Anh Nguyễn Văn Thế chính thức bước vào nghề chăn nuôi gà từ năm 1997. Do chưa có nhiều kinh nghiệm, cộng với nguồn vốn eo hẹp nên ban đầu anh chỉ đầu tư xây 2 chuồng gà, nuôi với quy mô 300 - 500 con/lứa, chủ yếu là nuôi giống gà màu, gà trắng, gà Lương Phượng. Sau nhiều năm thử nghiệm, nhận thấy có hiệu quả kinh tế, gia đình anh tiếp tục mở rộng diện tích trang trại, tập trung đầu tư chăn nuôi gà.
Cứ sau mỗi năm tổng đàn gà của gia đình anh Thế lại tăng lên, từ vài trăm con lên đến hơn 1.000 con gà. Khibắt đầu nuôi quy mô lớn cũng là lúc dịch bệnh về gia cầm và những rủi ro liên tiếp xảy ra đối với gà. Gà chết nhiều, có lứa gia đình anh bị lỗ hàng chục triệu đồng. Rút kinh nghiệm từ lần thất bại đó, anh Thế đã đầu tư thời gian thăm quan các mô hình chăn nuôi gà quy mô lớn tại địa phương và các tỉnh rồi tự mày mò tham khảo các tài liệu hướng dẫn và lên mạng internet toàn cầu tìm các trang hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà.
Năm 2008, là cũng dấu mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn của gia đình anh Nguyễn Văn Thế. Lúc bấy giờ nhận thấy giống gà lai chọi được thị trường ưa chuộng, lại dễ nuôi, ít bệnh, thịt dai, ngon nên anh đã bàn bạc với gia đình mua 3.000 con giống gà lai chọi về nuôi thử nghiệm. Chỉ trong vòng 4 tháng, đàn gà phát triển tốt, xuất bán với giá cao nên anh Thế quyết định chuyển hẳn sang nuôi giống gà này, nhập số lượng lớn con giống, đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại và mở rộng diện tích.
Vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm, sau mỗi lứa gà được xuất bán thành công đã cho anh Thế thêm vững tin với quyết định chọn chăn nuôi gà làm hướng phát triển kinh tế của gia đình. Anh Thế lại tiếp tục tái đầu tư chăn nuôi, với quy mô gà lên 3.000 con/lứa. Đến năm 2017, anh nuôi thêm giống gà ri. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, tận dụng diện tích đất rộng để làm trang trại. Từ chỗ chỉ có vài trăm mét vuông, đến nay khu chuồng chăn nuôi gà của anh Thế đã mở rộng lên 2.000 m2 với 3 dãy chuồng. Hiện nay trang trại của vợ chồng anh Thế thường xuyên có 6.000 con gà thương phẩm. Anh Thế cho biết: “Với số lượng gà lớn như hiện nay, chi phí thức ăn, tiền thuốc mỗi ngày mất khoảng 6 triệu đồng. Thời gian gần Tết, nhiều gà to thì chi phí lên tới 12 triệu đồng. Hiện nay, thị trường tiêu thụ gà chủ yếu của gia đình anh Thế là Hải Phòng, Quảng Ninh và Hà Nội”.
Với kỹ thuật “nuôi gối” hiện nay, cứ bình quân mỗi tháng gia đình anh Thế lại xuất bán khoảng 3.000 con gà thịt và vào 3.000 con gà giống để quay vòng chăn nuôi. Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm, gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đầu năm 2018, anh Thế chuyển sang nuôi gà theo quy trình VietGap. Hiện khu chuồng trại nuôi gà được anh Thế xây dựng thoáng mát đúng quy cách, hạn chế ô nhiễm môi trường...Về nguồn giống, thức ăn, tiêm vắc xin cho đến cách nuôi, phòng bệnh anh đều thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy trình...góp phần tăng hiệu quả chăn nuôi. Hiện nay, anh Thế đang xây dựng thêm chuồng và mở rộng thêm diện tích chăn nuôi gà với quy mô từ 1 vạn con gà thương phẩm trở lên. Anh Thế cho biết: “Yếu tố quyết định giúp gia đình anh thành công trong việc chăn nuôi gà thương phẩm chính là áp dụng công nghệ nuôi khoa học. Cách làm này còn giúp giảm thiểu đáng kể mùi hôi từ chất thải, giảm nồng độ khí H2S, NH3... thải ra môi trường xung quanh; đồng thời tăng cường phân hủy phân, nước tiểu thành phân hữu cơ vi sinh, tăng quá trình tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn, góp phần phòng bệnh cho đàn gà. Bên cạnh đó, việc sử dụng đệm lót còn giảm công lao động, nhất là trong khâu dọn chuồng; giảm chi phí điện để sưởi ấm hoặc làm mát; giảm nước để vệ sinh chuồng trại và thức ăn, góp phần tăng hiệu quả chăn nuôi”.
Ngoài nuôi gà thương phẩm, gia đình Thế còn có thu nhập khá ổn định từ kinh doanh thức ăn chăn nuôi và cung ứng gà giống. Được biết, bình quân mỗi năm gia đình anh bán được từ 8 - 12 tỷ đồng tiền cám và cung ứng khoảng 5.000 con gà giống cho các hộ chăn nuôi.
Với những thành công đó, gia đình anh Nguyễn Văn Thế, ở thôn An Giang, xã Quang Phục 5 năm liền được công nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Bài của Trần Yến
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 10 năm 2020