Mô hình nuôi ếch kết hợp nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao

Bằng cách thiết kế sàn lưới, cọc tre để nuôi ếch bên trên mặt ao nuôi cá, anh Trần Văn Vinh ở xã Đại Hợp, huyện Tứ Kỳ đã có nguồn thu hoạch “kép” trên cùng một diện tích ao nuôi thủy sản. Theo cách làm này, con cá dưới ao sẽ tận dụng thức ăn dư thừa và chất thải của ếch bên trên, giúp giảm chi phí sử dụng thức ăn công nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân. Bên cạnh đó, anh Vinh cũng là hộ sản xuất tiên phong trên địa bàn tỉnh Hải Dương áp dụng thành công mô hình nuôi con ruồi lính đen làm nguyên liệu để cung cấp thức ăn tự nhiên cho gia cầm và thủy sản, vừa tiết kiệm chi phí thức ăn, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi.
Mô hình nuôi ếch kết hợp nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao

Trước khi đến với mô hình nuôi ếch, gia đình anh Trần Văn Vinh là một trong rất nhiều hộ chăn nuôi lợn bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh hồi đầu năm nay. Đứng trước khó khăn do chăn nuôi lợn bị thua lỗ, gia đình anh Trần Văn Vinh đã quyết định chuyển hướng chăn nuôi. Toàn bộ diện tích chuồng trại nuôi lợn trước đây, anh Vinh chuyển sang nuôi gà thương phẩm. Còn trên diện tích ao nuôi cá của gia đình, sau khi tham khảo thông tin qua mạng thông tin toàn cầu Intetnet, kết hợp với tham quan thực tế mô hình tại một số nơi, anh quyết định thực hiện mô hình nuôi ếch trên mặt ao nuôi cá. 

Với suy nghĩ làm mô hình thử nghiệm trước khi nhân rộng ra diện tích lớn hơn, anh Vinh lựa chọn ao đang nuôi cá diện tích 1.000 m2, chọn vị trí góc ao thuận tiện cho việc thăm nom, chăm sóc để dựng sàn lưới. Diện tích sàn lưới gần 50 m2 được dựng lên bằng cọc tre và lưới mềm quây xung quanh. Đáy sàn được thiết kế ngập dưới mặt nước ao từ 20 - 30 cm, bên dưới lót các thanh tre tạo chỗ ngồi cho ếch ăn và phơi nắng, ngủ nghỉ; dùng lưới mắt thưa để thức ăn thừa và chất thải của ếch rơi được xuống bên dưới ao. Mặt trên của ô sàn có nắp đậy để ngăn ếch không nhảy ra khỏi sàn và phòng địch hại cho ếch như các loại rắn, mèo, chim, chuột; đồng thời thiết kế lưới che để hạn chế ánh nắng, tạo môi trường mát mẻ cho đàn ếch trong những ngày hè nắng nóng.

Sau khi thiết kế sàn lưới, anh Vinh đã mua 1,2 vạn con ếch giống với kích cỡ con giống chỉ từ 140 - 250 con/kg, nuôi trong 4 ô sàn. Thức ăn cho ếch chủ yếu là cám viên nổi với tỉ lệ 60%. Ngoài ra, anh còn bổ sung nguồn thức ăn giàu đạm từ con sâu can-xi trong quá trình nuôi ếch nhằm tiết kiệm chi phí sử dụng thức ăn công nghiệp. Sau thời gian nuôi 3 tháng, mô hình đã cho thu hoạch, đàn ếch được xuất bán với trọng lượng từ 2 - 3 con/kg. Giá bán ếch thương phẩm trung bình từ 40 - 50 nghìn đồng/kg. Theo hạch toán của anh Vinh, chi phí khoảng 26 nghìn đồng/kg ếch. Trừ chi phí, người nuôi có thể thu lãi từ 14.000 đồng/kg ếch thương phẩm. Đây là mức lãi giúp người nuôi có hiệu quả bước đầu kinh tế khá cao. Mặc dù là năm đầu tiên đưa vào nuôi thử nghiệm, mô hình của anh Vinh đã được thu hoạch 1,1 vạn con ếch thương phẩm, sản lượng đạt 2,1 tấn với giá bán 40 nghìn đồng/kg, thu lãi gần 30 triệu đồng sau 3 tháng nuôi.      

Cùng với nguồn thu từ nuôi ếch, mô hình còn cho nguồn thu nhập từ nuôi cá dưới ao. 1000 m2 ao được anh Vinh thả nuôi các loại cá chép, cá trắm và cá rô đang trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, sinh trưởng và phát triển tốt. Một số loại cá đang được tận dụng tận dụng nguồn thức ăn thừa và chất thải của ếch làm thức ăn bổ sung, nhờ đó góp phần giảm bớt chi phí sử dụng thức ăn công nghiệp. Qua quá trình tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi từ môi trường mạng thông tin toàn cầu internet hữu ích, cùng với những kinh nghiệm đúc rút từ thực tế chăn nuôi của gia đình, anh Trần Văn Vinh chia sẻ: Mô hình nuôi ếch kết hợp nuôi cá là một sự cộng sinh có lợi ích lớn, con cá dưới ao sẽ tận dụng thức ăn thừa và chất thải của con ếch làm thức ăn bổ sung, góp phần giảm lượng thức ăn công nghiệp cho cá. Sự kết hợp này không gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của hai loại vật nuôi. Tuy nhiên, để mô hình phát huy hiệu quả cao, các hộ nông dân cần lưu ý đến đặc điểm sinh trưởng của ếch và cá để bố trí thời vụ nuôi cho phù hợp. Thời vụ nuôi ếch nên bố trí trong khung thời gian từ tháng 2 trở đi và hoàn thành thu hoạch trong tháng 9 để tránh bị ảnh hưởng của thời tiết mùa đông, trung bình khoảng 4 tháng cho một vụ  nuôi ếch. Đối với con cá, loại cá phù hợp nhất với mô hình là cá trê đồng do cùng đặc điểm loài da trơn, vừa phù hợp với thị hiếu tiêu dùng hiện tại.

Cũng nhờ tinh thần ham học hỏi, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, anh Vinh đã thành công trong việc nuôi và nhân giống loài ruồi lính đen, còn gọi là sâu can xi. Đây là một loại côn trùng an toàn, hữu ích trong chăn nuôi đã được nuôi ở nhiều nước trên thế giới, và mới phát triển ở nước ta trong thời gian gần đây. Trên diện tích chuồng trại 150 m2, anh Vinh thu gom các loại mùn bã hữu cơ từ sản xuất nông nghiệp, thu mua bã bia, bã đậu từ các cơ sở lớn để làm thức ăn cho ruồi lính đen. Từ 50 gram ấu trùng ruồi lính đen mua từ thành phố Cần Thơ, đến nay, anh Vinh đã nhân nuôi ruồi lính đen, đảm bảo 20% khẩu phần ăn cho 4.000 con gà và 1 vạn cá trê thương phẩm. Nhờ nuôi loại ruồi này, một lượng lớn rác hữu cơ và phân gia cầm được phân hủy giúp chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ, giảm thiểu mùi hôi; đồng thời, tạo nguồn thức ăn giàu chất đạm cho đàn gia cầm, thủy sản, góp phần giảm đáng kể lượng thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi. Từ mô hình của gia đình anh Vinh, đến nay, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Tứ Kỳ học hỏi và thành công khi áp dụng mô hình chăn nuôi thủy sản kết hợp trên ếch dưới cá và mô hình nuôi ruồi lính đen góp phần giảm chi phí thức ăn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Với những hiệu quả từ mô hình nuôi ếch kết hợp nuôi cá và nuôi ruồi lính đen làm thức ăn cho gia cầm, thủy sản, anh Trần Văn Vinh cho biết: Hiện nay, gia đình anh đang trong quá trình cải tạo và thiết kế để mở rộng hai mô hình trên. Toàn bộ diện tích ao nuôi thủy sản hiện tại sẽ được bố trí mô hình kép nuôi ếch và cá trê đồng. Đặc biệt, anh đang mở rộng diện tích nuôi ruồi lính đen thành 200 m2, bố trí xếp tầng để tăng diện tích nhân nuôi ấu trùng ruồi, với mục tiêu đảm bảo 70% lượng thức ăn cung cấp cho 4.000 con gà và 6 vạn cá trê mỗi năm. “Hiệu quả lớn nhất mà mô hình mang lại là giúp phát triển chăn nuôi mà vẫn đảm bảo giữ sạch môi trường, hạn chế sử dụng hóa chất trong chăn nuôi. Có như vậy, trang trại chăn nuôi mới trở nên bền vững” - anh Vinh nói.

Bài của Nguyễn Thị Ánh

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10/2019

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây