Năm Canh Tuất 1910: Trên đường vào Sài Gòn, Người dừng lại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Với tên Nguyễn Tất Thành, Người dạy học tại Trường Dục Thanh do Công ty Liên Thành lập ra, có xu hướng cách tân như Đông kinh nghĩa thục. Tại Trường Dục Thanh, Người ở nội trú cùng một số học sinh ở xa.Người dạy Hán văn cho lớp nhì và môn thể dục của trường. Người thường chọn những bài có nội dung yêu nước, thương đồng bào đề dạy học trò. Vào những ngày chủ nhật, Người thường đưa học trò đi chơi một số nơi xung quanh thị xã Phan Thiết như bãi biển Thương Chánh, đình làng Thiềng Đức v.v…
Năm Nhâm Tuất 1922: Người cùng các đồng chí của mình ra Lời kêu gọi của Hội Liên hiệp thuộc địa về việc thành lập Hội Hợp tác người cùng khổ và chuẩn bị cho việc xuất bản tờ báo Le Paria(Người cùng khổ). Ngày 1/4/1922, báo Le Paria ra số đầu tiên tại Pa-ri. Tờ báo bằng tiếng Pháp do Hội Liên hiệp thuộc địa chủ trương, Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Là diễn đàn của các dân tộc thuộc địa, sau đó, đổi thành diễn dàn của vô sản thuộc địa, báo Le Paria tồn tại cho đến năm 1926, ra được 38 số, với nội dung kêu gọi đoàn kết các dân tộc thuộc địa, chống chủ nghĩa thực dân, trong đó có nhiều bài viết có tiếng vang của Nguyễn Ái Quốc. Tờ báo đã được bí mật chuyển về Đông Dương và các thuộc địa của Pháp và thực sự trở thành người bạn của những người cùng khổ.
Năm Giáp Tuất 1934: Được sựgiúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, Người đáp tàu Liên Xô rời Thượng Hải đi Vơlađivôtxtốc rồi đến Matxcơva, trở về với đại gia đình Quốc tế Cộng sản, vào học Trường Quốc tế Lê-nin.
Năm Bính Tuất 1946: Ngày01/01/1946,tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội (còn gọi là Quảng trường 19/8), trong buổi lễ Chính phủ lâm thời mở rộng ra mắt quốc dân, Người thay mặt Chính phủ công bố đường lối đối nội và đối ngoại của nước Việt Nam độc lập.
Ngày 28/01/1946, Báo Cứu quốc đăng bài Tự phê bình của Người trước quốc dân và ngày 05/02/1946, đăng Thư chúc mừng năm mới, trong đó Người chúc đồng bào:
“Trong năm Bính Tuất mới
Muôn việc đều tiến tới
Kiến quốc chóng thành công.
Kháng chiến mau thắng lợi”.
Đêm 30 Tết, Người viếng Đền Ngọc Sơn, Hà Nội .Sau khi chúc Tết một số gia đình lao động nghèo ở phố Khâm Thiên và Tạ Hiện, Người đến chúc Tết gia đình bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Hà Nội, giáo sư Nguyễn Xiển, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Bắc bộ và giáo sư Tôn Thất Tùng.
Ngày 6/3/1946, Người cùng Đại diện Chính phủ Pháp là ông Giăng Xanh-tơ-ny, ký Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp, tại ngôi nhà số 38, phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trong tình hình đất nước phải đối phó cùng một lúc với thù trong giặc ngoài, ta cần một sự hòa hoãn để tranh thủ thời gian cùng cố, phát triển lực lượng để tiếp tục cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ, nhưng cuối cùng sẽ giành thắng lợi vẻ vang.
Ngày 15/9/1946, tại Pa-ri, Người thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với đại diện Chính phủ Pháp, ông Marius Moutet, bản Tạm ước ngày 14/9. Bản Tạm ước 14/9 chưa ráo mực thì quân xâm lược Pháp liên tiếp gây ra những vụ xung đột vũ trang đẫm máu ở khắp ba miền Bắc Trung Nam của Việt Nam.
Ngày 9/11/1946, Người ký Sắc lệnh công bố Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 19/12/1946, Người ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến cô đọng trong 19 dòng, 199 từ ngắn gọn và súc tích, mà sức mạnh truyền cảm, động viên rất lớn, gắn vào lịch sử oanh liệt của dân tộc ta. Toàn thể dân tộc Việt Nam anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ để giữ vững nền độc lập, tự do vừa giành được của mình. Lời hịch bất tử của Người đã trở thành lời thề bất tử của dân tộc ta. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử, bên cạnh những lời hịch cứu nước của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung.
Năm Mậu Tuất 1958: Báo Nhân Dân, ngày 01/01/1958, đăng Lời chúc năm mới (1958) của Người. Sau lời chúc mừng năm mới, Người nhắc lại những việc quan trọng và trong nước trong năm qua, nêu lên ý nghĩa của thời kỳ mới: “Sang năm mới, thời kỳ khôi phục kinh tế đã kết thúc và mở đầu thời kỳ phát triển kinh tế một cách có kế hoạch. Đó là một tiến bộ mới trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”. Về nhiệm vụ mới của toàn Đảng, toàn dân, Người nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm tốt công tác kế hoạch hóa kinh tế của ta và thực hiện đầy đủ kế hoạch Nhà nước nhằm phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao đời sống của nhân dân, trước hết là của nhân dân lao động. Phát triển kinh tế và văn hóa tức là dân dần xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Ngày 04/02/1958, Người dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta đi thăm nhiều nước châu Á.
Ngày 18/02/1958, nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Người đến thăm: Trại Kim Đồng, nơi nuôi dưỡng, dạy dỗ các cháu mồ côi; công trường xây dựng 4; một số gia đình cơ sở cách mạng ở thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm; đơn vị F 254 Công an nhân dân vũ trang bảo vệ Thủ đô và một số gia đình liệt sĩ.
Bài của Nguyễn Xuyến
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2017