Hải Dương: Chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ngày 01/8/2018, bệnh dịch tả lợn châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever, viết tắt là ASF) đã xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc). Theo Bộ Nông nghiệp (Trung Quốc)đến ngày 02/9/2018 bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện 5 ổ dịch với gần 38.000 con lợn buộc phải tiêu hủy.Từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia gồm Trung Quốc, LB Nga, Ba Lan, CH Séc, Hungary, Latvia, Moldova, Phần Lan, Rumani, Nam Phi, Ukraine và Zambia…báo cáo có dịch tả lợn Châu Phi.
Hải Dương: Chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm,lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1921, tại Kenya, Châu Phi và lây lan nhanh chóng, trở thành dịch bệnh tại nhiều nước Châu Phi. Bệnh có tỷ lệ ốm và chết lên tới 100%. Đây là bệnh mà tổ chứcThú y thế giới đã đưa vào bảng A thuộc danh mục các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của động vật trên cạn.

 Để chủ động ngăn chăn sự xâm nhiễm của vi-rút Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam và địa bàn tỉnh,Chi cục Thú y tỉnh hướng dẫn cách nhận biết và biện pháp phòng trừ bệnh như sau:

1. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là một loại vi-rút gây ra bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, gồm lợn nhà và lợn hoang dã (lợn rừng) bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn; gây thiệt hạinghiêm trọng đốivới ngành chăn nuôi lợn.

Vi-rút Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết xác động vật, trong thịt lợn và các thực phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn như xúc xích, giăm bông...Tuy nhiên, vi-rút dễ bị tiêu diệt trong môi trường axit. Các chất khử trùng truyền thống như Formol 1,5% - 2%, NaOH3- 4%, nước vôi 20% đều có khả năng tiêu diệt virus cường độc. Với hoạt chất Iodine, Virkon.S...đều có thể sử dụng được trong công tác khử trùng tiêu độc.

2. Đặc điểm dịch tễ

Trong tự nhiên, chỉ có lợn nhà và lợn rừng mẫn cảm với vi-rút gây bệnh. Tuy nhiên, lợn rừng có sức đề kháng với bệnh tốt hơn lợn nhà; qua thực tế cho thấy chúng ít ốm và chết khi bị nhiễm bệnh, nhưng lại là nguồn lây truyền bệnh nguy hiểm cho lợn nhà. Đặc biệt, lợn thả rông dễ bị nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc từ phân, nước tiểu của lợn rừng hay từ chó, mèo hoặc các loại côn trùng như ruồi, muỗivà các vật dụng đã tiếp xúc với mầm bệnh đều là vật mang trùng và lây nhiễm cho lợn nhà. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, lợn nhà ở mọi lứa tuổi mọi giống lợn đều dễ dàng bị bệnh.

Hiện tại Việt Nam tuy chưa xuất hiện ca bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Song trong thời kỳ hội nhập, giao lưu kinh tế, thương mại và du lịch giữa các quốc gia; nhất là Trung Quốc đây là nước có chung đường biên giới với Việt Nam đã xuất hiện 5 ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Nếu như công tác phòng chống dịch không tốt, thì nguy cơlây lan vào nước ta là rất cao.

3. Triệu chứng của bệnh:

a. Thể quá cấp: Thể này thường ít gặp và nếu gặp thì chủ yếu ở những ca bệnh xuất hiện lần đầu tiên. Lợn đột ngột sốt cao 42 °C, kéo dài 2-3 ngày rồi chết.

b. Thể cấp tính:Ở thể này do vi-rút có độc lực cao gây ra, lợn sốt cao từ 40,5 - 42°C. Trong 2 - 3 ngày đầu tiên, giảm bạch cầu và giảm tiểu cầu. Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lợn thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng,lưng cong,di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, sau chuyển sang màu sẫm xanh tím. Trong 1-2 ngày trước khi con vật chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu. Lợn sẽ chết trong vòng 6 - 13 ngày hoặc 20 ngày.

c. Thể mãn tính:Vi-rút gây bệnh có độc tính trung bình hoặc thấp. Lợn có nhiều triệu chứng khác nhau như:giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, hoặc viêm loét da mãn tính, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp... tỷ lệ tử vong từ 30-50%, nếu khỏi bệnh sau khi nhiễm vi-rút bệnh trở thành dạng mãn tính và là vật chủ mang vi-rút Dịch tả lợn Châu Phi trong suốt đời của lợn.

4. Bệnh tích mổ khám

Khi mổ khám thấy xuất huyết nhiều ở dạ dày, gan và thận. Thận có xuất huyết điểm, lá lách to có nhồi huyết, da có màu tối và phù nề; da vùng bụng và chân xuất huyếtcó nhiều nước xung quanh tim và trong khoangngực hoặc xoang bụng. Các điểm trên thanh quản xuất huyết, túi mật sưng, nếu ở thể mãn tính; có thể gặp xơ cứng phổi hoặc có các ổ hoại tử hạch. Hạch phổi sưng và viêm dính màng phổi.

5. Chẩn đoán phân biệt với bệnh Dch tả lợn cổ điển

 Dịchtả lợn Châuphi và Dịch tả lợn cổ điển khó có thể chẩn đoán phân biệt nếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng và bệnh tích. Nếu có thì chỉ thấy lợn sốt đột ngột, nhiệt độ cơ thể nên tới 42-43 °C và duy trì trong suốt quá trình phát bệnh. Những nốt xuất huyết ngoài da nhanh chóng trở nên xanh tím, chảy máu từ các lỗ tự nhiên, lợn rất đau khi đi đại, tiểu tiện.

6. Phòng, điều trị bệnh

 Bệnh Dịch tả lợn Châu phi hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị. Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi rút Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh Hải Dương thông qua việc buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn nhập lậu, từ đó giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi lợn của tỉnh. Công tác phòng bệnh phải đặt lên hàng đầu, nhất là khâu phòng bệnh từ xa; đặc biệt những vùng có nguy cơ.

Các địa phương cần đẩy mạnh việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư theo quy hoạch được duyệt; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định; ưutiên việc chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Thống kê tổng đàn lợn để tiêm phòng triệt để các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đúng đối tượng, đúng yêu cầu kỹ thuật,

Bên cạnh đó, cần thường xuyên vệ sinh tiêu độc môi trường ở các nơi có nguy cơ và tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến gia súc, sản phẩm gia súc; kiên quyết xử lý tình trạng chăn nuôi không bảo đảm an toàn dịch bệnh,giết mổ động vật không đúng quy định.

Chủ động các phương tiệncần thiết và các biện pháp ứng phó khi có dịch xảy ra. Tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn tại gia đình, nếu thấy đàn lợn có những biểu hiện khác thường nghi ngờ mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phiphải báo ngay với chính quyền địa phương và cơ quan Thú y. Phối hợp tổ chức lấy mẫu, gửi đến Chi cục Thú y vùng hoặc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương để chẩn đoán, xét nghiệm xác định bệnh và có kế họach phòng trị kịp thời.

Thực hiện nghiêm túc, việc tiêm phòng các loại vắc-xin theo quy định của cơ quan thú y. Tổ chức tiêm bổ sung cho đàn lợn khi đã đến lứa tuổi, cách ly lợn mới nhập về, theo dõi tình trạng sức khỏe; tiêm phòng bổ sung sau mới cho nhập đàn. Sau mỗi lứa xuất bán, phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và có thời gian trống chuồng ít nhất từ 15 đến 21 ngày trước khi nhập lứa mới. Con giống nhập về phải có nguồn gốc, có giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ của cơ quan thú y và được tiêm phòng đầy đủ.

Khi xuất hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, phải nhanh chóng tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh và xử lý triệt để khi còn trong phạm vi hẹp. Định kỳ khử trùng, tiêu độc tại các trang trại, gia trại, đường làng ngõ xóm, các cơ sở giết mổ, nơi tập kết, chợ kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc từ lợn.

Tăng cường công tác tuyên truyền trong cộng đồng, về tác hại của bệnh, các đấu hiệu nhận biết, thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến của dịch bệnh trên các kênh thông tin.                                                       

 Mỗi cá nhân trong cộng đồng phải có trách nhiệm chung tay trong công tác phòng, chống dịch; phát hiện và kịp thời khai báo với chính quyền và cơ quan chuyên môn, khi phát hiện các hành vi buôn, bán vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn mắc bệnh; không rõ nguồn gốc nhất là từ các tỉnh tiếp giáp với các quốc gia có chung đường biên với Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc.

Bài của Nguyễn Minh Đức - Chi cục Thú y Hải Dương

Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10 năm 2018


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập182
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,082,196
  • Tổng lượt truy cập3,787,400
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây