Xây dựng mô hình sản xuất cam và ổi an toàn theo quy trình VietGAP tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Trong những năm gần đây, tỉnh Hải Dương đang dần phát huy hiệu quả tiềm năng trong việc phát triển sản xuất cây ăn quả theo hướng hàng hóa. Cơ cấu các loại cây ăn quả đang có sự chuyển dịch rõ nét, diện tích cây trồng hiệu quả kinh tế cao ngày càng tăng. Sản phẩm từ vùng cây ăn quả tiêu thụ thuận lợi, ổn định góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng nguồn thu nhập cho nông dân.
Xây dựng mô hình sản xuất cam và ổi an toàn theo quy trình VietGAP tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, năm 2017, năng suất và giá trị một số loại cây ăn quả chủ lực trên địa bàn tỉnh đạt khá cao. Cụ thể như: cây na cho năng suất 156,81 tạ/ha, giá trị sản xuất đạt 310 – 390 triệu đồng/ha; cây ổi có năng suất 244,31 tạ/ha, giá trị sản xuất đạt 240 – 300 triệu đồng/ha/năm; cây thanh long cho năng suất 121,56 tạ/ha, giá trị sản xuất đạt 240 triệu đồng/ha/năm; cây cam có năng suất 88,15 tạ/ha, giá trị sản xuất đạt 175 – 220 triệu đồng/ha/năm… Việc sản xuất cây ăn quả theo hướng an toàn (sản xuất theo quy trình VietGAP) được tỉnh áp dụng trên nhiều loại cây ăn quả và phát huy hiệu quả rõ rệt. Năm 2016, toàn tỉnh có 277 ha cây ăn quả được sản xuất và chứng nhận theo quy trình VietGAP, đến năm 2017, diện tích này tăng lên thành 442,24 ha; bao gồm 100,54 ha vải, 212 ha ổi, 30 ha cam, 60 ha na và 39,7 ha bưởi. Sản phẩm vải VietGAP có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, phục vụ tiêu thụ tại một số hệ thống siêu thị trong nước và xuất khẩu sang một số nước Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia; bưởi và na VietGAP có giá bán cao hơn so với sản xuất đại trà từ 10-15%.

Để có được kết quả trên, trong thời gian gần đây, tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn và các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy việc sản xuất cây ăn quả theo hướng an toàn, thông qua việc triển khai các đề tài, dự án khoa học và công nghệ. Trong đó, có đóng góp quan trọng của việc triển khai đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất cam và ổi an toàn theo quy trình VietGAP tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.

Từ năm 2015, sự phát triển của hai loại cây là ổi và cam trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Năm 2015, toàn tỉnh có 1.565 ha trồng ổi, tổng sản lượng đạt 31.195 tấn/năm; đến năm 2017, diện tích trồng ổi đã tăng lên 1.773 ha, với tổng sản lượng đạt 40.571 tấn/năm; hình thành các vùng trồng ổi tập trung chủ yếu tại Thanh Hà, Kinh Môn, Chí Linh, Ninh Giang. Đối với cây cam, diện tích trồng loại cây này tăng từ 462 ha (năm 2015) lên 506 ha (năm 2017); tổng sản lượng tăng từ 3.640 tấn/năm (năm 2015) lên 4.022 tấn/năm (năm 2017). Các vùng trồng cam tập trung chủ yếu tại các địa phương như Kinh Môn, Chí Linh, Gia Lộc, Tứ Kỳ.

Trong hai năm 2016, 2017,  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lựa chọn 8 vùng sản xuất cam và ổi đáp ứng các điều kiện về vùng sản xuất an toàn để quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung để xây dựng mô hình. Mô hình được thực hiện với quy mô diện tích 185 ha, bao gồm 155 ha ổi và 30 ha cam, với hơn 1.000 hộ dân tham gia, tại 5 xã trên địa bàn tỉnh là xã Liên Mạc, Thanh Xuân (huyện Thanh Hà), xã Hiệp Lực (huyện Ninh Giang), xã Thất Hùng (huyện Kinh Môn) và phường Bến Tắm (thị xã Chí Linh). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty cổ phần Dịch vụ phát triển Khoa học công nghệ Toàn Cầu triển khai đào tạo, tập huấn, hướng dẫn Ban chủ nhiệm dự án và nông dân thực hiện sản xuất cam, ổi theo quy trình VietGAP đảm bảo sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy nguyên nguồn gốc. Xây dựng bộ tài liệu và sổ ghi chép VietGAP để cấp phát cho các hộ sản xuất ghi chép theo dõi quá trình sản xuất tại từng hộ gia đình.

Theo kết quả đánh giá, chứng nhận của Công ty cổ phần chứng nhận và giám định IQC, kết quả đánh giá sơ bộ tại các vùng sản xuất cam và ổi VietGAP cho thấy: Các vùng sản xuất được quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung, sử dụng các giống cam và ổi đã được trồng lâu năm, không sử dụng chất phụ gia cho quá trình sản xuất, đất trồng và chất lượng nước tưới đảm bảo quy định của sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tại thời điểm các vườn thu mẫu quả, đánh giá cảm quan cho thấy quả ổi và cam có vỏ quả căng, sáng, cây không sâu bệnh, đảm bảo cách ly thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch, vườn sản xuất đảm bảo vệ sinh không có gia súc gia cầm trong khu vực sản xuất, chất thải sau khi phun thuốc được các hộ sản xuất thu gom và tiêu hủy bằng hình thức đốt là chủ yếu. Từ kết quả đánh giá, giám sát sản xuất và kiểm tra việc ghi chép nhật ký sản xuất, Công ty đã cấp 04 giấy chứng nhận vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đối với 67,15 ha sản xuất ổi và cam năm 2016, 115 ha sản xuất cam và ổi năm 2017, tại các địa phương là Liên Mạc, Thanh Xuân (huyện Thanh Hà), Thất Hùng (huyện Kinh Môn), Hiệp Lực (huyện Ninh Giang), Bến Tắm (thị xã Chí Linh).

Để hỗ trợ công tác tiêu thụ sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thiết kế, in túi đựng sản phẩm có logo VietGAP với số lượng 37.000 túi đựng, 18.500 hộp carton. Các địa phương sử dụng mã số chứng nhận VietGAP, túi, hộp đựng sản phẩm để quảng bá, xúc tiến, liên kết với các siêu thị, cửa hàng cung cấp nông sản để tiêu thụ sản phẩm. Sau hai năm thực hiện đề tài, kết quả đánh giá hiệu quả của mô hình cho thấy: Vùng sản xuất ổi theo quy trình VietGAP cho năng suất đạt 35 tấn/ha, tổng sản lượng ổi VietGAP đạt khoảng 5.000 tấn, giá bán trung bình khoảng 9.000 đồng/kg, cao hơn so với giá bán ổi đại trà khoảng 15%, giá trị sản xuất đạt trên 300 triệu đồng/ha. Tại vùng sản xuất cam, năng suất của mô hình đạt 20 – 25 tấn/ha, tương đương với năng suất các vùng sản xuất khác trong cùng khu vực, giá bán cam VietGAP đạt trung bình khoảng 40.000 đồng/kg, cao hơn so với giá bán đại trà khoảng 5.000 đồng/kg, giá trị sản xuất đạt trên 800 triệu đồng/ha. Với những ưu thế về giá trị sản phẩm, các mô hình sản xuất cam và ổi an toàn là mô hình thực tế giúp các địa phương và hộ nông dân tham quan trực tiếp để áp dụng, nhân ra diện rộng. Các hộ tham gia mô hình đã hưởng lợi trực tiếp từ việc nâng cao giá trị nông sản, bước đầu tạo mối liên kết với doanh nghiệp và người tiêu dùng, nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.

Từ hiệu quả kinh tế nổi bật của các mô hình sản xuất cây ăn quả theo quy trình sản xuất an toàn VietGAP, năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động hướng dẫn người dân ở các vùng trồng cây ăn quả áp dụng sản xuất theo hướng an toàn, hỗ trợ chứng nhận VietGAP và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Bài của Nguyễn Thị Ánh

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 8 năm 2018


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập194
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,084,446
  • Tổng lượt truy cập3,789,650
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây