TP. Hải Dương: Vị thế mới - tầm cao mới

Ngày 17/5/2019, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 580/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Hải Dương mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh Hải Dương. Sau đây, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương xin giới thiệu tóm tắt những mốc chính lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Hải Dương.
TP. Hải Dương: Vị thế mới - tầm cao mới

Năm Gia Long thứ 3 (1804), Thành Đông được triều Nguyễn khởi lập với mục tiêu án ngữ vùng biên ải phía Đông thành Thăng Long, xây dựng thành kiên cố gọi là Thành Đông và không ngừng phát triển trở thành trung tâm của xứ Đông xưa. Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngày 26/8/1938, tại số 17, phố Đông Môn (nay là phố Phạm Hồng Thái), Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên, tiền thân Đảng bộ thành phố Hải Dương được thành lập, gồm 3 đồng chí do đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn làm Bí thư. Vào hồi 14 giờ ngày 17/8/1945 dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và Việt Minh đã biến cuộc tuần hành của tổ chức thanh niên Phan Anh thành cuộc biểu dương lực lượng nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân lao động.

Qua 9 năm kháng chiến, quân và dân thị xã đã lập được nhiều chiến công vang dội, góp lửa làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Hiệp định Giơnevơ được ký kết, thị xã Hải Dương là vùng thực dân Pháp tập kết rút quân sau 100 ngày. Từ ngày 28 đến 29/10/1954, Ủy ban Quân chính tiến hành tiếp quản thị xã. Đúng 8 giờ 17 phút ngày 30/10/1954, tên lính thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi đầu cầu Phú Lương, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược. Ngày 30/10/1954 trở thành mốc lịch sử, truyền thống vẻ vang oanh liệt và đáng tự hào của Đảng bộ và nhân dân thị xã Hải Dương.

Trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là 10 năm (1965-1975) chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thị xã Hải Dương đã tuyển quân, động viên 3.339 thanh niên bổ sung cho các quân binh chủng, trực tiếp chi viện cho các chiến trường đã có 1.181 người con anh dũng hy sinh. Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chính quyền đã vận động nhân dân đào đắp hàng trăm hầm, hố tránh bom cá nhân, 76.635 mét giao thông hào; đắp ụ trận địa pháo cao xạ, tên lửa góp phần bắn rơi 4 máy bay của giặc Mỹ… Năm 1973, nhân dân và cán bộ xã Ái Quốc, huyện Nam Sách (nay là phường Ái Quốc, TP Hải Dương) được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, là đơn vị đầu tiên của tỉnh Hải Hưng được nhận vinh dự này. Thành tích của quân và dân thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương) đã góp phần cùng cả nước tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ năm 1976 đến 1986, thị xã Hải Dương từng bước hoàn thiện hệ thống chính trị, phát huy vai trò quản lý của nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; đã cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ năm 1986 - 1997, Đảng bộ và nhân dân thị xã Hải Dương đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dịch vụ, lao động theo hướng hiện đại. Đặc biệt, thị xã đã mạnh dạn đưa chương trình xây dựng đô thị là 1 trong 4 chương trình mang tính chất kinh tế-xã hội quan trọng và đã thực hiện thành công.

Ngày 06/8/1997, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/1997/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Hải Dương thuộc tỉnh Hải Dương. Năm 1998, nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố Hải Dương vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 30/10/2009, Đảng bộ và nhân dân TP. Hải Dương tổ chức kỷ niệm 205 năm khởi lập Thành Đông, 55 năm ngày giải phóng thành phố và công bố Quyết định 616/QĐ-TTg ngày 15/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP.Hải Dương là đô thị loại II.

Ngày 30/10/2014, TP.Hải Dương tổ chức kỷ niệm 210 năm khởi lập Thành Đông (1804 -2014), 60 năm ngày giải phóng thành phố (30/10/1954 - 30/10/2014) và đón nhận Huân chương độc lập hạng Nhì. Tháng 8/2015, Đại hội Đảng bộ TP.Hải Dương lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra mục tiêu: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tập trung huy động mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng thành phố Hải Dương trở thành đô thị loại I”.

Với quy mô và tầm vóc của thành phố Hải Dương là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, du lịch, dịch vụ và là thủ phủ của tỉnh Hải Dương; có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đối với tỉnh, khu vực và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.Là cầu nối quan trọng giữa Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh ra cảng biển và đất liền. Đầu mối giao thông giao lưu trong vùng tỉnh, vùng liên tỉnh; đồng thời là đầu mối trung chuyển trọng yếu về giao thông đường thủy trong vùng đồng bằng Bắc bộ.

Tính đến hết năm 2017 dân số thành phố Hải Dương là 507.469 người. Số người trong độ tuổi lao động là 327.423 người. Diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 29,33 m2/người; Tỷ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố đạt 98,79%.Thu nhập bình quân đầu người đạt trung bình 77,66 triệu đồng/người/năm, bằng 1,98 lần thu nhập bình quân đầu người trên cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông lâm thủy sản theo mục tiêu đề ra. Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần đây đạt 13,60%. Tỷ lệ các hộ nghèo chiếm 3,55%. Tỷ lệ tăng dân số hàng năm (bao gồm tăng tự nhiên và tăng cơ học) 2,51%.Cơ sở y tế cấp đô thị đạt 3,53 giường/1000 dân; Toàn đô thị có 21 cơ sở giáo dục đào tạo cấp đô thị; 12 công trình văn hóa cấp đô thị; 25 công trình thể dục, thể thao cấp đô thị; 17 Công trình thương mại, dịch vụ cấp đô thị.

Hệ thống giao thông của có vai trò quan trọng giúp kết nối thành phố với thủ đô Hà Nội và các trung tâm kinh tế vùng trong cả nước;Tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đạt 24,42%; Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 21,2%.Tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng đạt 96,47%, tỷ lệ ngõ hẻm được chiếu sáng đạt 96,85%.Tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 99,82%.Số thuê bao hiện tại bình quân đạt 30,5 máy /100 người; Tỷ lệ phủ sóng thông tin di động trên dân số đạt 100%.

Hệ thống thoát nước của thành phố có chiều dài 220,122 km.Hiện tại, thành phố đang tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các hệ thống thoát nước, tỷ lệ các khu vực ngập úng có giải pháp phòng chống ngập úng đạt 95,5%. Trên địa bàn 100% chất thải nguy hại từ các bệnh viện, khu công nghiệp được thu gom, xử lý kịp thời đạt tiêu chuẩn quy định; Tỷ lệ nước thải xử lý đạt 44,81%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt 99,12%; Chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, đưa đi xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải ở xã Việt Hồng (Thanh Hà), tỷ lệ đạt 98,5%; Rác thải y tế tại bệnh viện, trạm y tế được xử lý theo công nghệ lò đốt tại bệnh viện, trạm y tế, tỷ lệ đạt 100%; Tỷ lệ người dân sử dụng hình thức hỏa táng đạt 88,84%.

Trong những năm qua, TP.Hải Dương đã tích cực đầu tư chỉnh trang đô thị, xây dựng các khu dân cư mới, trong đó chú trọng tăng cường các diện tích cây xanh mặt nước; hiện tại diện tích đất cây xanh toàn đô thị đạt 8,32 m2/người; đất cây xanh công công khu vực nội thị đạt 5,58 m2/người. Tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị đạt 52,07%; có 12 khu vực không gian công cộng của đô thị; 16 công trình kiến trúc tiêu biểu cấp Quốc gia. Hiện tại đã có 4/9 xã (bao gồm cả các xã thuộc khu vực mở rộng)  đều đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đang tích cực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để hoàn thành về đích nông thôn mới.

Với vị thế và tầm cao mới TP Hải Dương phấn đấuđến năm 2030 thành phố Hải Dương sẽ được xây dựng và phát triển bền vững với 5 mục tiêu: đô thị công thương; đô thị sống khỏe; đô thị sáng tạo; đô thị đẹp thân thiện với con người; đô thị an toàn, an tâm. Đến năm 2050, TP.Hải Dương sẽ là đô thị "khỏe-năng động-văn hóa" với các nội dung: đô thị sống khỏe, tăng cường phát triển các lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, giáo dục và tạo dựng không gian sống; năng động phát triển các ngành nghề kinh tế linh hoạt phù hợp với nhu cầu từng thời kỳ; là đô thị văn hóa kế thừa, bảo tồn, phát huy lịch sử, văn hóa, thân thiện với mặt nước, sống với không gian xanh. Đồng thời nêu cao truyền thống anh hùng, tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, vững tin vào đường lối đổi mới của Đảng; gương mẫu trong lao động, học tập, công tác; ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, xây dựng thành phố Hải Dương ngày càng giàu mạnh, văn minh, xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, dịch vụ của tỉnh Hải Dương.

Bài của Phạm Ninh Hải

Đăng trên Tạp Chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6 năm 2019.

 


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập163
  • Hôm nay53,673
  • Tháng hiện tại1,310,322
  • Tổng lượt truy cập4,015,526
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây