Trong 2 năm 2017-2018, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần(Viện Cây lương thực vàCây thực phẩm)đã xây dựng mô hình sản xuất giống lúa mới N25 ngắn ngày phục vụ luân canh tăng vụ. Đề tài do thạc sỹ Hoàng Sỹ Tiến làm chủ nhiệm. Mô hình được triển khai tại các huyện Ninh Giang, Thanh Miện, Nam Sách, Gia Lộc, Kim Thành và Tứ Kỳvới quy mô240 ha.Giống N25 được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm)chọn lọc bằng phương pháp xử lý đột biến phóng xạ nguồn Co60 giống lúa 9311 đã khảo nghiệm Quốc gia và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôncông nhận cho sản xuất thử tại các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ năm 2015 và công nhận chính thức năm 2017 (Quyết định số 3531/QĐ-BNN-TT ngày 30/8/2017).
Ban chủ nhiệm đề tài đã tổ chức được 16 lớp tập huấn về kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và sản xuất giốnglúamới N25 cho 800 lượt hộ tại các xã tham gia mô hình.Tại đâycác hộ nông dân được cấp phát tài liệu về quy trình gieo cấy, chăm sóc và sản xuất giống lúa N25. Các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuầngiới thiệu đặc điểm của giống lúa N25 và một số chú ý kỹ thuật trong sản xuất các giống lúa trên. Qua các lớp tập huấn, các hộ tham gia mô hình đã nắm được cơ bản các biện pháp kỹ thuật về gieo cấy, chăm sóc và sản xuất giống lúa mới N25.
Giống lúa N25 có khả năng chống chịu sâu bệnh khá, nhiễm ít với một số loại sâu bệnh gây hại, chống đổ rất tốt trên chân đất thịt pha cát, chịu thâm canh hơn KD18 và BT7. Giống lúa N25 có số bông/m2, số hạt/bông đều cao hơn hẳn Khang dân 18. Cùng với tỷ lệ lép thấp hơn hoặc tương đương Khang dân 18, giống lúa N25 cho năng suất thực thu trung bình cao hơn hẳn Khang dân 18 trong cả 2 vụ. Năng suất thực thu trung bình của giống N25 cũng cao hơn hẳn giống Khang dân 18 trong cả 2 vụ. Trong vụ Xuân, năng suất đạt từ 67,4 - 69,2 tạ/ha, vụ Mùa đạt từ 58,8 - 59,8 tạ/ha.Trong vụ Mùa giống N25 cho thu hoạch sớm từ 7 - 10 ngày so với KD18 và BT7.Do đó thuận lợi cho trồng cây vụ đông sớm như Bí xanh, Bí ngô...trên chân đất gieo cấy lúa N25 cho thu nhập cao hơn 37,5% so với trồng trên chân đất gieo cấy bằng các giống lúa đại trà KD18, BT7. Ðể đảm bảo thời vụ trồng dưa lê, theo tập quán - gieo cấy bằng giống lúa KD18 người dân phải làm mạ dược, tuổi mạ khi được cấy thường xung quanh 40 - 45 ngày tuổi. Nếu gieo cấy bằng giống lúa N25, người dân có thể làm mạ sân hoặc gieo thẳng sẽ làm đảm bảo được năng suất cao và giảm công chăm sóc mạ.
Chi phí thuốc bảo vệ thực vật với giống lúa N25 giảm so với gieo giống lúa KD18 là 32,6% trong vụ Xuân và 40,3% trong vụ Mùa. Sử dụng giống lúa ngắn ngày N25 trong sản xuất sẽ làm giảm thời gian cây lúa trên đồng ruộng, giảm số lần bón phân (bón 2 lần so với bón 3 lần cho giống lúa có thời gian sinh trưởng dài hơn), giảm số lần phun và số lượng thuốc bảo vệ thực vật, do vậy đã giảm được công chăm sóc lúa. Giống N25 là giống lúa chịu thâm canh, lượng phân bón sử dụng cao hơn so với giống lúa đối chứng Khang dân 18. Tuy nhiên, nếu bón quá nhiều đạm cây lúa dễ bị đổ và nhiễm sâu bệnh nhiều hơn. Vì vậy, để đảm bảo năng suất của giống lúa N25 được cao và ổn định cũng như giảm mức độ gây hại của sâu bệnh và thời tiết bất thuận cần bón lượng phân cân đối và thích hợp cho từng chân đất.
Qua 2 năm triển khai, đề tài đã xây dựng 240 ha mô hình sản xuất giống lúa mới N25 tại 5 huyện, giống lúa N25 có thời gian sinh trưởng từ 115 - 120 ngày trong vụ xuân, từ 90 - 95 ngày trong vụ Mùa, chống chịu tốt với một số loại sâu bệnh hại chính. Đây là giống lúa có chất lượng: Cơm mềm, ăn ngon, cơm không dính, vị đậm, chan canh không nát, cơm để nguội không cứng, gạo trong, dạng hạt gạo trung bình, tỷ lệ gạo xát cao 70%; Hàm lượng amylose 17%. Hiệu quả kinh tế do gieo cấy giống lúa N25 tăng cao hơn 30% so với gieo cấy giống Khang dân 18. Trồng cây vụ đông (Bí xanh) trên đất lúa N25 cho hiệu quả kinh tế tăng cao hơn 37,5% so với trồng trên chân đất gieo cấy giống lúa khác (KD18). Đặc biệt, khi trồng cây dưa lê hè xen giữa vụ lúa xuân (gieo cấy N25) và lúa mùa cho hiệu quả kinh tế tăng cao gần gấp đôi so với các gieo cấy giống lúa KD18.
Bài của Phạm Ninh Hải
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6 năm 2019