Hải Dương là tỉnh có truyền thống sản xuất rau vụ Đông đứng đầu các tỉnh phía Bắc. Theo số liệu báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, diện tích sản xuất cây rau năm 2017 toàn tỉnh đạt 18,259 ha, năng suất 228,26 tạ/ha, sản lượng 407.073 tấn (vượt 1,7% về diện tích và 5,56% về sản lượng so với năm 2016). Trong đó, một số chủng loại rau có diện tích lớn, như: cây cà rốt 1.181 ha, năng suất 338,08 tạ/ha, sản lượng 39.928 tấn; cây cải bắp diện tích 1.770 ha, năng suất 401,2 tạ/ha, sản lượng 71.012 tấn; cây bí xanh là diện tích 706 ha, năng suất 247,98 tạ/ha, sản lượng 17.507 tấn; cây hành 5.489 ha, năng suất 128,22 tạ/ha, sản lượng 70/381 tấn và cây khoai tây: diện tích 1.021 ha, năng suất 150,3 tạ/ha, sản lượng 15.345tấn... Những chủng loại cây rau này cũng là cây trồng chính trong vụ Đông năm 2018 tại Hải Dương.
I. Thời vụ gieo trồng áp dụng cho một số chủng loại rau
Thời vụ gieo trồng cho một số chủng loại rau trồng chính tại Hải Dương
TT |
Cây rau |
Thời vụ gieo trồng |
1 |
Họ bầu bí: Bí xanh, bí đỏ và dưa chuột |
Vụ Thu Đông: 01/8 đến 5/9 Vụ Đông: 05/9 đến 10/10 |
2 |
Họ cà: Cà chua, ớt... |
Vụ Thu Đông: 15/8 đến 10/9 Vụ Đông: 1/10 đến 15/10 Vụ Đông Xuân: 15/10 đến 10/11 |
3 |
Họ thập tự: Cải bắp, súp lơ, su hào... |
Vụ Thu Đông: 15/8 đến 10/9 Vụ Đông: 1/10 đến 15/10 Vụ Đông Xuân: 15/10 đến 10/11 |
4 |
Gia vị: Hành, tỏi |
Vụ Đông chính vụ: 25/9 đến 5/10 |
5 |
Lấy củ: cà rốt, cải củ |
Vụ Thu Đông: 15/8 đến 15/9 Vụ Đông: 16/10 đến 15/12 Vụ Đông Xuân: 16/10 đến 25/ 1 |
6 |
Họ đậu: đậu cô ve leo, cô bơ |
Vụ Thu Đông: 25/8 đến 15/10
|
II. Một số yếu tố kỹ thuật chính cần chú ý áp dụng ở các thời vụ
1. Trồng cây rau trong vụ Thu đông
Cây rau vụ Đông sớm (Thu đông) được gieo trồng vào cuối tháng 7 đến đầu tháng 9 với các chủng loại rau trồng chủ yếu là: cải ngọt, cải xanh, cải bắp sớm; bí xanh, bí đỏ, dưa các loại; cải củ, cà rốt, củ đậu... Đây là vụ trồng cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-4 lần so với chính vụ. Để đạt hiệu quả mong muốn cần chú ý:
- Chọn bộ giống trồng thích hợp: Chọn chủng loại giống ngắn ngày, khả năng chịu nhiệt tốt, khả năng chống chịu tốt với bệnh héo xanh vi khuẩn và đốm nâu... Giống cải bắp, như: KK Cross, SaKata N0 71, T40 (Takii) và Thúy Phong.... Các giống cà rốt, như: Ti103. Giống bí xanh như Thiên Thanh 5, Số 2 và bí xanh Sặt Hải Dương. Cây cà chua như: Savior, Montavi, Anna... hoặc áp dụng biện pháp trồng cây cà chua ghép trên gốc cây cà tím hoặc trên gốc cà chua Ha-oai...
- Chọn vùng trồng: Chọn chân đất vàn cao, hệ thống thoát nước tốt kết hợp biện pháp kỹ thuật lên luống trồng rộng và cao hơn so với chính vụ và vụ muộn. Phân hữu cơ dùng bón lót cần được xử lý tốt, bón vào giữa luống, giữa hai hàng cây, trồng cây cao so với mặt luống, tuyệt đối không trồng cây thấp, đọng nước ở gốc gây thối gốc rễ và trồng cây trên phân hữu cơ. Cần có biện pháp kỹ thuật phủ luống trồng bằng rơm rạ hoặc sản phẩm hữu cơ đối với cây cải củ, cà rốt, rau cải và màng phủ nông nghiệp với các chủng loại cây rau màu khác.
- Cây giống trồng trong vụ đông sớm cần được áp dụng kỹ thuật sản xuất cây bầu (cây được gieo hạt trong khay bầu hoặc túi bầu), khi cây đủ tuổi, cây khỏe, không sâu bệnh đem trồng.
- Ở giai đoạn vườn trồng: Trong giai đoạn sau trồng 10-15 ngày đầu cần chăm sóc bình thường để cây phát triển cân đối, cây có bộ rễ khỏe, tăng khả năng chống chịu. Ở giai đoạn sau trồng 20 ngày đến thu hoạch cần áp dụng đúng theo quy trình kỹ thuật hướng dẫn. Chú ý áp dụng biện pháp bón phân cân đối giữa lượng phân đạm và phân kali, ưu tiên sử dụng các chủng loại phân bón phức hợp, chuyên dụng của các nhà sản xuất phân bón có uy tín (phân bón Bình Điền, phân bón Ninh Bình...).
- Công tác quản lý sâu bệnh cho cây rau ở vụ Đông sớm cần chú ý: bệnh héo xanh vi khuẩn, bệnh lở cổ rễ, thối gốc, đốm nâu, sâu tơ, sâu xanh hại rau. Để hạn chế tối đa mức độ thiệt hại do sâu, bệnh gây ra, cần áp dụng tốt các yếu tố kỹ thuật trồng và chăm sóc hướng dẫn trên. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện sâu, bệnh hại cần xử lý kịp thời bằng các loại thuốc đặc hiệu, sử dụng thuốc có độ độc thấp hoặc thuốc sinh học, như: sử dụng thuốc Valydacin5L; Carbenzadim; Cuzate-1.8 72WWP trừ bệnh nở cổ dễ. Sử dụng một trong các loại thuốc: Anvil 5SC, Aliette 80WP, Vionol, K.susai 50WP... phòng trừ bệnh thối nhũn vi khuẩn và dùng bẫy bả Feramon phòng trừ sâu tơ, sâu khoang và ruồi vàng hại cây rau ăn quả bằng các loại thuốc sinh học: BT, Delfin WP (32 BIU), Dipel 3,2WP, Aztron 700 DMBU,...), thuốc thảo mộc: HCĐ 95 BTN, Rotenone, Neembon A-EC Nimbecidin 0,03EC. Nồng độ sử dụng và cách sử dụng áp dụng theo sự chỉ dẫn ghi trên bao bì của nhà sản xuất..
2. Cây rau trong vụ Đông chính vụ
Cây rau vụ Đông chính vụ tại Hải Dương được gieo trồng vào khoảng giữa tháng 9 đến cuốitháng 10. Chủng loại rau trồng được áp dụng khá phong phú tại các địa phương, gồm: các chủng loại rau có nguồn gốc ôn đới, bán nhiệt đới như: cải xanh, cải bắp, súp lơ, cà rốt, hành, tỏi, rau họ đậu các loại...
Trong thời vụ này cần chọn các giống rau có thời gian sinh trưởng trung bình, năng suất cao, chất lượng tốt thích hợp thị hiếu tiêu thụ nội địa và đặc biệt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, như: cải bắp SaKata VL560, SaKata- No71, Sakata VL81; Súp lơ SaKata 1506, Incly, Yulist, TV12...; Cà rốt Ti103, Super VL444; Dưa chuột Ninja 179, Marinda, Mummy 331 dạng bào tử, Cuc 71, Cuc 336, PN272, Galaxy102, PC4, Nếp lai 5, Xuân Yến...; khoai tây Solara, Atlantic....
Thời vụ này có quỹ đất sản xuất nhiều, điều kiện thời tiết khí hậu thuận lợi, cây rau sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng tốt. Vì vậy, cần tổ chức sản xuất tập trung thành các vùng sản xuất hàng hóa, áp dụng tốt các quy trình sản xuất rau theo theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và xuất khẩu.
Ở vùng được quy hoạch sản xuất rau theo chuỗi phục vụ cho xuất khẩu cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các yếu tố kỹ thuật: đảm bảo trồng đúng mật độ theo hướng dẫn, lượng phân, kỹ thuật bón phân, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh và thời gian cách ly khi thu hoạch để đảm bảo sản phẩn rau có tỷ lệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cao, chất lượng rau tốt.
Sâu, bệnh hại phổ biến trên cây rau ở vụ này là: bệnh sương mai, thối nhũn vi khuẩn và sâu xanh, bọ phấn trắng gây hại. Khi phát hiện triệu chứng bệnh sương mai cần sử dụng các lại thuốc: Ridomil 72 wp, Cuzate 1.8-72WG, Daconil 75WG. Bệnh phấn trắng dùng các loại thuốc: Anvil 5SC, Sumi-eght 12.5 WP, Nicozol 25SC, Carbenda Super 60WP. Bọ phấn trằng trên rau sử dụng các loại thuốc: Mopride 500WP, Nopara 35NDG hoặc Oncol 25WP. Nồng độ thuốc và cách sử dụng theo sự chỉ dẫn ghi trên bao bì.
3. Cây rau trong vụ Đông Xuân
Do điều kiện nhiệt độ thấp, mưa phùn, thiếu ánh sáng nên sản xuất rau màu ở thời vụ này cần chú ý chọn vùng đất bãi ven sông, đất vàn cao, thành phần cơ giới nhẹ kết hợp các biện pháp kỹ thuật lên luống cao, mật độ trồng phù hợp (không trồng dày), giảm biện pháp tưới thấm, tưới rãnh, áp dụng phủ luống trồng giữ ấm bằng màng phủ nông nghiệp và bón phân cân đối. Chú ý phòng trừ bệnh sương mai và bệnh thối nhũn.
Trên đây là một số yếu tố kỹ thuật quan trọng giới thiệu giúp cho người sản xuất những điều cần lưu ý, áp dụng trong sản xuất rau màu vụ đông trước những biến đổi khác thường của thời tiết, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất rau tại Hải Dương.
Bài của TS. Đoàn Xuân Cảnh - Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10 năm 2018