Hải Dương là một trong những tỉnh sớm nhất và luôn đi đầu về áp dụng phương thức gieo thẳng khi thâm canh lúa xuân và lúa mùa thuộc miền Bắc nước ta. Sở dĩ, phương thức này được nông dân ưa chuộng và phát triển sâu rộng như vậy là vì gieo thẳng là một biện pháp có nhiều ưu điểm: Nông dân không phải làm mạ, không mất nhiều công để cấy và lúa phát triển nhanh hơn. Đặc biệt là năng suất lúa gieo thẳng dù ở vụ xuân hay vụ mùa đều cao hơn lúa cấy. Mặt khác, việc phát triển 3 vụ/năm đã khiến cho các giống lúa ngắn ngày được đưa vào cơ cấu với một diện tích lớn.
Từ những năm 1968 - 1970, cán bộ và nông dân Hải Dương đã bắt tay vào áp dụng phương thức gieo thẳng lúa. Tính đến nay diện tích lúa gieo thẳng ở vụ nào cũng xấp xỉ 21.000 ha chiếm 33% tổng diện tích gieo cấy lúa của cả tỉnh.
Trao đổi với ông Trần Văn Hạnh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Dương - một người vốn đã gắn bó lâu dài và bền chặt với nông dân hơn 30 năm qua ông cho biết, do địa hình đồng ruộng của tỉnh Hải Dương chủ đạo là ở các chân vàn, vàn cao, nông dân lại luôn coi trọng việc sản xuất nông nghiệp, hầu hết các chân ruộng đều được phát triển 3 vụ/năm nên các giống lúa ngắn ngày đều được ưu tiên và chú trọng sử dụng. Việc áp dụng phương thức gieo thẳng thay cho cấy mạ dược trước đây đã trở thành một chiến tích, một cuộc cách mạng bởi nó giảm được rất nhiều công lao động cho nông dân khiến cho việc sản xuất lúa trở nên đơn giản hơn và gọn nhẹ hơn nhiều. Qua theo dõi chặng đường dài của sản xuất lúa theo phương thức gieo thẳng ông nhận xét: “Gieo thẳng ở Hải Dương đã trở thành một nghệ thuật trong canh tác lúa”.
Dùng từ “nghệ thuật” dành cho nông dân Hải Dương trong áp dụng phương thức gieo thẳng quả là không quá chút nào. Bởi hầu hết nông dân các vùng lúa của tỉnh đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc áp dụng phương thức này, chỉ bằng những bàn tay khéo léo nhanh thoăn thoắt, không cần một dụng cụ bổ trợ nào mà một người có thể gieo được hàng mẫu ruộng một ngày. Trong khi, nếu cấy thì một mẫu ruộng đó phải mất 15 - 17 công. Tất nhiên, việc gieo thẳng còn cần phải mất công dặm tỉa sau này cho lúa. Song, với nông dân Hải Dương bây giờ thì công đoạn này chẳng đáng là bao khi mà họ đã có được một “nghệ thuật gieo thẳng lúa”. Được coi là một nghệ thuật bởi lý do nữa là nông dân Hải Dương có kĩ thuật ngâm ủ thóc rất tốt để ra được một lô mống đủ tiêu chuẩn cho gieo thẳng (rễ và mầm cân đối). Hơn thế, đó là các diện tích lúa sau khi gieo thì hầu như không phải dặm tỉa là mấy trừ trường hợp bị úng, hạn. Các cây mạ lên đều với khoảng cách đều chằn chặn như ai đó đặt chứ không phải là gieo.
Gặp gỡ và trao đổi với bà Trần Thị Vạn - Nông dân thôn Vạn Tải, xã Hồng Phong, huyện Nam Sách khi bà đang nhanh tay gieo mấm mạ trên ruộng. Bà cho biết, trong cả chặng đường làm nông dân hàng mấy chục năm qua, bà đã từng trải qua nhiều thời kì gieo cấy lúa. Song cho đến nay, khi bà và nhiều nông dân khác thực hiện phương thức gieo thẳng bà mới thấy được sự nhàn nhã của công việc ruộng đồng nó như thế nào? Đúng thật là có tiến bộ có khác! Ngày xưa, khi có thửa ruộng được cấy thì bà cùng các con phải dậy từ 3h sáng bì bõm nhổ mạ, xúc xúc, đập đập để bùn bắn cả lên đầu, lên mặt đến sáng mới được gánh mạ đi cấy. Rồi cấy nhanh đến mấy 1 sào ruộng cũng phải mất 1 - 1,5 công mới xong. Bây giờ nghĩ lại việc đó mà thấy gian nan và e ngại quá!
Khi hỏi tại sao bà có thể gieo được cả ruộng mạ đều tay như vậy, trong khi qua chứng kiến tận mắt chẳng thấy bà chia ô, chia thóc tí nào? Bà tâm sự, chẳng qua là làm nhiều nên quen tay. Biết rằng bà nói vậy là rất khiêm tốn. Thực tế để gieo được như vậy là cả một quá trình đúc rút kinh nghiệm từ việc xem xét giống lúa hạt to hay nhỏ, đẻ nhiều hay ít? Đến việc ngâm ủ sao cho mầm và rễ cân đối để gieo thuận lợi. Rồi việc cày bừa làm đất, cào trang ruộng cho phẳng phiu... Hội tụ lại mới nhào lặn thành “nghệ thuật” như vậy.
Thực tế cho thấy, thâm canh lúa gieo thẳng có nhiều lợi thế hơn, hiệu quả hơn so với lúa cấy. Thứ nhất là kịp thời vụ nếu sản xuất nhiều (do không tốn công, tốn đất làm mạ lại giảm được công lao động cho nông dân), cây lúa phát triển thuận lợi và không có thời gian bị “chột” trên ruộng vì không bị đứt rễ. Thứ hai, do gieo thẳng nên mỗi “khóm lúa” là một hạt thóc, các cây có không gian để phát triển thuận lợi (quang hợp ánh sáng tốt, đủ đất ăn, ...). Mặt khác, gieo thẳng còn làm cho ruộng lúa được thông thoáng nên cây mạ đẻ nhánh khỏe lại ít sâu bệnh hại. Vì vậy, qua tổng kết nhiều năm, mỗi sào lúa gieo thẳng của nông dân Hải Dương luôn có năng suất cao hơn lúa cấy từ 25 - 30%.
Tìm hiểu thực tế tại địa bàn xã Hồng Phong, huyện Nam Sách - là một trong những xã có diện tích lúa gieo thẳng ở cả 2 vụ đều chiếm trên 80% tổng diện tích gieo cấy toàn xã. Ông Vương Văn Sáng - chủ tịch UBND xã cho biết: Từ khi áp dụng gieo thẳng đến nay nông dân rất mặn mà với cả cây lúa xuân và lúa mùa vì theo ông, sản xuất lúa bây giờ rất nhàn chứ không như trước, một người có thể cấy hàng mẫu ruộng/vụ mà chỉ dồn dập mất khoảng 1 tuần là xong rồi bước vào chăm bón. Hơn thế, thời kì công nghiệp hiện đại bây giờ lại có nhiều máy móc thay thế (máy gặt đập, máy cày, bừa, ...) nên giảm được rất lớn sức lao động con người. Mặt khác, việc gieo thẳng mới giúp cho một người sản xuất được hàng mẫu ruộng/vụ như vậy. Chứ nếu cấy lúa thì không ai làm được như vậy vì vào thời vụ ở nông thôn hiện nay không thể thuê được ai cấy cho. Cho nên, một người làm 1 mẫu ruộng bây giờ nhàn hơn trước kia cấy 5 sào lúa.
Ông Sáng cho biết thêm, trong những vụ gần đây, nông dân Hồng Phong cũng hưởng ứng phương thức mới: Gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng (giàn kéo tay). Song, với kinh nghiệm gieo thẳng bằng tay khéo léo “như máy” của nông dân nơi đây thì phương thức này lại không phù hợp bởi nó rườm rà, mất thời gian hơn nhiều so với gieo bằng tay.
Có thể nói, phương thức gieo thẳng là một tiến bộ kĩ thuật được nông dân ứng dụng rộng rãi và lâu dài trong sản xuất lúa bởi nó thiết thực và giúp nông dân giảm được nhiều khâu kĩ thuật không cần có nên tăng hiệu quả sản xuất lúa trong nhiều năm gần đây nhất là đối với các giống lúa ngắn ngày có tiềm năng năng suất cao. Những lợi thế đó đã giúp nông dân duy trì lâu bền cho đến tận bây giờ và tiếp sau nữa bởi nó vẫn luôn là một kĩ thuật tiến bộ. Với nông dân Hải Dương thì đến nay đã “trăm hay không bằng tay quen” nên thực sự họ đã có một “nghệ thuật gieo thẳng lúa” để tăng năng suất, tăng thu nhập cho mình.
KS TRẦN THỊ LIÊN
Trạm Khuyến nông Nam Sách, Hải Dương
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5/2015