Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương đã báo cáo với Bộ trưởng: Trong 10 năm qua, tỉnh Hải Dương đã được Bộ Khoa học và Công đầu tư các dự án khoa học gồm các Dự án: Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất sản phẩm xử lý đáy ao nuôi thủy sản (BIOF); quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý vải thiều Thanh Hà; xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể nếp cái hoa vàng Kinh Môn; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ hoàn thiện mô hình nuôi cá Lăng chấm hàng hóa; xây dựng mô hình sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học Fito - Biomix RR xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ; ứng dựng tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu theo hướng hàng hóa; Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nhân giống, sản xuất, bảo quản và tiêu thụ rau an toàn...Qua đó đã góp phần chuyển giao nhanh các kỹ thuật tiến bộ khoa học cho người dân, các doanh nghiệp áp dụng nâng cao hiệu quả sản xuất góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Trong lĩnh vực Khoa học nông nghiệp tỉnh đã tập trung nghiên cứu, thử nghiệm lựa chọn các giải pháp KH&CN về giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh, năng lực của người dân và tập quán sản xuất từng vùng trên địa bàn tỉnh để chuyển giao cho người dân đưa vào sản xuất đại trà. Sản xuất thử, kết luận và lựa chọn được nhiều giống cây trồng vật nuôi đưa vào cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh cho hiệu quả kinh tế cao hơn các giống cũ từ 7-15%. Phát triển một số giống lợn ngoại, phát triển các mô hình sản xuất lợn choai đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu góp phần ồn định và phát triển biền vững trong chăn nuôi; Ứng dụng các kỹ thuật xử lý môi trường ao nuôi thủy sản bằng công nghệ sinh học, phát triển mở rộng sản xuất thương Cá rô phi đơn tính đực, đến nay các giống cá rô phi đơn tính đực đã phát triển mở rộng ở 12 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh, duy trì diện tích nuôi trên 10.000 ha.
Trong lĩnh vực Khoa học và kỹ thuật: tỉnh đã xây dựng thành công hệ thống giám sát tự động thông số môi trường nước thải và khí thải bằng công nghệ GSM/GPRS phục vụ hiệu quả cho công tác giám sát, quản lý nước thải, khí thải tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và phát triển thành công mô hình hệ thống tưới nước theo công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước, thuận lợi cho việc canh tác, giảm nhân công, nâng cao hiệu quả sản xuất cho các vùng sản xuất chuyên rau màu. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước và cải cách hành chính của tỉnh.
Trong lĩnh vực Khoa học Y, Dược: nghiên cứu điều trị một số bệnh có xu hướng phát triển trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu quản lý và sử dụng thuốc an toàn hợp lý, áp dụng các kỹ thuật tiến bộ về y học trong phòng bệnh, chẩn đoán và điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện; nghiên cứu phát triển nguồn dược liệu, sản xuất viên nang, thực phẩm chức năng, áp dụng một số bài thuốc y học cổ truyền điều trị hiệu quả một số bệnh phổ biến.
Trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Khoa học nhân văn: Nghiên cứu xây dựng các giải pháp thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh và Quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế phản biện xã hội nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Hải Dương; nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả về cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu bảo tồn, khai thác và phát triển các di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh, biên soạn xuất bản các bộ sách: Hệ thống di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu tỉnh Hải Dương, di sản Hán - Nôm, Địa chí tỉnh Hải Dương. Các kết quả nghiên cứu về lịch sử, văn hoá là cơ sở khoa học cho việc xây dựng quy hoạch bảo tồn, khai thác và phát triển các khu di tích lịch sử - văn hóa trọng điểm của tỉnh gắn với phát triển du lịch thu hút các doanh nghiệp phát triển hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đến nay đã có 100% các cơ sở có thiết bị bức xạ được cấp giấy phép hoạt động. Các nguồn bức xạ và phóng xạ đã được sở theo dõi, quản lý chặt chẽ. Tỉnh đã xây dựng được 19 nhãn hiệu tập thể và 01 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản và làng nghề của tỉnh, bao gồm: gà đồi Chí Linh, na Chí Linh, nhãn Chí Linh, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn, sắn dây Kinh Môn, hành Kinh Môn, tỏi Kinh Môn, củ đậu Kim Thành, Ổi Thanh Hà, Bưởi Thanh Hồng - Thanh Hà, rau an toàn Gia Lộc, bánh đa Hội Yên, bánh gai Ninh Giang, giầy da Hoàng Diệu, rươi Tứ Kỳ, cáy Tứ Kỳ, cà rốt Đức Chính, Rau an toàn Gia Xuyên, Rau An toàn Phạm Kha và chỉ dẫn địa lý sản phẩm Vải thiều Thanh Hà. Hoạt động tuyên truyền về Sở hữu trí tuệ thường xuyên được duy trì trên website của Sở Khoa học và Công nghệ, Báo Hải Dương, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương và thực hiện nhiều chương trình khoa học và công nghệ với phát triển nông nghiệp; “Phát triển thương hiệu” phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.Tổ chức áp dụng, duy trì cải tiến hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 tại các cơ quan đơn vị quản lý nhà nước từ cấp xã đến các sở, ngành trong toàn tỉnh đảm bảo hiệu quả nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính; hoạt động kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và ghi nhãn hàng luôn được duy trì thường xuyên. Hướng dẫn doanh nghiệp về công bố tiêu chuẩn cơ sở, công bố phù hợp tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật; hoạt động dịch vụ kỹ thuật tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng được duy trì và phát triển ổn định.
Công tác thanh tra chuyên ngành trên các lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu công nghiệp, nhãn hàng hóa, an toàn bức xạ và hạt nhân đạt hiệu quả thiết thực khắc phục những tồn tại trong việc chấp hành các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, an toàn bức xạ và sở hữu công nghiệp. Hoạt động thông tin khoa học công nghệ luôn được đổi mới, phát triển, cung cấp các thông tin về khoa học và công nghệ cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp. Các cơ sở dữ liệu về KH&CN đã được số hóa từng phần và phân loại theo các tiêu chuẩn thống nhất từ Cục Thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia tiến tới đồng bộ cơ sở dữ liệu của tỉnh với cơ sở dữ liệu của quốc gia.
Trong thời gian tới, Bộ Trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh đề nghị Hải Dương cần tập trung vào một số sản phẩm chủ lực có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao, để định hướng đầu tư, phát triển; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của tỉnh. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chung tay với phương châm là cố gắng hết sức hỗ trợ, phối hợp để đạt hiệu quả cao. Hải Dương cần tập trung hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, tranh thủ sự hỗ trợ, quan tâm đầu tư của các bộ, ngành Trung ương. Về những đề xuất của tỉnh, Bộ KHCN sẽ xem xét để có sự hỗ trợ, phối hợp tốt. Thời gian tới, Bộ sẽ thúc đẩy, phối hợp và hỗ trợ Hải Dương triển khai thực hiện: Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phù hợp để duy trì và khai thác vững dòng chảy suối Côn Sơn thuộc khu di tích Đền thờ Nguyễn Trãi (Chí Linh); ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, trong sản xuất mỳ gạo theo chuỗi liên kết từ xây dựng vùng nguyên liệu đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xử lý môi trường tại một số làng nghề trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu đổi mới công nghệ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp; hỗ trợ một số dự án thuộc chương trình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi giai đoạn 2016 - 2025; xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm của tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng KHCN và sản xuất, đời sống. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương 6 (khóa XII) về sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các đơn vị sự nghiệp sự nghiệp KHCN để các đơn vị này hoạt động có hiệu quả.
Phát biểu với đoàn công tác của Bộ KHCN, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hiển mong muốn trong thời gian tới Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tỉnh Hải Dương đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao các công nghệ mới, các kỹ thuật tiến bộ vào các ngành kinh tế-xã hội của tỉnh. Ưu tiên nghiên cứu giải quyết những vấn đề cấp bách như bảo quản, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giải quyết ô nhiễm môi trường,...Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật tiến bộ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; quản lý và giải quyết ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, các viện nghiên cứu, trường đại học trong việc nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, đời sống.Tăng cường công tác thẩm định công nghệ, nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý nhà nước trong hoạt động quản lý công nghệ và sở hữutrí tuệ; thực hiện tốt công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu các sản phẩm của tỉnh. Hằng năm giữa bộ và tỉnh cần có công tác phối hợp, kiểm tra lại chương trình hoạt động để đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm hướng tới bước phát triển tốt hơn trong thời gian tới.
Trước đó, đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ đã đến thăm hoạt động chế biến, bảo quản rau quả của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hưng Việt (Gia Lộc) và Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu (Nam Sách).
Bài của Phạm Ninh Hải
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm 2018