Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực An toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngày 02/02/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.  Nghị định này thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012  quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và bãi bỏ Chương II Thông tư liên tịch số 12/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09/4/2014 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực An toàn vệ sinh thực phẩm.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP gồm 13 chương, 44 điều, với 11 nội dung được điều chỉnh so với Nghị định 38. Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm về thủ tục tự công bố sản phẩm; thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm; bảo đảm an toàn thực phẩm biến đổi gen; cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; ghi nhãn thực phẩm; quảng cáo thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Trước khi nghị định này được ban hành, một trong những vấn đề gây bức xúc nhất đối với doanh nghiệp là những bất cập về thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp cho rằng, thủ tục xác nhận phức tạp, tốn kém. Việc cấp xác nhận công bố phù hợp hoàn toàn chỉ là hình thức quản lý trên giấy tờ, không làm thay đổi trách nhiệm của doanh nghiệp về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm được công bố. Cơ quan nhà nước cấp giấy xác nhận chỉ dựa vào hồ sơ của doanh nghiệp nộp, kết quả kiểm nghiệm mẫu do doanh nghiệp tự cung cấp. Việc cấp giấy xác nhận công bố phù hợp hầu như không có ý nghĩa trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong thực tế. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng thực phẩm đã công bố

Theo Nghị định mới này, thay vì phải xin xác nhận từ cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp DN chỉ cần “nộp 1 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”. Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản hẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó.

Căn cứ công bố của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện sai phạm, trong đó sẽ mở rộng phạm vi, nâng cao mức xử phạt theo quy định pháp luật. Đặc biệt, có một số mặt hàng sẽ được miễn công bố.

Cũng theo Nghị định này, Bộ Y tế chỉ yêu cầu các doanh nghiệp phải đăng ký bản công bố sản phẩm với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.

Ngoài ra, Nghị định 15/2018/NĐ-CP cũng thể hiện sự phân công, phân cấp mạnh mẽ trong trách nhiệm quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm nhằm giảm tải áp lực quản lý cho các cơ quan cấp bộ, ngành, tránh chồng chéo trong quản lý, đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện.

Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký và được đánh giá là đã tạo cuộc “cách mạng” trong quản lý an toàn thực phẩm, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và công sức trong việc thực thi thủ tục hành chính nhưng sẽ nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp với sức khỏe người tiêu dùng; tạo sự thay đổi lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, giúp cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết.

Ngô Thị Kiều Oanh

Phòng QLTCCL&TBT


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây