đình Thiện với giá hai nghìn lượng vàng và vị thương gia yêu nước ấy đã hiến cho cách mạng.

Tuy đồng tiền Cụ Hồ mới được phát hành ở Nam Trung bộ nhưng tác dụng và ảnh hưởng của nó lại lan rộng trong cả nước, qua việc thu đổi khi phát hành ta đã tập trung được một khối lượng lớn tiền Ngân hàng Đông Dương để đưa vào tiêu dùng ở Nam bộ và Bắc bộ.

Đến tháng 8/1946 đồng tiền Việt Nam được chính thức phát hành ở Bắc Trung bộ. Và đến trước ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng tiền Việt Nam đã căn bản thay thế đồng tiền Ngân hàng Đông Dương trên thị trường tự do của ta.

Tháng 11/1946, tờ giấy bạc có mệnh giá lớn nhất được ra đời là tờ 100 đồng Việt Nam, còn được gọi là tờ bạc “con trâu xanh” vì trên tờ bạc có hình con trâu màu xanh, kịp thời phục vụ nhu cầu kháng chiến. Ở nhà máy in tiền Chi Nê, công nhân làm việc chủ yếu vào ban đêm. Mặc dù mệt nhọc nhưng với tinh thần yêu nước, anh chị em công nhân đã cung cấp đều đặn cho chiến trường, cho mọi nhu cầu kháng chiến, kiến quốc. Ngày 31/11/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà họp kỳ thứ hai, quyết định phát hành đồng tiền Việt Nam và tổ chức thu hồi, đổi tiền Đông Dương trên toàn quốc với mệnh giá 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng và tiếp đó là loại 200 đồng, 500 đồng.

Ngày 21/2/1947, khi về Lạc Thủy, Bác Hồ nói: “Đây là Nhà máy in tiền của ta, các chú cần giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiều tiền cho cả nước tiêu dùng và công cuộc kháng chiến cứu quốc”.

Cùng với những chủ trương, chính sách trên, để xây dựng một nền tài chính quốc gia độc lập, tự chủ, chống âm mưu phá hoại về tiền tệ của quân đội Tưởng, quân Pháp từ ngày 31/1/1946. Chính phủ đã quyết định phát hành tờ bạc tài chính Việt Nam độc lập - “Giấy bạc cụ Hồ”.

Lúc Cách mạng tháng Tám mới thành công, đồng tiền lưu hành trong cả nước ta vẫn là giấy bạc Đông Dương - Do ngân hàng Đông Dương phát hành (Ngân hàng này được thành lập theo sắc lệnh của tổng thống Pháp ngày 21/1/1875 với nhiệm vụ đảm nhận công tác ngân khố, thu phát cho ngân sách Đông Dương). Trong cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, ta chưa thể chiếm và tiếp quản ngân hàng này mà để tiếp tục hoạt động theo quy chế cũ như đã ký kết giữa ngân hàng Đông Dương và chính quyền thuộc địa cũ trong một thời gian.

Theo đó, Ngân khố Trung ương có một lưu khoản ở Ngân hàng Đông Dương để mỗi khi có yêu cầu, ngân hàng này sẽ xuất tiền trong một hạn mức tối đa cho phép. Do đó, thông qua đồng tiền, Ngân hàng Đông Dương đã tìm nhiều cách gây khó khăn hòng lũng đoạn nền kinh tế, tài chính nước ta. Mặt khác, quân đội Tưởng sang tước khí giới quân Nhật lại mang theo tiền quan kim và Quôc tệ của chúng vào lưu hành ở nước ta gây thêm nhiều rối ren phức tạp.

Vì vậy, chính phủ lâm thời vừa phải đối phó với Ngân hàng Đông Dương, quân Pháp và quân Tưởng để giành quyền chủ động trong lĩnh vực tiền tệ và phát hành đồng tiền riêng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cuối tháng 9/1945, ngay sau khi đặt chân đến Việt Nam, ban tham mưu của tướng Lư Hán - chỉ huy trưởng quân đội Tưởng đã yêu cầu ta phải đổi cho họ mỗi tháng 3 tỷ đồng quan kim lấy 4,5 tỷ Đông Dương (theo tỷ giá 1 đồng quan kim: 1,5 đồng Đông Dương; 1 đồng Đông Dương bằng 1,33 quốc tệ). Đây là một thủ đoạn xảo quyệt của quân đội Tưởng. Chúng thừa biết tổng số giấy Bạc Đông Dương đã phát hành và lưu hành trên thị trường lúc đó (kể cả số lạm phát do Nat gây ra) chỉ khoảng 2 tỷ đồng và như vậy, chắc chắn ta không thể nào thỏa mãn yêu sách đó. Đây chính là cái cớ buộc ta phải cho lưu hành trên đất nước thêm 2 loại tiền quan kim và Quốc tệ song song với tiền Đông Dương.

Ngày 13/10/1945, quân Tưởng dán thông cáo khắp nơi, buộc nhân dân và các cơ quan nhà nước của ta phải thu nhận 2 loại tiền này theo tỷ giá đã công bố. Tiếp theo, chúng bắt đầu tung loại tiền quan kim và quốc tệ và Việt Nam để vơ vét thu mua hàng hóa của cải. Các cửa hàng của thương gia người Việt, Hoa, Pháp, Ấn... đều tràn ngập 2 loại tiền này để hạn chế ảnh hưởng đồng tiền này, các thương gia đối phó bằng cách niêm yết hai giá: Nếu trả bằng tiền Quan kim thì giá sẽ cao hơn trả bằng tiền Đông Dương.

Về phía ngân khố nhà nước, từ ngày 5/11/1945, các cơ quan quy định chỉ nhận một nửa bằng tiền Quan kim, một nửa bằng tiền Đông Dương. Tỷ lệ nhận tiền Quan Kim dần được rút xuống còn một phần ba. Mặt khác, các cơ quan cũng được lệnh phải gấp rút chi ngay số tiền Quan kim đã thu được, không để lâu trong công quỹ. Tỷ giá giữa đồng Quan Kim với đồng Đông Dương ngày càng giảm sút, mất giá từ 1,5 lần xuống còn 0,5 rồi 0,2 cho đến cuối tháng 3/1946 theo chân quân Tưởng rút khỏi nước ta.

Tiền “Việt Nam độc lập”

Chủ trương phát hành tờ bạc Việt Nam độc lập đã được đề ra ngay sau ngày Cách mang tháng Tám thành công nhưng chưa thực hiện được ngay do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đi đôi với việc tích cực chuẩn bị mọi phương tiện vật chất cần thiết cho việc phát hành tờ bạc giấy, Chính phủ đã cho lưu hành trước các loại tiền nhôm, đồng loại 2 hào và 5 hào từ ngày 1/12/1945 để thay thế những loại tiền mệnh giá nhỏ bằng giấy đã rách nát lưu hành từ thời Pháp, Nhật. Tuy nhiên, loại tiền kim loại này (phát hành số lượng ít) không thể dùng làm vũ khí để đấu tranh nhằm thay thế và loại hẳn tiền Đông Dương ra khỏi nước ta. Muốn thực hiện mục đích này, chúng ta phải phát hành một tờ bạc Việt Nam.

Trên tinh thần ấy, ngày 15/11/1945, Cơ quan ấn loát Trung ương (thuộc Bộ tài chính) đã được Chính phủ cho phép thành lập và đồng chí Phạm Quang Chúc được cử làm giám đốc với nhiệm vụ sản xuất tờ bạc Việt Nam để đưa ra lưu hành phục vụ cho nhu cầu, đời sống sản xuất, chiến đấu. Đồng chí Phạm Văn Đồng - Ủy Viên lâm thời Chính Phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính (người được giao chỉ đạo toàn bộ công việc in và phát hành tờ bạc Việt Nam) đã cho mời các họa sĩ nổi tiếng đương thời ở Hà Nội như Mai Văn Hiến, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Văn Khanh, Nguyễn Huyến...về nhận nhiệm vụ vẽ các mẫu giấy bạc loại 5, 10, 20 và 100 đồng.

Thời gian đầu, tất cả mọi thứ cần dùng cho việc sản xuất tờ bạc như xưởng in, máy in, giấy in, vật liệu, cán bộ công nhân kỹ thuật...đều thiếu thốn. Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ Cơ quan ấn loát đã tích cực tìm các biện pháp tháo gỡ khó khăn. Họ đã vận động những công nhân yêu nước, giỏi tay nghề ở nhà in Taupin (Tô-panh) giúp cách in thạch bản (in litô) bằng máy mượn của các nhà in tư nhân. Chỉ trong thời gian ngắn, guồng máy sản xuất tờ bạc đã đi vào hoạt động để liên tiếp cho xuất xưởng những kiện tờ bạc Việt Nam đầu tiên chuẩn bị sẵn sàng cho các đợt phát hành đầu tiên.

75 năm “tiền Cụ Hồ” (1946 - 2020)

Sau khi cân nhắc mọi mặt, Chính Phủ đã chọn miền Nam Trung bộ làm nơi phát hành đầu tiên vì tại đây không có quân đội ngoại quốc, chính quyền Cách mạng hoàn toàn làm chủ và nhiều điều kiện thuận lợi khác.

Ngày 3/2/1946 (mồng 2 Tết Bính Tuất), lễ phát hành tờ bạc tài chính Việt Nam đầu tiên được tổ chức long trọng tại thị xã Quãng Ngãi, mở đầu cho việc xóa bỏ nền tiền tệ lệ thuộc của chế độ thực dân phong kiến và xây dựng nên một nền tiền tệ Việt Nam độc lập, tự chủ. Tờ bạc cụ Hồ đã được phát hành trước sự chào đón và hoan nghênh nhiệt liệt của đông đảo quần chúng nhân dân Nam Trung Bộ và có tác dụng ảnh hưởng tích cực ra toàn quốc. Qua việc thu đổi khi phát hành, ta tập trung được một khối lượng lớn tiền Đông Dương để mang ra tiêu dùng ở Nam Bộ và Bắc bộ, phục vụ cho sản xuất và kháng chiến.

Ngày 13/8/1946, Chính phủ ban hành sắc lệnh cho mở rộng và phát hành tờ bạc tài chính Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra. Để chuẩn bị mọi điều kiện cho công cuộc kháng chiến lâu dài, tại kỳ họp ngày 3/11/1946, Quốc Hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã biểu quyết cho lưu hành tờ bạc Việt Nam trên toàn quốc. Hơn 1 tháng sau (ngày 19/12/1946) cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ và từ đấy, tờ bạc Việt Nam có mặt khắp nơi trên mọi miền tổ quốc để trở thành một lợi khí sắc bén đấu tranh trên  mặt trận kinh tế, tài chính, góp phần quyết định vào việc bảo đảm cung cấp cho nhu cầu về mọi mặt của cuộc kháng chiến.

Ngày 6/5/1951, Bác Hồ ban hành sắc lệnh thành lập Ngân hàng quốc gia Việt Nam; quyết định thay thế tờ bạc tài chính  bằng tờ bạc ngân hàng từ ngày 12/5/1951 với tỷ giá 1 đồng ngân hàng bằng 10 đồng tài chính. Đến đây, tờ bạc tài chính đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình với vai trò thúc đẩy hoạt động kinh tế - xã hội thời chiến, góp phần quan trọng cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, tính đến nay đã 75 mùa xuân ra đời “Đồng tiền Cụ Hồ”.

Bài của Nguyễn Tấn Tuấn

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 12 năm 2020

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây