Mô hình sản xuất giống ngô tím VNUA 141 và giống ngô nếp lai VNUA 69

Ngày 22/4/2021, tại xã Gia Khánh (huyện Gia Lộc), Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả xây dựng mô hình sản xuất giống ngô nếp tím giàu Anthocyanin VNUA 141 và giống ngô nếp lai VNUA 69 tại các xã Gia Khánh (Gia Lộc), An Thanh (Tứ Kỳ), Tân Trào (Thanh Miện) và xã Tân Dân (TP. Chí Linh) trên tổng diện tích 20 ha trong vụ xuân 2021.

Hai giống ngô nếp tím VNUA 141 và giống ngô nếp lai VNUA 69 có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại Hải Dương. Thời gian cho thu hoạch bắp tươi đối với giống ngô nếp tím VNUA 141 từ 82 - 83 ngày, giống ngô nếp lai VNUA 69 từ 78 - 79 ngày, các giống ngô nếp thực hiện trong mô hình nghiên cứu của đề tài ngắn hơn giống đối chứng từ 6 - 8 ngày, chiều cao cây của cả hai giống đều ở mức trung bình, chiều dài bắp khoảng 19 cm, đường kính trung bình 5,5 cm. Năng suất bắp tươi bình quân và tỷ lệ bắp loại 1 của giống ngô nếp tím VNUA 141 đạt khoảng 85%, giống ngô nếp lai VNUA 69 đạt từ 88 - 90%. Lợi nhuận sơ bộ của việc trồng giống ngô nếp tím VNUA 141 đạt từ 33 - 35 triệu đồng/ha, vượt đối chứng Fancy 111 từ 23 - 24%; lợi nhuận sơ bộ trồng giống ngô nếp trắng VNUA 69 đạt từ 46 - 50 triệu đồng/ha vượt đối chứng HN88 từ 18 - 22%; trung bình mỗi sào ngô nếp thu lãi từ 1,2 - 1,8 triệu đồng và cao hơn cấy lúa.

Hai giống ngô nếp tím VNUA 141 và giống ngô nếp lai VNUA 69 được sản xuất hạt lai F1 trong nước, chủ động trong cung ứng hạt giống phục vụ cho sản xuất thương phẩm, góp phần giảm giá thành hạt giống và nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Tin của Hải Ninh

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm 2021


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây