Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm: Xây dựng mô hình sản xuất nhiều giống lúa mới

Với ưu thế trong nghiên cứu, lai tạo các giống lúa mới phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong những năm gần đây, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã nghiên cứu chọn tạo và phát triển các giống lúa thuần và chọn tạo phát triển tổ hợp lúa lai mang thương hiệu Việt Nam theo hướng năng suất cao. Sau nghiên cứu, lai tạo, Viện đã tích cực xây dựng mô hình sản xuất trình diễn các giống lúa mới trong nghiên cứu tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm: Xây dựng mô hình sản xuất nhiều giống lúa mới

Mô hình sản xuất giống lúa mới N25 ngắn ngày phục vụ luân canh tăng vụ tại Hải Dương đã được triển khai thực hiện từ năm 2017. Đây là giống lúa được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần chọn lọc từ quần thể 9311 xử lý phóng xạ bằng tia gamma nguồn Co60, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức năm 2017, và thử nghiệm gieo cấy tại một số địa phương như Nam Sách, Tứ Kỳ, Gia Lộc. So với giống lúa KD18, lúa N25 có năng suất tương đương, song chất lượng gạo ngon, cơm dẻo, vị đậm, thời gian sinh trưởng ngắn hơn từ 5-7 ngày, giúp nông dân nhanh chóng bố trí gieo trồng cây vụ đông sớm. Vụ xuân năm 2018, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất giống lúa N25 với quy mô 60 ha tại xã huyện Nam Sách, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Kim Thành, xây dựng theo phương pháp ô thửa lớn từ 10ha trở lên tại mỗi địa điểm triển khai.

Xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ là một trong các địa phương tham gia mô hình sản xuất giống lúa N25 từ năm 2017, bước đầu cho thấy giống phù hợp với diện tích luân canh lúa - màu, giúp hạn chế đáng kể ảnh hưởng của thời tiết bất thuận và sâu bệnh gây ra. Theo đánh giá của ông Nguyễn Tiến Bình (Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Dân Chủ), trong vụ xuân 2018, giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại nặng trên một số giống lúa khác, tuy nhiên mô hình gieo cấy giống lúa N25 không xuất hiện bệnh đạo ôn. Năng suất lúa N25 đạt từ 65 - 69 tạ/ha. Đây là giống lúa ngắn ngày, năng suất cao và ổn định, khả năng kháng sâu bệnh tốt, phù hợp với cơ cấu 2 vụ lúa và 1-2 vụ màu/năm. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Dân Chủ tiếp tục phối hợp với Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm theo dõi, đánh giá mô hình trong vụ tiếp theo.

Thực hiện Dự án “Xây dựng vùng sản xuất lúa giống mới, giá trị cao gắn với tiêu thụ sản phẩm năm 2018”, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm lựa chọn hai giống lúa là Gia Lộc 102 và LTh31. Mô hình sản xuất các giống lúa LTh 31, Gia Lộc 102 trong vụ xuân 2018 được thực hiện tạicác xã Đông Kỳ, thị trấn Tứ Kỳ (huyện Tứ Kỳ), Hồng Hưng, Lê Lợi (huyện Gia Lộc), Hiệp Lực (huyện Ninh Giang) với tổng diện tích 150 ha.

Giống lúa Gia Lộc 301 do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo có thời gian sinh trưởng vụ xuân từ 135-140 ngày và vụ mùa từ 110-115 ngày; giống có bông dài, hạt thon dài, chất lượng gạo trong, hàm lượng amylase từ 25-26%, phù hợp làm nguyên liệu chế biến bún và bánh đa. Vụ chiêm xuân 2018, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất giống lúa Gia Lộc 301 tại các xã Kim Khê (huyện Kim Thành), Thượng Quận, Hiệp Hòa (huyện Kinh Môn), An Thanh (huyện Tứ Kỳ) với diện tích 50 ha. Kết quả đánh giá mô hình cho thấy, giống lúa Gia Lộc 301 có khả năng chống chịu cao với rầy nâu, khô vằn và bệnh đạo ôn, ít nhiễm bệnh bạc lá, khả năng chống đổ và chịu rét trung bình. Giống lúa Gia Lộc 301 bông to, dài, năng suất đạt 65 – 73 tạ/ha. Đặc biệt, toàn bộ sản phẩm thóc tươi của mô hình được Công ty Cổ phần giống cây trồng (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) tiêu thụ cho nông dân.

Mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao HDT10 trên địa bàn tỉnh Hải Dương đượcsản xuất thử nghiệm tại các xã Tân Dân (Chí Linh), An Châu (TP Hải Dương), Hưng Long (Ninh Giang), Đông Kỳ (Tứ Kỳ) với tổng diện tích 50 ha, 486 hộ tham gia. Giống lúa HDT10 có đặc tính chịu rét tốt, khả năng kháng bệnh đạo ôn cao hơn giống đối chứng BT7, gạo trắng trong, tỷ lệ hạt nguyên sau xay xát cao, cơm mềm, dẻo, năng suất từ 60-68 tạ/ha (cao hơn lúa BT7 từ 9-10 tạ/ha).

ĐS1 là giống lúa có thời gian sinh trưởng trung ngày, có khả năng chống chịu sâu, bệnh rất tốt, tính thích ứng rộng, năng suất cao, chất lượng gạo ngon, cơm mềm, dẻo, vị đậm, ngọt. Vụ xuân năm 2018, Công ty Cổ phần giống cây trồng đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình chuỗi giá trị hàng hoá đối với giống lúa ĐS1 phục vụ xuất khẩu tại tỉnh Hải Dương” nhằm liên kết các hộ sản xuất với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất chuyên canh giống lúa chất lượng phục vụ xuất khẩu. Mô hình được thực hiện tại xã Ngũ Hùng (huyện Thanh Miện), xã Hùng Thắng (huyện Bình Giang) và thị trấn Gia Lộc (huyện Gia Lộc) với tổng diện tích 100 ha. Ban chủ nhiệm Dự án đã tổ chức cấp phát giống kết hợp với tập huấn kỹ thuật gieo mạ, cấy, chăm sóc, thu hoạch giống lúa ĐS1 đạt năng suất cao.

Kết quả theo dõi mô hình cho thấy, giống lúa ĐS1 có thời gian sinh trưởng từ 130-137 ngày, dài hơn giống đối chứng của địa phương 5-10 ngày, chiều cao cây từ 100-105 cm, số dảnh hữu hiệu/khóm đạt từ 7-10 dảnh, hơn hằn giống KD18 và Bắc thơm 7 (5-6 dảnh/khóm). Giống lúa ĐS1 có khả năng chống chịu tốt với sâu, bệnh như bệnh đạo ôn (điểm 0-1), khô vằn, sâu cuốn là, đục thân và rầy nâu (điểm 1-3), trong khi đó giống đại trà KD18, Bắc thơm 7 chống chịu sâu bệnh kém hơn (điểm 3-5). Số bông/m2 trung bình đạt 296,5 bông/m2, số hạt chắc/bông đạt từ 151,8-155,2 hạt/ bông; khối lượng 1000 hạt đạt 27,8-28,5g, cao hơn hẳn giống Bắc thơn số 7 (21,7 g). Năng suất thực thu đạt 6,8 – 7,2 tấn/ha, cao hơn hẳn giống Bắc thơm đối chứng (5,5 tấn/ha). Giống lúa ĐS1 sản xuất ra và được ký kết hợp đồng tiêu thụ thóc tươi với giá thành 6.500đ/kg (tương đương 8.500 đồng/kg thóc khô). Với cùng mức chi phí, mô hình gieo cấy giống lúa ĐS1 cho tổng thu đạt từ 57 – 61 triệu đồng/ha, cao hơn so với mô hình gieo cấy giống đối chứng Bắc thơm 7 từ 13 – 17  triệu đồng.

Từ những kết quả trên, có thể nhận thấy Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã lựa chọn các giống lúa mới có nhiều ưu thế về năng suất, chất lượng, khả năng sinh trưởng và phát triển, phù hợp với nhu cầu sản xuất của nông dân các địa phương, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường. Là đơn vị nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống phục vụ sản xuất, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ để kết nối giữa các hộ sản xuất nhỏ lẻ với doanh nghiệp thu mua sản phẩm, giúp các hộ sản xuất an tâm về đầu ra cho sản phẩm lúa gạo tại địa phương.

Bài của Nguyễn Thị Ánh

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 8 năm 2018


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập184
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,094,508
  • Tổng lượt truy cập3,799,712
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây