Hoạt động KH&CN năm 2018 của các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu đưa KH&CN đóng góp trực tiếp vào việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế tại các tỉnh, thành phố thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia vào hoạt động KH&CN, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tăng cường năng lực công nghệ của doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, thu hút các nhà khoa học trẻ Việt Nam ở trong và ngoài nước phối hợp triển khai các nhiệm vụ KH&CN để nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở hành lang pháp lý đã được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, các tỉnh, thành phố đã bắt đầu đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Hoạt động nghiên cứu và phát triển KH&CN ở các tỉnh, thành phố vẫn chủ yếu tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, trung bình chiếm khoảng 31,3% số nhiệm vụ KH&CN; khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm 20,14%; khoa học xã hội chiếm 21,7 %; khoa học nhân văn chiếm 5,5%; khoa học tự nhiên chiếm 3,3%. Tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở địa phương năm 2018 tiếp tục được củng cố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo ở tỉnh, thành phố.
Đối với hoạt động quản lý công nghệ và sở hữu trí tuệ (SHTT):Công tác quản lý, kiểm soát trình độ công nghệ đối với các dự án đầu tư ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tế. Thực hiện tốt vai trò thẩm định công nghệ cho các dự án đầu tư, hợp đồng chuyển giao công nghệ tại các tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng đã thực hiện tốt công tác quản lý công nghệ.
Hoạt động SHTT ở các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt được nhiều kết quả, điển hình như: tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng; hội thảo, tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ; việc thực thi quyền sở hữu công nghiệp được quan tâm, góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Hoạt động SHTT tại các địa phương đã đem lại hiệu quả rất thiết thực, nhất là trong việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá của doanh nghiệp, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm đặc sản của địa phương. Hiện nay, nhiều địa phương đã xác định danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, sản phẩm đặc sản của địa phương để tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động SHTT còn gặp một số khó khăn như: thời gian đăng ký xác lập quyền kéo dài; sự phối kết hợp giữa các ngành trong quá trình xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT chưa chặt chẽ; các hành vi xâm phạm quyền SHTT ngày càng tinh vi và phức tạp; việc quản lý, sử dụng và phát triển tài sản trí tuệ hiệu quả còn hạn chế.
Công tác quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân: Các tỉnh, thanh phố đã ban hành kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, tổ chức tập huấn tuyên truyền rộng rãi về nội dung kế hoạch đến doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguồn phóng xạ. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn do chưa bố trí được nguồn lực và sự phối hợp giữa các ngành chưa thực sự chặt chẽ. Năm 2018, các tỉnh, thành phố đã thực hiện tốt công tác hướng về dẫn hồ sơ cấp phép cho các cơ sở sử dụng thiết bị bức xạ; thẩm định, cấp phép cho cho các cơ sở đủ tiêu chuẩn về an toàn bức xạ; thường xuyên kiểm tra an toàn và kiểm soát bức xạ hạt nhân tại các cơ quan, đơn vị có sử dụng nguồn phóng xạ, quản lý chặt chẽ các nguồn bức xạ trê địa bàn các tỉnh, thành phố.
Đối với hoạt động tiêu chuẩn đo lường, chất lượng:Công tác quản lý nhà nước về các hoạt động tiêu chuẩn đo lường, chất lượng ở địa phương được tăng cường về hiệu lực và hiệu quả. Các Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng đã chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng sẵn. Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan thuộc ngành Công thương, Công an…kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá, tập trung chủ yếu vào các đối tượng sản phẩm, hàng hoá liên quan đến vệ sinh, an toàn, môi trường, sản phẩm hàng hoá góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dung. Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường ở các địa phương được triển khai thường xuyên đạt kết quả tốt.
Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng ở các địa phương đã được đẩy mạnh thong qua Đề án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp đã được các tỉnh, thành phố phê duyệt như: hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, tham gia giải thưởng chất lượng Quốc gia, hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, …
Hoạt động thông tin và thống kê khoa học và công nghệ:Đến nay, hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) của Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã được hầu hết các tỉnh, thành phố khai thác và sử dụng phục vụ quản lý, Việc cung cấp thông tin KH&CN cho các ngành các cấp, doanh nghiệp và người dân ngày càng phong phú hơn qua các kênh truyền hình, Đài Phát thanh, các bản tin KH&CN, tạp chí, tập san KH&CN…Các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh hơn việc cung cấp thông tin về công nghệ sẵn sàng chuyển giao và nhu cầu tìm kiếm công nghệ; xây dựng CSDL về cung - cầu công nghệ; tổ chức các hội thảo, hội nghị và sự kiện kết nối cung cầu công nghệ; tổ chức chợ công nghệ thiết bị và chợ công nghệ và thiết bị trực tuyến (Techmart online), xuất bản ấn phẩm thông tin KH&CN để tuyên truyền giới thiệu kết quả hoạt động KH&CN, những thành tựu mới của KH&CN.
Hoạt động thanh tra khoa học và công nghệ:các địa phương đã chủ động tham mưu cho các cấp quản lý xây dựng kế hoạch và tổ chức các đợt thanh tra định kỳ, thanh tra chuyên đề, thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, SHTT, an toàn bức xạ nhạt nhân, … của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, Các đợt thanh tra, kiểm tra tập trung vào một số sản phẩm như: xăng dầu, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em. Ngoài ra, công tác thanh tra việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cũng được chú trọng triển khai. Năm 2018, theo chỉ đạo của Bộ, hai cuộc thanh tra chuyên đề về đo lường, mã số mã vạch và thanh tra về Chương trình Nông thôn miền núi đã được triển khai thực hiện. Kết quả thanh tra đã đánh giá được những mặt tích cực, hiệu quả thực hiện của Chương trình, đồng thời cũng phát hiện ra những sai phạm, hạn chế và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh, khắc phúc hoặc xử lý kịp thời. Các tỉnh, thành phố đã triển khai thanh tra chuyên đề về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu; sử dụng mã số, mã vạch…phát hiện cở sở vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính đúng quy định hiện hành.
Hoạt động KH&CN của các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng trong năm 2019 tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa KH&CN đóng góp trực tiếp vào việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các tỉnh, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội.
Bài của Vũ Ngọc Dương
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm 2019