Phòng nắng nóng cho vật nuôi trong mùa hè

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn TW, mùa hè năm nay sẽ có những đợt nóng kéo dài nhiệt độ dao động từ 38oC đến 39oC thậm chí lên đến 40oC. Đây là một trong những yếu tố bất lợi trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi tập trung với mật độ cao, dễ phát sinh lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi...
Phòng nắng nóng cho vật nuôi trong mùa hè

Để công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong mùa hè, các hộ chăn nuôi cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

1. Chuồng trại

Khu vực chuồng nuôi phải thoáng mát theo hướng Đông Nam, nên lợp mái ngói hoặc mái lá cọ, mái rạ đối với các trang trại, gia trại có điều kiện có thể dùng tôn lạnh…để chống nóng trực tiếp và tăng cường độ thoáng của chuồng. Nên đặt quạt thông gió theo thế nằm ngang, quạt theo hướng gió thổi, độ cao của quạt ở ngang tầm lưng của gia súc.

Không nên dùng quạt trần vì hiệu quả chống nóng thấp, do thổi khí nóng từ mái chuồng xuống gia súc. Đối với chuồng kín cần cải tạo cho thông thoáng hoặc đặt quạt hút gió để tăng cường đối lưu không khí, giảm nhiệt độ và khí độc trong chuồng.

Giàn mưa, phun ẩm: Bố trí hệ thống phun mưa lên nóc chuồng nuôi, nhằm giảm nhiệt độ mái chuồng lúc trời nắng to khi nhiệt độ bên ngoài trời lên cao trên 35 - 400C. Khi phun mưa cần quan tâm đến việc tăng cường thông gió và thoát nước ở xung quanh để tránh làm tăng ẩm độ trong chuồng.

2. Quản lý nuôi dưỡng

- Đối với trâu bò: Với trâu bò chăn thả cần phải có thời gian chăn thả thích hợp, buổi sáng chăn thả từ 6 giờ đến 9 giờ; buổi chiều từ 16 giờ đến 18 giờ. Nên buộc trâu bò ở những nơi có bóng mát để cho vật được nghỉ ngơi vào lúc trời nắng nóng.

- Đối với gia cầm: Nuôi nhốt với mật độ thích hợp với mùa, số lượng gà úm cần diện tích là 50 - 60 con/m2, gà 0,5 - 1 kg nhốt 20 - 30 con/m2,, gà 2 - 3 kg nhốt 7 - 10 con/m2. Nếu nóng quá có thể thả ra vườn, gốc cây quanh chuồng. Lưu ý gà đẻ rất dễ chết vào những ngày nhiệt độ quá cao, do vậy cần giảm bớt năng lượng trong khẩu phần ăn, cho ăn thêm rau xanh. Tăng sức đề kháng cho gia cầm bằng cách cho uống Bcomlex, Vitamin C, chất điện giải...cho ăn các loại cám chất lượng tốt.

- Đối với lợn: Mật độ nuôi nhốt đối với nái 3 - 4 m2/con, lợn thịt là 2 m2/con. Cần tắm cho lợn 1 - 2 lần/ngày. Cho uống đủ nước và cho uống Bcomlex, chất điện giải (đặc biệt là vitamin C) để giải nhiệt.

3. Chế độ cho ăn, cho uống

Những ngày nắng nóng nhiệt độ, ẩm độ trong chuồng nuôi cao, cơ thể gia súc, gia cầm phải chống đỡ với những điều kiện bất lợi đó, thường bỏ ăn, uống nhiều. Cần phải thực hiện một số biện pháp sau: Tăng cường khẩu phần ăn xanh như rau cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin…tăng cường khẩu phần đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần; Những đợt nắng nóng kéo dài, thực hiện chế độ chuyển bữa ăn, thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp thường chuyển sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

Đảm bảo thường xuyên có đủ nước mát cho gia súc, gia cầm uống, không làm ẩm ướt nền chuồng. Tốt nhất nên lắp các thiết bị van nước tự động để luôn cấp đủ nước sạch cho gia súc, gia cầm uống. Những ngày nắng nóng cần bổ sung vào nước uống Vitamin C, các chất điện giải hoặc nước pha muối với nồng độ 1% (10 - 15 gram muối/lít nước). Để chống stress cho gia súc, gia cầm

4. Công tác vệ sinh phòng bệnh mùa hè

Tăng cường công tác vệ sinh thú y như tẩy uế chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt…là những tác nhân truyền và gây bệnh trong mùa hè. Cống rãnh phải sạch, không đọng phân, nước. Hạn chế phát sinh ruồi, muỗi, rận…trong mùa hè. Cần tiêm đầy đủ các loại vacxin cho gia súc, gia cầm để tăng cường miễn dịch, bổ xung kháng sinh vào thức ăn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Đối với dụng cụ, chuồng trại, đệm lót: Cần tiến hành tổng vệ sinh, tẩy uế, dụng cụ như máng ăn, máng uống và thay thế lớp đệm lót dùng trong đợt nắng nóng. Thường xuyên giám sát phát hiện sớm, báo ngay với chính quyền và cơ quan Thú y khi con vật có biểu hiện ốm, chết không rõ nguyên nhân để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời tránh để bệnh lây lan rộng. Khi xuất bán cần phải lên thời gian thích hợp, không nên vận chuyển lúc trời nắng nhiệt độ cao.

Nguyễn Minh Đức, Phó CCT Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1+2 ra tháng 6/2020

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây