Mô hình nuôi các theo công nghệ mới ở Tứ Kỳ

Sản xuất thủy sản tại tỉnh Hải Dương trong những năm trở lại đây ngày càng phát triển, tăng diện tích nuôi thủy sản tập trung, phương thức nuôi thâm canh được đẩy mạnh, áp dụng công nghệ nuôi đa dạng góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi. Ở xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Văn Khôi được biết đến là một hộ nuôi thủy sản đi đầu trong việc hợp tác liên doanh, áp dụng công nghệ mới kết hợp với đảm bảo môi trường bền vững trong việc nuôi thủy sản để phát triển kinh tế hộ gia đình, thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi cá.
Mô hình nuôi các theo công nghệ mới ở Tứ Kỳ

Khu vực sản xuất của gia đình ông Nguyễn Văn Khôi nằm trên cánh đồng thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ với diện tích mặt nước ao nuôi 8 ha đưa vào khai thác nuôi thủy sản từ năm 2014. Trước đây, trên diện tích 5 mẫu ao, ông Khôi nuôi cá theo cách truyền thống với nguồn thu nhập tạm ổn định. Nhận thấy tiềm năng làm kinh tế từ nuôi thủy sản, được sự hỗ trợ và động viên của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, ông Khôi mạnh dạn gom đất thuê ruộng của nông dân trong thôn với mức phí 50 kg thóc/sào ruộng/năm, xin chuyển đổi sang làm ao nuôi cá với tổng diện tích mặt nước 8 ha. Khu vực nuôi cá được xây dựng theo quy trình khép kín từ khâu ương nuôi cá bột đến nuôi cá thương phẩm. Với việc chủ động nắm bắt kỹ thuật ương, nuôi cá các giai đoạn, ông phân chia ao nuôi theo từng giai đoạn của cá. Hệ thống bờ ao được xây kè chắc chắn, lắp đặt hệ thống cấp thoát nước khoa học, trang bị đầy đủ máy sục khí cấp ô – xy cho cá. Thức ăn sử dụng trong nuôi cá phần lớn là thức ăn công nghiệp, kết hợp với thức ăn thô xanh. Mô hình nuôi các loại cá chủ yếu là cá rô phi, cá chép, cá trắm với mật độ 1 con/1m2. Quá trình chăn nuôi cá, ông Khôi lựa chọn sử dụng các loại chế phẩm vi sinh để xử lý đáy ao, xử lý nước ao đảm bảo môi trường nước ao nuôi.

Theo kinh nghiệm của ông Khôi, việc xử lý môi trường ao nuôi bằng cách sử dụng các chế phẩm vi sinh đã phát huy tác dụng tốt đối với mô hình nuôi thủy sản của gia đình ông. Khi xử lý đáy ao và nước ao tốt, các chất độc tích tụ trong ao từ nguồn phân cá, thức ăn dư thừa được phân hủy, độ pH trong nước ao được cân bằng, tạo môi trường ao nuôi ổn định. Nhờ đó, người nuôi cá giảm được chi phí điện năng chạy máy sục khí tạo ô – xy, giảm lượng kháng sinh sử dụng trong phòng trị bệnh cho cá, đặc biệt là giảm tỉ lệ hao hụt từ 15% theo cách nuôi truyền thống xuống còn 5%.

Nhờ tuân theo quy trình kỹ thuật khoa học, khu vực sản xuất thủy sản của gia đình ông có nguồn thu nhập lớn từ sản xuất cá giống và nuôi cá thương phẩm. Mỗi năm, cơ sở của ông nhập và ương nuôi cá bột, cung ứng cho thị trường 2 triệu con giống cá chép Việt Thái, 2 triệu con giống cá rô phi, cung cấp cho người nuôi cá ở nhiều địa phương như Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình…, tạo nguồn thu nhập 400 – 500 triệu đồng/năm. Song, thế mạnh của cơ sở sản xuất chính là nguồn thu nhập từ nuôi cá thương phẩm. Với tiềm lực về nguồn vốn, ông Khôi lựa chọn các loại cá chép, cá rô phi, cá trắm có kích cỡ trên 100gram để đưa vào ao nuôi cá thương phẩm. Mỗi năm, ông thu hoạch 2 lứa cá, kích cỡ cá đạt trọng lượng 1,5 – 2 kg/cá rô phi, 3-4 kg/con cá chép, 4-5 kg/con cá trắm. Tổng sản lượng cá đạt 200 tấn/năm, với giá bán luôn cao hơn giá thị trường 5.000 đồng mỗi kg. Tổng doanh thu từ nuôi cá thịt đạt 8 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, ông thu lãi mỗi năm 1 tỷ đồng.

Nhận thấy sản lượng cá của cơ sở chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thương lái và người nuôi cá, ông Khôi đã mở rộng hệ thống các ao nuôi vệ tinh với tổng diện tích 20ha. Các ao vệ tinh hoạt động dưới hình thức do ông cho vay 50% vốn để đầu tư thức ăn, chế phẩm xử lý môi trường, sau khi thu hoạch mới phải trả vốn. Bên cạnh đó, ông Khôi còn đưa ra giải pháp hỗ trợ người nuôi thủy sản ngay tại địa phương. Đối với các hộ nuôi cá tại xã Ngọc Kỳ, ông Khôi sẽ trực tiếp giảm giá bán cá giống từ 15-20%. Đồng thời, ông cũng tích cực chia sẻ, trao đổi kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất tại cơ sở của mình cho các hộ dân.

Hiện tại, ông Nguyễn Văn Khôi đang xây dựng hệ thống bể ương nuôi bằng composite để mở rộng quy mô ương nuôi cá giống và chuẩn bị cơ sở vật chất để đưa nguồn cá bố mẹ giống chép Việt Thái sang sản xuất giống ngay tại đây. Đây là bước quan trọng để chủ động nguồn cá giống cung ứng tại chỗ và giảm giá thành cá giống, tạo điều kiện cho các hộ nuôi thủy sản đa dạng nguồn con giống trong sản xuất.

Bài của Nguyễn Thị Ánh

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6 năm 2018


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập182
  • Hôm nay35,111
  • Tháng hiện tại1,113,962
  • Tổng lượt truy cập3,819,166
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây