Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, một số kết quả nghiên cứu về sản xuất lúa gạo hữu cơ đã cho kết quả khả quan. Năm 2016, Viện Sinh thái và Môi trường nhiệt đới đã xây dựng thử nghiệm mô hình khai thác rươi hiệu quả dựa trên nguyên tắc bảo đảm môi trường sạch, bổ sung thức ăn tự nhiên trên diện tích 15 ha đầm ruộng tại các xã Tứ Xuyên, An Thanh (Tứ Kỳ), Vĩnh Lập (Thanh Hà). Nghiên cứu cho thấy, diện tích đầm trồng lúa được bón phân hữu cơ hoai mục có năng suất lúa đạt từ 5,7 - 6 tạ/ha, cao hơn diện tích đầm trồng lúa không bón phân đạt từ 1,3 - 2 tạ/ha. Đồng thời, một số hộ dân tham gia mô hình đánh giá, mật độ lỗ rươi năm sau cao hơn năm trước khoảng 20%. Với mục tiêu xây dựng mô hình sản xuất lúa theo nguyên tắc sản xuất nông nghiệp hữu cơ có giá trị kinh tế cao trên đơn vị đất canh tác tại vùng rươi của huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, năm 2018, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình trình diễn sản xuất lúa theo nguyên tắc sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Đề tài được triển khai tại xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, trên diện tích 120 ha.
Xã An Thanh (Tứ Kỳ) là địa phương có truyền thống trong nghề khai thác rươi của tỉnh Hải Dương. Đây là nguồn lợi có giá trị kinh tế rất cao đối với nông dân địa phương, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/sào/năm. Để bảo vệ và khai thác nguồn lợi rươi, từ xa xưa vùng đất này đã được người nông dân giữ gìn môi trường sống của con rươi. Nông dân gieo cấy lúa trên vùng đất khai thác rươi chỉ có 1 vụ trong năm, thời gian còn lại đất được nghỉ ngơi, tạo điều kiện thuận lợi cho rươi sinh trưởng và phát triển. Trong suốt quá trình canh tác lúa, tuyệt đối không sử dụng phân hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ để không làm ảnh hưởng đến ấu trùng rươi đang phát triển ở lớp đất phía dưới mặt ruộng lúa. Việc làm cỏ cũng như chống sâu bệnh cho lúa được thực hiện bằng biện pháp thủ công. Đây là điều kiện thuận lợi đảm bảo việc phát triển thành công mô hình sản xuất lúa hữu cơ. Tuy nhiên, hiện có tình trạng một số hộ nông dân không sản xuất lúa hữu cơ để ruộng trống hoặc có một số hộ cấy lúa nhưng không thu hoạch mà vùi xuống làm chất độn cho ruộng, việc đó làm giảm mức thu nhập của hộ nông dân và đôi khi áp dụng không đúng kỹ thuật còn có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn lợi con rươi. Việc bón phân hữu cơ bằng cách tận dụng chất thải của gia súc, gia cầm cần sử dụng khối lượng lớn khiến việc vận chuyển phân xuống ruộng mất rất nhiều thời gian và công sức lao động, trong khi hiệu quả chưa rõ rệt.
Để khắc phục tồn tại trong việc sử dụng phân bón hữu cơ của các hộ trồng lúa, đề tài đã nghiên cứu xây dựng quy trình xử lý phân hữu cơ sẵn có trên địa bàn phục vụ cho sản xuất lúa hữu cơ. Quy trình hoàn thiện để xử lý phân hữu cơ hoai mục từ nguồn phân gà sẵn có trên địa bàn tỉnh Hải Dương, kết hợp với than bùn, mùn cưa và chế phẩm vi sinh cho kết quả khả quan với đặc điểm có hàm lượng hữu cơ (OM%) 35,9%; lượng đạm tổng số là 1,23%, đạm dễ tiêu 0,30 mg/kg; lượng lân - kali dễ tiêu lần lượt là 2,32 và 1,95%; hàm lượng Asen - chì - Cadimi - thuỷ ngân lần lượt là 2,15 - 19,36 - 0,16 - 0,1 ppm, ở trong mức an toàn cho phép. Các hộ tham gia mô hình đã nắm được cơ bản các biện pháp và các khâu kỹ thuật canh tác lúa theo nguyên tắc sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Trong vụ xuân 2017, đề tài tiến hành đánh giá khả năng thích hợp của hai giống HD8 và J02 (diện tích 0,5 ha). Kết quả thử nghiệm cho thấy, giống lúa J02 trong vụ xuân 2017 sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất tương đối cao, phù hợp với điều kiện ngập nước, chịu mặn và chịu rét của địa bàn nghiên cứu. Năng suất giống lúa J02 đạt 30 - 38 tạ/ha, cao hơn so với hộ dân cấy J02 không sử dụng phân hữu cơ năng suất năm đầu là 2,1 - 2,3 tạ /ha. Không phát hiện tồn dư của một số hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm gạo J02 (bao gồm Linden, Diazinon, Diclovot, Malathion, Methylparathion, Dimethoat và độc tố nấm aflatoxin). Gạo J02 có hàm lượng protein, tinh bột, hàm lượng amylose thuộc loại gạo chất lượng cao; tỷ lệ gạo xay và gạo xát đạt khá.
Đề tài cũng tiến hành đánh giá khả năng thích hợp của 5 giống lúa gồm J02, HD8, BH9, CNC11, DT8 trên đất lúa - rươi tại xã An Thanh trong vụ xuân 2018. Kết quả cho thấy, giống lúa J02 và BH9 là hai giống lúa sinh trưởng tốt và cho năng suất cao trong điều kiện ngập nước, chịu mặn và chịu rét trên nền đất lúa - rươi của xã An Thanh. Năng suất lúa của giống J02 và giống BH9 trên nền lúa - rươi trong vụ xuân 2018 đạt lần lượt là 67,67 và 63,33 tạ/ha. Qua hai vụ nghiên cứu về ảnh hưởng của mật độ và lượng phân hữu cơ bón cho giống J02 trên nền lúa - rươi tại xã An Thanh, nhóm đề tài đưa ra khuyến cáo kỹ thuật trồng cho giống J02 như sau: mật độ cấy phù hợp 20 - 25 khóm/m2; bón lót hoàn toàn lượng phân hữu cơ hoai mục (ủ theo quy trình của đề tài) với lượng từ 10 - 12 tấn/ha.
Đề tài đã thực hiện mô hình trình diễn sản xuất lúa theo nguyên tắc nông nghiệp hữu cơ trên quy mô tổng diện tích 3 ha tại đầm rươi ngoài đê tại xã An Thanh. Năng suất thực thu giữa các hộ tham gia mô hình dao động từ 47,1 - 55,2 tạ/ha. Với giá bán thóc tươi ngay tại đầu bờ, người dân đã có thu nhập đạt từ 37,7 triệu đến 44,2 triệu đồng/ha/vụ lúa xuân, lợi nhuận đạt từ 9,9 đến 14,7 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình thực hiện việc gieo mạ khay, cấy máy, thu hoạch bằng máy và sấy lúa đã tiết kiệm nhân công rất lớn so với sản xuất truyền thống (cấy tay, gặt tay và phơi lúa) giảm trên 40 công lao động/ha. Sản phẩm gạo có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá bán gấp từ 1,5 - 2 lần so với giá gạo thị trường.
Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo hữu cơ, tạo đầu ra ổn định cho sản xuất, đề tài kết hợp với Công ty Cổ phần Thế hệ mới bao tiêu toàn bộ sản phẩm thóc tươi của mô hình lúa - rươi tại xã An Thanh. Đồng thời Công ty Cổ phần Thế hệ mới đang tiến hành mở rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên nền lúa - rươi với hai giống lúa chất lượng J02 và BH9, xây dựng sản phẩm gạo hữu cơ thương hiệu “Gạo bãi rươi”, quảng bá và tiêu thụ có hiệu quả tại Hà Nội, Hải Dương và các địa bàn khác.
Sau một năm triển khai thực hiện, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại vùng khai thác rươi giúp các hộ nông dân nâng cao năng suất và sản lượng lúa so với phương thức canh tác cũ, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích khai thác rươi. Đồng thời, quá trình canh tác sử dụng phân hữu cơ phù hợp giúp cải thiện chất lượng đất bãi rươi, tạo điều kiện thuận lợi cho con rươi sinh sống và phát triển, qua đó làm tăng sản lượng rươi, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Từ kết quả của đề tài này và một số đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất lúa được triển khai tại địa phương, nông dân An Thanh ngày càng có nhận thức tốt hơn về sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ, qua đó góp phần bảo vệ môi trường vùng khai thác rươi, tạo nguồn thực phẩm hữu cơ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Bài của Nguyễn Ánh
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 8 năm 2019