Năm 2017, đã đạt 9 tiêu chí gồm: Quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện đã được phê duyệt; Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đảm bảo kết nối tới các xã - Tỷ lệ đường huyện đạt chuẩn theo quy hoạch; Hệ thống thủy lợi liên xã đồng bộ với hệ thống thủy lợi các xã theo quy hoạch; Hệ thống điện liên xã đồng bộ với hệ thống điện các xã theo quy hoạch, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của cả hệ thống; Bệnh viện huyện đạt tiêu chuẩn hạng 3, Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn quốc gia, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đạt chuẩn, có nhiều hoạt động văn hóa - thể thao kết nối với các xã có hiệu quả, tỷ lệ trường THPT; Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; hoặc có mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện;Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đạt tiêu chuẩn; cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm) thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường;Đảm bảo an toàn an ninh, trật tự xã hội; Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp huyện được kiện toàn tổ chức và hoạt động đúng quy định; Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới cấp huyện được tổ chức và hoạt động đúng quy định.
Trong 6 năm 2011 - 2017 huyện Kinh Môn đã đầu tư hơn 2.832 tỷ đồng thực hiện các tiêu chí NTM. Huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt 4 dự án, đồ án qui hoạch theo qui định, đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt, nổi bật là “Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Kinh Môn đến năm 2020, định hướng đến 2030”. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” hệ thống giao thông nông thôn đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. 100% mặt đường huyện được bảo trì, nhựa hóa, bê tông xi măng hóa đảm bảo kết nối với các xã thị trấn. Hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch. Hệ thống thủy lợi của các xã được thiết kế, xây dựng phù hợp với quy hoạch hệ thống thủy lợi chung của huyện. Tỷ lệ kênh mương do xã quản lý đã kiên cố hóa đạt 87,01% tổng số km kênh mương cần kiên cố hóa. Hệ thống điện đảm bảo phục vụ dân sinh trên địa bàn huyện. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn, đảm bảo được chất lượng điện năng từ nguồn lưới điện quốc gia đạt 100%. Huyện có 15/25 xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế, còn 10 xã đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn I. Toàn huyện có 25 xã, thị trấn, có nhà văn hóa và sân vận động.
Từ năm 2015, huyện đã hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, khâu làm đất cả 3 vụ 100% diện tích đã được cơ giới hóa, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp chiếm 90% diện tích. Công tác ứng dụng khoa học công nghệ đưa cơ giới hóa vào sản xuất được chú trọng đẩy mạnh. Diện tích lúa, cây mầu được duy trì phát triển sản xuất ở cả 3 vụ với diện tích đất canh tác là 6.764 ha, năng suất lúa bình quân đạt 62 tạ/ha. Diện tích gieo trồng cây vụ đông trên 4.313 ha, chủ lực là cây hành, cây tỏi đem lại giá trị kinh tế cao, với diện tích vùng sản xuất là 3.500 ha.
Đến năm 2017, huyện Kinh Môn có 22/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định. Huyện đã mở rộng, nâng cấp, cải tạo được 15,8 km đường trục xã, liên xã; 60,7 km đường trục thôn, 57,5 km đường ngõ xóm…với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng. Xây dựng, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi gồm bờ bao, cống trạm bơm phục vụ tưới tiêu, nạo vét, tu sửa 35 km kênh mương đã đáp ứng được yêu cầu sản xuât và dân sinh; Xây dựng kiên cố hóa 45 km kênh mương và cống qua đê với kinh phí lên tới gần 80,6 tỷ đồng. Duy trì, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống điện, cải tạo đường hạ thế dài 245 km với kinh phí là gần 49 tỷ đồng. Từng bước xây dựng theo chuẩn và xã hội hóa đã có 85/89 trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Huyện đã quy hoạch, xây dựng mới 10 trường; xây bổ sung, cải tạo nâng cấp 59 trường với kinh phí gần 383,9 tỷ đồng; nâng cấp và xây mới được một số nhà văn hóa và khu thể thao xã, thôn; hoàn thành xây mới, cải tạo nâng cấp 15 chợ tại các xã đáp ứng được yêu cầu xây dựng nông thôn mới và dân sinh; đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp đưa vào sử dụng 12 hệ thống công trình cấp nước sạch tập trung đảm bảo cấp đủ nước sinh hoạt cho nhân dân với hơn 128,2 tỷ đồng và xây dựng các công trình nhà vệ sinh tự hoại, lắp đặt hầm Biogas, hệ thống rãnh thoát nước, xây dựng được 62 bãi rác thải, mua sắm phương tiện thu gom rác thải…với tổng kinh phí hơn 448,4 tỷ đồng. Năm 2016, giá trị sản xuất đạt 34.957,1 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng - dịch vụ: 5,7% - 86% - 8,3%; cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế có sự dịch chuyển nhanh theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động trong công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Năm 2011 tỷ lệ nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng - dịch vụ là 55,1% - 26,3% - 18,6% đến năm 2016 là 42,7% - 33,2% - 24,1% tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm gần đây đạt 12,5% đứng tốp đầu tỉnh về tăng trưởng kinh tế.
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm: hành, tỏi Kinh Môn, lúa đặc sản Nếp cái Hoa vàng, Bột sắn dây Kinh Môn. Huyện Kinh Môn cũng đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh rau màu tập trung 500 ha tại 9 xã; Vùng ổi, cam tập trung với diện tích 64,3 ha tại xã Thất Hùng, đem lại giá trị thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Huyện đã làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, diện tích rừng được che phủ là 1.258 ha. Toàn huyện có 164 trang trại, 600 gia trại chăn nuôi với sản lượng là 13.246,8 tấn và 610,6 ha nuôi thủy sản với sản lượng đạt 3.975 tấn.
Ngoài ra huyện Kinh Môn có 8.205 hộ sản xuất kinh doanh cá thể, 1.438 doanh nghiệp đã và đang đi vào hoạt động, tạo việc làm ổn định cho 25.597 lao động. Năm 2016 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 38,2 triệu đồng, tăng 20,6% so với năm 2011; Tỷ lệ hộ nghèo đến hết tháng 6/2017 còn 1,85%, giảm bình quân mỗi năm là 1,5%; Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 93,36%. Toàn huyện có 59/89 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THTP, học nghề đạt trên 92%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54%. Toàn huyện có 103/112 làng, khu dân cư đạt danh hiệu làng, khu dân cư văn hóa, 92% gia đình đạt gia đình văn hóa. Đến năm 2017 đã có 99% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, 94% hộ sử dụng nước sạch; nâng cấp, xây dựng được 12 công trình nước nước sạch tập trung; xây dựng 61 bãi thu gom rác thải tập trung và hệ thống cống rãnh thoát nước thải vệ sinh, đầu tư thiết bị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.
Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện 2011 - 2017, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đã đạt được những kết quả toàn diện, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao.Công tác tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, sâu rộng đã làm thay đổi cơ bản về nhận thức và hành động của mọi cán bộ và người dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tự nguyện đóng góp tiền của, công sức, đất đai để cùng chung sức xây dựng nông thôn mới.
Đối chiếu với tiêu chí huyện nông thôn mới, Phó thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1736/QĐ-TTg ngày 08/11/2017 công nhận huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017.
Bài của Phạm Ninh Hải
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2017