Kết quả Chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương

Thực hiện Quyết định số 2527/QĐ-UBND Ngày 16/9/2016của UBND tỉnh về phê duyệt Chương trình “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017 - 2020”, năm 2017 và 2018 Chương trình đã đạt được những kết quả nổi bật sau:
Kết quả Chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương

1. Đề tài:Nghiên cứu xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, nông hóa phục vụ thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp tỉnh Hải Dương do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, đã đạt được các kết quả:

Khảo sát, thu thập, tổng hợp các thông tin cần thiết phục vụ đánh giá đất đai. Thu thập số liệu thống kê về diện tích, năng suất, sản lượng cây hàng năm, cây lâu năm tại các địa phương. Khảo sát thực địa, lấy 2.816 mẫu đất phẫu diện (trong đó có 282 phẫu diện chính có lấy mẫu đất phân tích). Trong quá trình khảo sát thực địa tiến hành khoanh vẽ sơ bộ bản đồ đất và ghi các thông tin liên quan về địa hình tương đối, chế độ tưới, chế độ tiêu, Glây, nhiễm mặn, nhiễm phèn...phục vụ xây dựng các bản đồ đơn tính.

Phân tích 14 chỉ tiêu lý, hóa họccủa 282 phẫu diện chính có phân tích (phân tích hết các tầng), bao gồm: Thành phần cấp hạt, dung trọng, hữu cơ tổng số (OM), N tổng số (N%), P2O5 tổng số(P2O5%), K2O tổng số (K2O%), pHKCl, P2O5 dễ tiêu, K2O dễ tiêu, Ca++, Mg++, K+, Na+, dung tích hấp thu (CEC) trong đất. Đối với các vùng đất mặn phân tích thêm các chỉ tiêu EC (mS/cm), có 14 mẫu; đối với vùng đất phèn phân tích Cl-(%), SO42-(%), có 10 mẫu. Kết quả cho thấy: Các loại đất nông nghiệp của tỉnh có thành phần cơ giới biến đổi từ cát, cát pha đến thịt nặng pha sét và đất đều có kết cấu khá tốt, tầng đất dầy; Hầu hết là chua dung tích hấp thu từ trung bình tới thấp; Các đặc tính hình thái đều khá phù hợp với các yêu cầu của đất trồng trọt. Phân tích 2.547 mẫu nông hóa với6 chỉ tiêu lý, hóa học, bao gồm: hàm lượng chất hữu cơ tổng số (OM %), N tổng số, P2O5 dễ tiêu, K2O dễ tiêu, PHKCl, dung tích hấp thu (CEC) trong đất.

Xây dựng bảng phân loại đất vùng sản xuất nông nghiệp tại 12 huyện và toàn tỉnh Hải Dương.Xây dựng hệ thống bản đồ gồm:bản đồ thổ nhưỡng vàbản đồ nông hóa vùng sản xuất nông nghiệp cấp huyện, tỷ lệ 1/25.000 vàvùng sản xuất nông nghiệp tỉnh Hải Dương, tỷ lệ 1/50.000.

Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp được số hóa, tích hợp với cở sở dữ liệu dùng chung và đề xuất một số giải pháp sử dụng và khai thác bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

2. Dự án: Xây dựng vùng sản xuất lúa giống mới, giá trị cao gắn với tiêu thụ sản phẩm, do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chủ trì, thực hiện, đạt các kết quả:

- Xây dựng thành công mô hình 2 giống lúa Gia Lộc 102 và LTh 31 với quy mô 600 ha/2 năm (150 ha/giống/năm) tại các xã Hưng Long, Hiệp Lực, Tân Quang, Quang Hưng (Ninh Giang); Đông Kỳ, An Thanh, Tứ Xuyên, thị trấn Tứ Kỳ (Tứ Kỳ); Lê Lợi, Hồng Hưng (Gia Lộc) và xã Hùng Sơn (Thanh Miện).

Giống lúa Gia Lộc 102 đạt năng suất thực thu từ 60,45 - 68,43 tạ/ha vượt đối chứng Bắc thơm 7 từ 7,9 - 16,2% trong vụ Xuân và từ 49,76 - 54,72 tạ/ha vượt giống đối chứng từ 10,7 - 19,8% trong vụ Mùa. Hiệu quả kinh tế tăng từ 12,3 - 17,1% so với đối chứng.

Giống lúa LTh31 trong vụ Xuân đạt năng suất thực thu từ 68,11 - 77,75 tạ/ha vượt Bắc thơm 7 từ 18,8 - 31,5%. Trong vụ Mùa, giống lúa LTh31 đạt năng suất thực thu từ 55,46 - 60,33 tạ/ha vượt đối chứng từ 17% - 30,5%. Hiệu quả kinh tế tăng từ 19,4 - 27,9% so với đối chứng.

- Tổ chức 40 lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật thâm canh các giống lúa Gia Lộc 102, LTh 31 cho trên 4000 lượt học viên tham gia tại tất cả các điểm thực hiện mô hình. Thông qua tập huấn các học viên đã tiếp thu và hiểu rõ nguồn gốc giống lúa Gia Lộc 102 và LTh 31, nắm được các đặc điểm sinh trưởng,phát triển vàquy trình kỹ thuật thâm canh giống lúa Gia Lộc 102 và LTh31đạt năng suất cao, góp phần nâng cao thu nhập và hiệu quả kinh tế cho người dân trồng lúa.

- Tổ chức liên kết với các doanh nghiệp: Công ty CP Giống cây trồng (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm), Công ty CP Tổng công ty Giống cây trồng con nuôi Ninh Bình, Công ty TNHH Hưng Cúctiêu thụ sản phẩm thóc gạo chất lượng cao Gia Lộc 102 và LTh 31. Kết quả các doanh nghiệp tham gia thu mua và tiêu thụ từ 400 - 500 tấn/vụ, đạt tỷ lệ trên 50%.

Kết quả của Dự áncó ý nghĩa khoa học, thực tiễn to lớn và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.Các mục tiêu và nội dung của dự án đã được thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ và đạt kết quả tốt. Hai giống lúa Gia Lộc 102 và LTh 31 đều là những giống lúa ngắn ngày, năng suất và chất lượng cao (cơm mềm dẻo, có mùi thơm) được người dân tham gia mô hình chấp nhận và đề nghị mở rộng diện tích trong sản xuất.

3. Dự án: Xây dựng mô hình sản xuất cây rau màu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu phục vụ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương, do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chủ trì, đạt các kết quả:

- Xây dựng mô hình sản xuất rau,màu tập trung với qui mô 550 ha, trong đó: Cải bắp VL 560 với 200 ha tại các xã: Lê Lợi, Gia Xuyên, Gia Lương (Gia Lộc), Kim Tân (Kim Thành); Súp lơ Sakata 1506 và TV112 với 100 ha tại các xã Tái Sơn, Tân Kỳ (Tứ Kỳ); Cà rốt Ti-103 với 250 ha tại các xã Đức Chính, Cẩm Văn (Cẩm Giàng), Minh Tân và Thái Tân (Nam Sách).

Mô hình cải bắp tại xã Lê Lợi năng suất đạt 33 - 34 tấn/ha, thu nhập 230,62 triệu đồng/ha, lãi thuần 139,6 triệu đồng, gấp 2,07 lần so với mô hình đối chứng. Tại xã Gia Xuyên và xã Gia Lương năng suất đạt 30 - 31 tấn/ha, thu nhập 206,5 triệu đồng/ha, lãi thuần 115,5 triệu đồng, vượt 2,4 lần so với mô hình đối chứng. Tại xã Kim Tân, năng suất đạt 32,6 tấn/ha, thu nhập đạt 180,9 triệu đồng, lãi thuần 89,9 triệu đồng/ha, cao gấp 6,5 lần so với mô hình đối chứng.

Mô hình súp lơ tại xã Tân Kỳ và xã Tái Sơn thu nhập 113 - 136 triệu đồng/ha, lãi thuần 84 triệu đồng/ha, cao gấp 1,8 lần mô hình đối chứng.

Mô hình cà rốt tại hai xã Đức Chính và xã Cẩm Văn năng suất đạt 49,46 tấn/ha, thu nhập 344,1 triệu đồng/ha, lãi thuần 202,89 triệu đồng, vượt so với mô hình đối chứng 1,65 lần. Tại xã Minh Tân và xã Thái Tânnăng suất đạt 44,8 tấn/ha, thu nhập 292,39 triệu đồng/ha, lãi thuần 254,6 triệu đồng, vượt so với mô hình đối chứng 1,55 lần.

- Dự án đã tổ chức được 14 lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cải bắp, súp lơ, cà rốt cho nông dân, với gần 800 lượt người tham gia. Phối hợp với Trung tâm Thông tin khoa học - công nghệ và Tin học (Sở Khoa học và Công nghệ) và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng các băng hình và các tin, bài tuyên truyền về quy trình kỹ thuật, mô hình liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp) gắn giữ sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, trên Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ và Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương.

- Dự án đã lựa chọn và hợp tác với 2 doanh nghiệp tham gia ký Hợp đồng và tiêu thụ sản phẩm: Công ty TNHH MTV Hưng Việt và Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Trần Vinh. Doanh nghiệp và cán bộ kỹ thuật của dự án phối hợp chỉ đạo kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cải bắp, súp lơ, cà rốt đạt năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Khi cây rau đến kỳ thu hoạch, các doanh nghiệp đã đến tậm ruộng thu mua toàn bộ sản phẩm do dự án sản xuất với giá cao hơn giá thị trường từ 800 - 1000 đồng/kg.

Thành công nổi bật của Dự án là đã lựa chọn đưa vào sản xuất một số giống cải bắp, súp lơ, cà rốt năng suất, sạch bệnh, phù hợp với điều kiện thổ những, khí hậu của tỉnh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong, ngoài nước và tạo liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho người dân. Các sản phẩm do Dự án tạo ra có tỷ lệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cao hơn người dân ngoài dự án.

4. Dự án:Nhân rộng mô hình cung cấp thông tin khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất nông sản hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương, do Trung tâm Thông tin khoa học - công nghệ và Tin học chủ trì đạt được các kết quả:

Xây dựng và nhân rộng mô hình cung cấp thông tin khoa học và công nghệ tại 20 xã trên địa bàn tỉnh; duy trì mô hình cung cấp thông tin tại các xã đã thực hiện tại 10/12 huyện, thành phố, thị xã, bao gồm: Kinh Môn, Kim Thành, Nam Sách, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Thanh Miện, Thanh Hà, Cẩm Giàng, TP.Hải Dương và thị xã Chí Linh. Tổ thông tin tuyên truyền khoa học và công nghệ đã làm đầu mối thực hiện tốt việc tuyên truyền và cung cấp thông tin khoa học, công nghệ phục sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã, triển khai thu thập thông tin và tuyên truyền phổ biến thông tin dưới nhiều hình thức như hệ thống loa truyền thanh, tập huấn, hội thảo, trao đổi...

Biên tập và cung cấp cho các xã 400 dữ liệu bản giấy in, 100 dữ liệu dạng âm thanh, hình ảnh các quy trình kỹ thuật và tài liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp để truyên truyền. Tuyên truyền thông tin khoa học và công nghệ trên hệ thống loa truyền thanh của 32 xã tham gia dự án. Thông qua triển khai việc cung cấp thông tin, các kết quả nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh, tiến bộ khoa học đã được tuyên truyền một cách kịp thời,nhân rộng các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương.

Xây dựng chuyên mục “Khoa học và công nghệ với phát triển nông nghiệp” về các tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh, phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh với số lượng phát sóng 12 số/năm, thời lượng: 10 - 12 phút/số vào tối thứ 6 tuần đầu tiên của hằng tháng và đăng trên trang thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.

Đánh giá chung: Năm 2017 và 2018 Chương trình đã thực hiện tốt các mục tiêu, nội dung, tiến độ được phê duyệt, phương pháp tiến hành khoa học, số liệu thu được đảm bảo độ chính xác.

Lấy mẫu đất, phân tích, xây dựng hệ thống cơ sở dự liệu về nông hóa thổ nhưỡng tất cả các xã trên địa bàn tỉnh và đề xuất một số giải pháp sử dụng và khai thác bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Hải Dương; Cơ sở dữ liệu, hệ thống bản đồ được số hóa và tích hợp với cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh.

 Các dự án thuộc Chương trình xây dựng thành công các vùng sản xuất hàng hóa tập trung tạo sự liện kết trong chuỗi giá trị góp phần nâng cao sản phẩm nông nghiệp. Nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ được tuyên truyền, phổ biến, chuyển giao và nhân rộng.

Bài của Nguyễn Văn Vóc - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ 

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2/2019


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây