Nhớ lại những nhiệm kỳ trước, Hải Dương đều có những “điểm nóng”, khiếu kiện đông người, vượt cấp diễn ra triền miên, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân cũng như sự lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Những mâu thuẫn nội bộ nhân dân thường là vấn đề đất đai, “hợp nhất”, “hợp nhì” (nhập vào, tách ra HTX) đụng chạm đến lợi ích cá nhân, cục bộ. Với nhiệm kỳ này, khi chuẩn bị triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập các thôn, khu dân cư chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định, nhằm đáp ứng bước phát triển mới, đã không ít tư tưởng, tâm trạng băn khoăn, lo lắng. Bởi đây là vấn đề phức tạp. Không chỉ đụng chạm đến con người mà còn là sự cố kết làng xã từ lâu đời, trong đó hàm chứa về phong tục, tập quán, cơ sở kinh tế, xây dựng, lịch sử, tên làng, tên xã…và nhiều vấn đề khác. Vậy mà dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, chỉ trong thời gian nhất định, tỉnh đã sắp xếp, sáp nhập xong 55 đơn vị hành chính cấp xã thành 25 đơn vị (có huyện sáp nhập nhiều xã, có xã sáp nhập 3 đơn vị thành 1); sáp nhập 305 thôn, khu dân cư, chia tách 10 thôn; thành lập 178 thôn mới, khu dân cư mới, từ đó, giảm được 135 thôn, khu dân cư (so với trước). Cùng với đó là kiện toàn các tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể quần chúng phù hợp với đơn vị hành chính xã, thôn, khu dân cư.
Chỉ dẫn ra một sự kiện trên đã chứng minh nếu không có sự đồng thuận cao của nhân dân thì làm sao có được kết quả đó. Trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” (Báo Nhân Dân, 1/9/2020), sau khi nêu lại những thành quả cực kỳ to lớn trong công cuộc đổi mới 35 năm qua và 5 bài học kinh nghiệm, bài báo viết: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân…”
Từ những kết quả của tỉnh nói trên, liên hệ với những chỉ dẫn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, càng nhận thức sâu sắc hơn quan điểm “dân là gốc” của Đảng. Đồng thời, qua nghiên cứu toàn văn nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, người tham gia thảo luận càng thêm tin tưởng vào phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp, biện pháp thực hiện chương trình hành động cụ thể mà Đại hội và Tỉnh ủy nhiệm kỳ mới sẽ đề ra, trong đó có bài học lớn về phát huy quyền dân chủ của nhân dân, từng bước xây dựng và phát triển tỉnh Hải Dương ngày càng giàu mạnh, văn minh./.
*Phụ bản Báo Hải Dương, 11/9/2020
Bàn của Nguyễn Thế
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 10 năm 2020