Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, tháng 11/1939 quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ, nhằm đấu tranh đánh đổ thực dân Pháp, vua quan nhà Nguyễn và bọn tay sai, giành độc lập dân tộc, thực hiện tự do, bình đẳng, hòa bình và hạnh phúc cho nhân dân.
Sau Hội nghị Trung ương 6, tháng 11/1939), Nhật nhảy vào Đông Dương. Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 7, tháng 11/1940. Nghị quyết Trung ương 7 nhận định việc Pháp đầu hàng Nhật làm cho Đông Dương rơi vào cảnh “một cổ hai tròng”, vừa bị thực dân Pháp đàn áp, vừa bị phát xít Nhật hành hạ. Kẻ thù mà nhân dân Đông Dương cần phải đánh đổ trong lúc này là thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Nghị quyết Trung ương 7 còn xác định, tính chất của cách mạng Đông Dương vẫn là cách mạng tư sản dân quyền với nhiệm vụ đánh đổ đế quốc, diệt trừ phong kiến, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập và người cày có ruộng. Nghị quyết còn xác định, quyền lãnh đạo cách mạng tư sản dân quyền Đông Dương là giai cấp công nhân Đông Dương.
Trong thời gian này, ở Việt Nam nổ ra ba cuộc khởi nghĩa do nhân dân các địa phương tiến hành: Khởi nghĩa Bắc Sơn, tháng 9/1940; Khởi nghĩa Nam Kỳ, tháng 11/1940 và Khời nghĩa Đô Lương, tháng 9/1941.
Hội nghị Trung ương lần thứ 8, tháng 5/1941 do đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đại diện Quốc tế Cộng sản, triệu tập và chủ trì.
Nghị quyết Trung ương 8 cho rằng: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi được. Tất cả mọi vấn đề của cách mạng, cả vấn đề điền địa phải nhằm vào mục đích ấy mà giải quyết”.
Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh thay cho Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương đã không còn thích hợp với tình hình mới.
Về phương pháp cách mạng, Hội nghị nhận định rằng “cuộc cách mạng Đông Dương kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang”. Hội nghị chỉ rõ, khi thời cơ đến, “với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”.
Tháng 2/1943, Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Võng La (Đông Anh) nhận định “kẻ thù số một của dân tộc Đông Dương lúc này không phải tất cả đế quốc chủ nghĩa mà chỉ là đế quốc phát xít, đặc biệt là phát xít Nhật - Pháp”. Hội nghị chủ trương toàn bộ công tác của Đảng trong lúc này phải nhằm vào việc chuẩn bị khởi nghĩa, giành chính quyền.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương.
Ngày 12/3/1945, Nghị quyết Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng ở Đình Bảng (Bắc Ninh) nêu rõ “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Hội nghị nêu rõ: Cuộc đảo chính đã tạo ra một tình hình khủng hoảng chính trị sâu sắc làm cho những điều kiện của cuộc khởi nghĩa vũ trang mau chóng đi đến chín muồi. Hội nghị xác định “đế quốc phát xít Nhật là kẻ thù chính - kẻ thù cụ thể trước mắt - duy nhất của nhân dân Đông Dương” và quyết định thay khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp” trước đây bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật”. Hội nghị nhận định cao trào cách mạng đã bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa, vì thế cần thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp để động viên đông đảo quân chúng tham gia kháng Nhật cứu nước.
Chủ trương của Đảng thực hiện khởi nghĩa từng phần và xây dựng căn cứ địa được thực tế chứng minh là đúng. Căn cứ địa phát triển tới đâu, lực lượng vũ trang, bán vũ trang phát triển tới đó. Đảng nêu cao quyết tâm: “Phải đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
Tháng 8/1945, tình thế trực tiếp cách mạng xuất hiện. Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương chính thức khai mạc ở Tân Trào (Tuyên Quang). Tham dự Hội nghị có đủ đại biểu các đảng bộ Bắc, Trung, Nam và một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài.
Sau khi phân tích những điều kiện chủ quan và khách quan, Hội nghị nhận định “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định Đảng phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn bù nhìn tay sai của chúng trước khi quân Đồng Minh vào Việt Nam tước khí giới quân đội Nhật.
Sau ba ngày làm việc, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã bế mạc vào ngày 15/8/1945 trong không khí cả nước sôi sục khí thế tổng khởi nghĩa.
Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào, tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng do Bác Hồ làm Chủ tịch…
Cách mạng tháng Tám 1945 là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Sức mạnh của nhân dân trong cuộc cách mạng như triều dâng thác đổ. Chỉ trong 15 ngày, từ 14 đến 28/8, nhân dân các địa phương trong cả nước đã nổi dậy, giành chính quyền thắng lợi. Quyền thống trị của bọn đế quốc Pháp, Nhật suốt gần một trăm năm và chế độ quân chủ tồn tại hàng nghìn năm đã bị nhân dân ta lật đổ hoàn toàn.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập”.
Bài của Nguyễn Xuyến
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 8 năm 2019