Trăm năm trong cõi người ta
Chống úng thắng lợi mới là người ngoan!.
Việc làm ấy cùng câu ca sau nằm lòng trong mỗi người dân tỉnh ta đã tạo nên sức mạnh, quyết tâm trong việc chống thiên tai, bảo vệ mùa màng, giành thắng lợi trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng như những nhiệm vụ chính trị khác.
Ngược dòng thời gian, từ những ngày đầu cách mạng, trên đường đi đàm phán ở Phông-ten-nơ-blô (Pháp) về, sáng 21/10/1946, giữa lúc tình hình đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Bác vẫn dừng chân tại Sân Ga Hải Dương. Người ân cần gửi lời thăm chúc cán bộ và nhân dân thị xã Hải Dương đoàn kết, giành thắng lợi trong nhiệm vụ củng cố chính quyền, thực hiện diệt giặc đói, giặc dốt và sẵn sàng bảo vệ nền Độc lập - Tự do của Tổ quốc. Cũng vào thời điểm nạn đói hoành hành từ năm Ất Dậu vẫn còn hậu quả, Bác và Chính phủ không chỉ đề ra nhiệm vụ diệt giặc đói bằng tăng gia sản xuất mà còn phải tiết kiệm, nhường cơm sẽ áo. Bác kêu gọi đồng bào cả nước:“Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước…cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo” và Người nêu gương“tôi xin thực hành trước”*. Bác nói vậy và thực hiện rất nghiêm túc dù phục vụ rất lo cho sức khỏe của Người. Có lần, Bác được mời đi tiếp khách nước ngoài lại vào đúng ngày “nhịn”. Khi về, anh em nói đã đổ phần gạo của Bác vào hũ cứu đói rồi, nhưng Người vẫn “nhịn ăn một bữa” vào ngày hôm sau…
Sinh thời, ngoài những lần nói trên, Bác Hồ đã có các lần về thăm khác và những cuộc gặp gỡ thân mật nhiều cán bộ, đảng viên và người dân tỉnh ta trong những điều kiện khác nhau. Sau hòa bình lập lại, năm 1957, Bác về thăm và trò chuyện với nhân dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách (nay là phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương); ngày 01/4/1959 Bác Hồ về thăm và làm việc với Tỉnh ủy Hải Dương. Mỗi lần, ngoài sự ân cần thăm hỏi đảng bộ, nhân dân và chỉ đạo tỉnh hoàn thành nhiệm vụ chính trị, Người còn có nhiều việc làm nêu gương mà mỗi cán bộ, nhân dân được tiếp xúc đều mang theo kỷ niệm và bài học suốt đời. Đó là vì, theo Bác, đã là cán bộ, đảng viên thì phải làm gương trong công tác và cuộc sống, nhất là những người đứng đầu địa phương, đơn vị, vì như Người nói“Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và“quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.*
Quan điểm về phong cách nêu gương đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ tác phẩm Đường Kách mệnh ra đời những năm 20 của thế kỷ trước cùng rất nhiều những bài viết sau này. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên đều cần làm gương trong thực hiện“cần - kiệm - liêm - chính - chí công vô tư”. Để làm được như vậy, cần nhận thức và giải quyết tốt ba mối quan hệ: Đó là đối với bản thân thì không được tự mãn, kiêu ngạo, phải cầu tiến bộ, tự phê bình, sửa chữa để tiến bộ. Đối với người phải có thái độ chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết và có tình thương yêu, bao dung, độ lượng. Đối với công việc luôn giữ vững nguyên tắc công tư phân minh, đặt công việc và lợi ích của tập thể lên trên cá nhân,“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Giải quyết được ba mối quan hệ đó thì nêu gương sẽ trở thành phong cách của người lãnh đạo là gần dân, sát thực tế, nói đi đôi với làm, làm tận tâm, hiệu quả cao; trái với việc hô khẩu hiệu suông, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói mà không làm, thậm chí nói một đằng, làm một nẻo…Phong cách nêu gương không chỉ thể hiện trong công việc mà còn cả trong lối sống hàng ngày. Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời sống kiệm cần, thanh bạch cho đến trước lúc Người đi xa vẫn không quên nhắc nhở “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”**.
Từ khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đến nay, Đảng ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng vững mạnh; đồng thời, đất nước đã thu được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng cũng còn nhiều bất cập mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và các Hội nghị TW4 Khóa XI và XII đã đặt ra. Để tiếp tục lãnh đạo đưa đất nước phát triển bền vững trước tình hình cách mạng mới, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã có Nghị quyết Hội nghị TW4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc học tập, quán triệt Nghị quyết TW4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng được gắn liền với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trước đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã ban hành Quy định số 55-QĐ/TW và một số văn bản khác về tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Gần đây nhất, Hội nghị Trung ương Tám (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 08/QĐ/TW (gọi tắt là QĐ 08) ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Điều đó càng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ đức và tài để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, thật sự là“đạo đức là văn minh”. Rõ ràng, hơn lúc nào hết, việc học tập và làm theo phong cách Bác Hồ về tác phong “nêu gương” đã trở nên cấp bách, nhằm xây dựng Đảng ta ngày“xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”**./.
* Theo Hồ Chí Minh toàn tập
** Di chúc của Hồ Chủ tịch
Bài của Nguyễn Thế Trường
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm 2019