Từ 36 giải pháp đoạt giải trong tỉnh, Ban tổ chức đã lựa chọn 6 giải pháp đoạt giải cao, có giá trị gửi tham gia Cuộc thi toàn quốc. Cơ quan thường trực Cuộc thi đã phối hợp với các trường, đơn vị giúp đỡ các em hoàn thiện sản phẩm và lập hồ sơ tham dự cuộc thi toàn quốc lần thứ 14 (năm 2017 - 2018) đồng thời đưa các sản phẩm nộp đúng thời gian, an toàn, đảm bảo các yêu cầu của Ban Tổ chức Cuộc thi toàn quốc.Cụ thể 6 giải pháp như sau:
Giải pháp “Bộ đôi xe máy điện và mũ bảo hiểm thông minh” của các em Lương Đức Dũng, Phạm Minh Hiếu, trường THPT Hoàng Văn Thụ (Thành phố Hải Dương) là giải pháp có nhiều ý tưởng mới, sản phẩm có những chức năng cảnh báo chướng ngại vật, cảnh báo va chạm, người điều khiển xe máy điện phải đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe tham gia giao thông. Giải pháp có tính ứng dụng cao, có ý nghĩa rất lớn nhằm nâng cao ý thức, văn hóa tham gia giao thông, đặc biệt là lứa tuổi học sinh trung học.
Giải pháp “Máy trồng hoa màu đa năng” của hai em Trần Trung Thịnh, Nguyễn Quỳnh Như, trường THCS Đồng Gia (huyện Kim Thành) là một trong những ứng dụng sử dụng trong nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế, giảm sức lao động. Đây cũng là một trong những sản phẩm được hội đồng đánh giá rất cao về tính sáng tạo, tính mới trong việc kết hợp nhiều tính năng: đánh rạch, gieo hạt, gạt đất cho hạt, rắc trấu, phun thuốc trong việc chăm sóc hoa màu trên đồng ruộng. Giải pháp có khả năng phát triển máy với quy mô thương mại.
Giải pháp “Bếp ga thông minh” của các em Trần Quang Minh, Nguyễn Đặng Hoàng Anh, Tống Nguyên Thành, Lê Hồng Thái, Nguyễn Đình Hiếu, trường THCS Cổ Thành (Thị xã Chí Linh) là sản phẩm hiện đại, thân thiện, có tính năng hẹn giờ, cảnh báo rò rỉ gas, điều khiển bếp gas từ xa bằng điện thoại… giải pháp giúp cho chúng ta có thể tránh được những vụ tai nạn, những tổn thất nặng nề do nổ khí gas gây nên. Sản phẩm đã và đang được ứng dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả cao trong gia đình.
Giải pháp “Hệ thống điều khiển từ xa cho hệ thống đèn sưởi, quạt sưởi” của em Phạm Hoàng Kim Ngân, Phạm Vũ Ngọc Hưng, trường THCS Chu Văn An, (Thị xã Chí Linh) có nhiều ưu điểm, có tính mới, giúp người già, người khuyết tật có thể điều khiển đèn, quạt sưởi từ xa mà không phải điều khiển trực tiếp trên dụng cụ điện, điều chỉnh được nhiệt cung cấp, tự động ngắt điện khí xảy ra sự cố, từ đó tránh được các tai nạn, an toàn cho người sử dụng.
Giải pháp “Văn miếu khuê văn các” là một sáng tạo của các em Trần Băng Băng, Phạm Trịnh Khánh Ly, Nguyễn Tiến Thành, Nguyễn Anh Quân, Lê Tùng Lâm, trường Tiểu học Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc), tận dụng nguyên liệu có sẵn trong cuộc sống, dễ kiếm, dễ làm tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, có tính thẩm mỹ cao, có hiệu quả kinh tế. Giải pháp có tính giáo dục, có thể sử dụng trong giảng dạy môn Lịch sử, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc.
Giải pháp “Hệ thống biển báo thông minh cho ô tô” của các em Hoàng Văn Hậu, Nguyễn Đức Khánh, trường THPT Thanh Hà (huyện Thanh Hà) được đánh giá có tính ứng dụng cao, là sản phẩm thông minh mang lại tiện lợi cho giao thông, giúp người sử dụng ô tô dễ dàng nắm bắt thông tin trên quãng đường di chuyển nên việc áp dụng là rất cần thiết; giúp nâng cao chất lượng giao thông.
Những giải pháp sáng tạo của các em học sinh một lần nữa đã khẳng định tiềm năng sáng tạo khoa học kỹ thuật trong thế hệ trẻ tương lai của tỉnh ta rất lớn; nếu biết khơi dậy, động viên thì tiềm năng ấy sẽ trở thành nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển tỉnh.
Bài của Phạm Ninh Hải
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10 năm 2018