Hiện nay, diện tích có khả năng đưa vào khai thác rươi của Thanh Hà khoảng 50 ha, tập trung chủ yếu ở xã Vĩnh Lập, Thanh Xuân, Thanh Hồng. Hầu hết các đầm hoặc ruộng rươi có diện tích dao động từ 1.500 m2 đến 1 ha. Độ sâu của các đầm/ruộng rươi từ 0,8 - 1,2 m, một số đầm nông hơn chỉ đạt 0,5 - 0,6 m. Các đầm/ruộng rươi thường bố trí 01 - 02 cống kiên cố bằng bê tông cốt thép, khẩu độ dao động từ 1,2 m đến 1,8 m, sâu 1,2 - 1,5 m. Cống được bố trí “xăm đáy” tại cửa cống để phục vụ cho việc thu hoạch rươi. Khi xuất hiện rươi nổi trong đầm/ruộng, các cánh phai được mở từ từ tạo dòng chảy để rươi theo ra và bị giữ ở lưới xăm.
Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu huyện Thanh Hà phối hợp với các sở, ngành liên quan khai thác nguồn lợi rươi theo quy mô lớn. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Thanh Hà xây dựng phương án hợp lý, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, nghiên cứu bảo tồn nguồn lợi rươi và phát triển nghề khai thác rươi ở vùng nước lợ, đề xuất cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nông dân đầu tư hạ tầng đồng bộ, bài bản để vừa khai thác, vừa bảo tồn nguồn lợi mang lại giá trị kinh tế cao này.
Tiếp đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển đã đến thăm Công ty TNHH Một thành viên Hưng Việt, đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện cần đồng hành cùng doanh nghiệp nông nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất khẩu.
Tin của Hải Ninh
đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2018