Xây dựng mô hình quản lý, chăm sóc bệnh nhân viêm gan

Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Nhiễm vi rút viêm gan cấp tính thường không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện không rõ rang, những trường hợp nặng có thế gây ra suy gan cấp hoặc diễn biến kéo dài dẫn đến viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan. Hoạt động phòng chống bệnh viêm gan vi rút tại Việt Nam đã được triển khai với nhiều hình thức, từ truyền thông nâng cao nhận thức, giám sát, xét nghiệm, ngăn ngừa sự lây truyền của vi rút và sàng lọc, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh nhân viêm gan. Để góp phần thực hiện kế hoạch hành động phòng chống bệnh viêm gan vi rút, trong hai năm 2016, 2017, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đã triển khai thực hiện đề tài “ Xây dựng mô hình quản lý và chăm sóc bệnh nhân viêm gan tại tỉnh Hải Dương”.
Xây dựng mô hình quản lý, chăm sóc bệnh nhân viêm gan

 Thực hiện đề tài, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã tiến hành nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về việc quản lý và chăm sóc bệnh nhân viêm gan trong cộng đồng dân cư tỉnh Hải Dương. Ban chủ nhiệm đề tài sử dụng phương pháp khám sàng lọc, phỏng vấn kiến thức đối với 6.528 người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn 12 xã, phường của tỉnh Hải Dương bao gồm: Duy Tân (huyện Kinh Môn), Cẩm Phúc, Cẩm Văn (huyện Cẩm Giàng), Nhân Quyền, Vĩnh Hồng (huyện Bình Giang), Quang Minh (huyện Gia Lộc), Đồng Lạc, Hợp Tiến (huyện Nam Sách), Hoàng Tiến, An Lạc (TX.Chí Linh), An Châu, Cẩm Thượng (TP.Hải Dương).  Đối tượng tham gia khám sàng lọc ở nhóm tuổi 50 - 59 tuổi là lớn nhất (chiếm tỉ lệ 27,2%); nghề nghiệp nông dân là chủ yếu (71,9%); tỷ lệ nam giới tham gia nghiên cứu là 27,7%, ít hơn so với nữ giới (72,3%).Kết quả khảo sát cho thấy, có 465 người nhiễm viêm gan vi rút B (tỉ lệ 7,58%); 44 người nhiễm viêm gan vi rút C (tỉ lệ 0,67%); 211 người mắc viêm gan rượu (tỉ lệ 3,23%); 1348 người có gan nhiễm mỡ (tỉ lệ 20,65%). Trong đó, tỉ lệ mắc vi rút viêm gan B và C cao nhất ở lứa tuổi từ 50-59 với tỉ lệ 29,03% và 20,45%; ở lứa tuổi dưới 20 thấp nhất là 0,65% và 2,27%. Theo kết quả 12 xã, phường tham gia khảo sát, xã An Châu và Nhân Quyền là hai xã có tỷ lệ viêm gan B cao nhất (tỉ lệ 10,16 % và 10,13%), thấp nhất ở xã Vĩnh Hồng (tỉ lệ 2,15%). Tỉ lệ mắc viêm gan C cao nhất ở xã An Châu (3,65%); viêm gan do rượu cao nhất ở xã Hợp Tiến (7,5%). Đối với bệnh gan nhiễm mỡ, tỉ lệ mắc cao nhất ở các xã Hoàng Tiến (38,11%), Hợp Tiến (36,79%), Vĩnh Hồng (26,54%). Cũng theo kết quả khảo sát từ người dân, có tới 66,6% người dân không biết vi rút viêm gan B có lấy truyền từ vợ/chồng cho nhau; 65,7% không biết có lây truyền vi rút từ mẹ sang con; 60,4% người dân không biết là có vắc xin phong bệnh viêm gan B; 59,6% người dân không biết việc cần thiết phải tiêm phòng cho trẻ sơ sinh và 40,3% người dân cho rằng nghiện rượu không gây ra viêm gan.

Về thực trạng quản lý bệnh nhân viêm gan tại các trạm y tế, qua khảo sát 259 trạm y tế thuộc tỉnh Hải Dương, chỉ có 12 đơn vị thống kê số người nhiễm vi rút viêm gan B; 2 đơn vị thống kê số người nhiễm vi rút viêm gan C; 5 đơn vị có thống kê số bệnh nhân gan nhiễm mỡ; 8 đơn vị có thống kê số bệnh nhân gan do rượu. 21,2 - 24,7 % số trạm y tế có thông báo cho người bệnh viêm gan đến khám định kỳ. Chỉ có 2,3 - 5% trạm y tế lập danh sách theo dõi bệnh nhân viêm gan. Hình thức quản lý theo dõi bệnh nhân viêm gan chủ yếu bằng hồ sơ bệnh án giấy. Các chỉ số theo dõi người mắc viêm gan chủ yếu là khám lâm sàng (81,8%); siêu âm và xét nghiệm hóa sinh chỉ có 18,2%; không có cơ sở y tế nào làm được xét nghiệm định lượng HBV, HCV.

 Từ những kết quả nghiên cứu khảo sát, Ban chủ nhiệm đề tài đã xây dựng mô hình quản lý bệnh nhân viêm gan tại tỉnh Hải Dương. Trước hết, để nâng cao năng lực quản lý và khám chữa bệnh, ban chủ nhiệm đề tài tổ chức đào tạo tại chỗ về khám, phát hiện bệnh viêm gan cho các bác sĩ đang công tác tại trạm y tế 12 xã, phường. Nhằm mục đích đảm bảo việc quản lý thống nhất và có sự liên kết từ y tế tuyến cơ sở đến bệnh viện, ban chủ nhiệm đề tài đã xây dựng và đưa vào vận hành phần mềm quản lý bệnh nhân viêm gan; trong đó có 1 máy chủ đặt tại Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương và 12 máy tính cài đặt phần mềm quản lý đặt tại 12 trạm y tế xã, phường. Tổng số 1.980 bệnh nhân viêm gan đã được phát hiện qua khám sàng lọc, ban chủ nhiệm đề tài đã lập hồ sơ quản lý cho từng bệnh nhân và cập nhật hồ sơ bệnh nhân sau mỗi lần khám bệnh, về thủ tục hành chính, tiền sử bệnh gan mật, kết quả mỗi lần khám, thuốc điều trị, thời gian tái khám… Song song với việc quản lý, khám chữa bệnh cho bệnh nhân viêm gan, ban chủ nhiệm đề tài đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe thông qua các đợt khám chữa bệnh định kỳ hoặc lồng ghép, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã, phường, phát sóng truyền hình địa phương.

Mô hình quản lý bệnh nhân viêm gan đã thiết lập được mạng lưới quản lý bệnh nhân viêm gan liên thông từ tuyến cơ sở lên đến bệnh viện. Việc xây dựng mô hình quản lý từ cấp trạm y tế xa, phường góp phần nâng cao nhận thức về bệnh viêm gan, nâng cao năng lực chẩn đoán, tư vấn đối với bệnh nhân viêm gan cho bác sỹ ở 12 xã, phường tham gia mô hình. Qua thực hiện triển khai đề tài đã cung cấp nguồn số liệu chính thức về thực trạng quản lý chăm sóc bệnh nhân viêm gan tại cộng đồng. Đề xuất mô hình áp dụng công nghệ thông tin quản lý bệnh nhân viêm gan có khả năng áp dụng tại tỉnh Hải Dương. Từ đó có thể áp dụng đối với việc quản lý một số bệnh mạn tính khác./.

Bài của Nguyễn Thị Ánh

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 8 năm 2018


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập199
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,095,503
  • Tổng lượt truy cập3,800,707
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây