Kế hoạch khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh năm 2015 gồm 37 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó số nhiệm vụ chuyển tiếp năm 2014 sang 2015 là 16 nhiệm vụ; nhiệm vụ bắt đầu thực hiện năm 2015 là: 21 nhiệm vụ. Tổng kinh phí thực hiện là 16,224 tỷ đồng. Kết quả có 36/37, đạt 97,3% nhiệm vụ KH&CN được thực hiện. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đã được ứng dụng vào trong thực tiễn sản xuất và đời sống, cụ thể như sau:
1. Trong lĩnh vực Khoa học nông nghiệp
- Đối với cây lúa: Sản xuất thử giống lúa chất lượng cao Gia lộc 105, kết quả cho thấy đây là giống lúa sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh hại tốt, nhất là đối với đạo ôn, bạc lá và rầy nâu, năng suất trung bình đạt 70 - 75 tạ/ha. Sản xuất trình diễn giống lúa Bắc thơm 9, kết quả cho thấy đây là giống có khả năng chống chịu một số bệnh tốt hơn giống lúa Bắc thơm số 7, năng suất vụ xuân trung bình đạt 67 - 70 tạ/ha. Sản xuất thử giống lúa chất lượng Sơn Lâm 2 và AIQ1102 của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, kết quả năng suất bình quân của giống lúa Sơn Lâm 2 đạt 62 - 66 tạ/ha, AIQ 1102 đạt 58 tạ/ha - 61 tạ/ha. Mô hình sản xuất giống lúa Thuần Việt 1 năng suất trung bình 65,1 - 66,8 tạ/ha. Tiếp nhận kỹ thuật sản xuất giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng và giống xác nhận lúa Hương cốm 4 chủ động cung ứng cho người dân. Các giống đã được sản xuất thử trong năm 2015 là những giống lúa có thể đưa vào cơ cấu giống lúa của tỉnh.
Các mô hình sản xuất lúa hàng hóa tại các huyện Thanh Miện, Tứ Kỳ, Nam Sách, Ninh Giang, Bình Giang đối với các giống lúa Nghi Hương 2308, Nàng Xuân, Bắc thơm số 7 kháng bạc lá cho năng suất trung bình 52 - 60 tạ/ha hiệu quả kinh tế thu lãi đạt trung bình 14,5 triệu đồng/ha. Thực hiện thành công mô hình ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trong các khâu sản xuất lúa tại huyện Thanh Miện kết quả cho thấy hiệu quả kinh tế so với sản xuất thông thường từ 6 - 7 triệu đồng/ha.
- Đối với cây rau màu: Sản xuất thử thành công giống dưa Kim Cô Nương và NH - 2798 trong điều kiện canh tác ngoài đồng ruộng với quy mô 1 ha. Kết quả, giống dưa lê Kim cô nương và NH - 2798 thích hợp với điều kiện trồng tại tỉnh Hải Dương, cho lãi trung bình trên 135 triệu/ha. Xây dựng các vùng sản xuất dưa hấu Super Hoàn Châu hàng hóa tại các huyện Kinh Môn, Nam Sách cho năng suất trung bình đạt 36,8 tấn, giá bán 3.500 đồng/kg cho lãi trên 60 triệu/ha; mô hình sản xuất khoai tây Sinora quy mô 20 ha tại các huyện Thanh Hà, Bình Giang, năng suất đạt 13 - 14 tấn/ha, thấp hơn so với các năm trước từ 5 - 6 tấn/ha do thời tiết vụ đông năm 2015 bất thuận. Sản xuất theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đối với cây cà chua Savior ghép gốc cà tím và cây bí xanh số 2 và đã được sản phẩm tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Big C khoảng 30% sản lượng thông qua Công ty Cổ phần Nông sản Thực phẩm Hải Dương xanh và các đầu mối tiêu thụ khác là 70%.
- Đối với cây ăn quả: đã nghiên cứu phục tráng thành công giống bưởi đào Thanh Hồng, huyện Thanh Hà; công nhận được 10 cây đầu dòng để duy trì và nhân giống, cải tạo các vườn bưởi của xã Thanh Hồng góp phần phát triển nhãn hiệu tập thể sản phẩm bưởi đào Thanh Hồng.
Từ năm 2012 đến năm 2014 đã xây dựng thành công 8 ha mô hình sản xuất Thanh long ruột đỏ tại thị xã Chí Linh. Cây Thanh Long từ năm thứ 4 trở đi cho thu hoạch ổn định, năng xuất trung bình 15 tấn/ha cho thu lãi từ 70 - 80 triệu đồng. Từ kết quả nghiên cứu người dân đã tự mở rộng sản xuất trên 30 ha tại các xã, phường trên địa bàn thị xã Chí Linh.Năm 2015 bước đầu thử nghiệm trồng 2 cam Vinh tại thị xã Chí Linh, cây sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến năm 2016 cho thu hoạch.
- Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản: đã kết luận được giốnglợn nái VCN21, VCN22 là giống có triển vọng bổ sung vào cơ cấu đàn lợn nái giống có chất lượng cao của tỉnh. Các mô hình nuôi thương phẩm các giống gà: Ri lai, gà Mía lai, gà lai chọi, gà ri vàng rơm tại Thị xã Chí Linh, Kinh Môn cho hiệu quả kinh tế thu lãi từ 5 - 7 triệu đồng/1.000 con; các mô hình nuôi vịt Super M3 tại huyện Bình Giang cho hiệu quả kinh tế thu lãi từ 25 - 30 triệu đồng/1.000 con. Sản xuất một số giống gà chọi lai, mía lai, Đông Tảo lai cung ứng giống cho các hộ dân góp phần phát triển nhãn hiệu tập thể “gà đồi Chí Linh”; phát triển bò lai hướng thịt chất lượng cao với các công thức lai giữa bò cái lai với bò đực gống mới Brahman, Droughmaster tại các vùng đồng bãi ven sông huyện Nam Sách, Tứ Kỳ, Chí Linh
Sản xuất hàng hoá cá rô phi đơn tính đực lai xa nuôi ghép mật độ 2 con/m2 có xử lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học Biof và EM tại các huyện Gia Lộc, Thanh Miện, Bình Giang cho tỷ lệ sống đạt trung bình trên 87,5%, thu hoạch trọng lượng cá đạt 0,7-1,4 kg/con, năng suất trung bình đạt 12,2 tấn/ha, mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ nuôi, cho lãi trên 82 triệu đồng/ha ao nuôi. Bước đầu tiếp nhận và nuôi vỗ đàn cá bố mẹ giống cá chép V1 tại Xí nghiệp Giống cây trồng và Thủy sản Tứ Kỳ. Dự kiến tháng 8/2016 sẽ cho cá giống cung cấp cho các hộ dân nuôi.
2. Trong lĩnh vực Khoa học kỹ thuật và công nghệ
Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015. Kết quả sau 5 năm thực hiện đãtư vấn cho450 lượt doanh nghiệp, cá nhân về sở hữu công nghiệp, Hỗ trợ đăng ký bảo hộ cho 241 đối tượng sở hữu công nghiệp. Hỗ trợ xây dựng và phát triển 13 nhãn hiệu tập thể, trong đó năm 2015 là 8 nhãn hiệu tập thể gồm Na Chí Linh, Hành Kinh Môn, Tỏi Kinh Môn; Rươi, Cáy Tứ Kỳ, Ổi Thanh Hà, Bưởi Thành Hồng - Thanh Hà, Giầy da Hoàng Diệu, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa của các sản phẩm nêu trên. Hỗ trợ 44 lượt cho các tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh tham gia trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các Hội chợ công nghệ, thương mại.
Phát triển mô hình “Công sở điện tử” tại một số cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Hải Dương. Kết quả đã mở rộng mô hình Công sở điện tử” được xây dựng thành công tại Sở Thông tin và Truyền thông ra các Sở: Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Xây dựng, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Nội vụ, Sở Công thương. Xây dựng hoàn thiện phần mềm quản lý dữ liệu hồ sơ người có công, đây là phần mềm được đánh giá được đánh giá có tính ứng dụng thực tiễn cao trong công tác quản lý hồ sơ, dự liệu tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Phần mềm đã được đưa vào sử dụng tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý hồ sơ người có công của tỉnh.
3. Trong lĩnh vực Khoa học Y dược
Ứng dụng sinh học phân tử trong chẩn đoán và điều trị viêm dạ dày do nhiễm vi khuẩn, xây dựng và chuyển giao quy trình phát hiện viêm dạ dày do nhiễm vi khuẩn bằng thiết bị PCR cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương áp dụng trong chẩn đoán và điều trị viêm dạ dày do nhiễm vi khuẩn đạt hiệu quả tốt. Hoàn thiện quy trình và phác đồ điều trị phòng lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con ở các thai phụ có tải lượng virus máu cao tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh Hải Dương. Kết quả điều trị cho phụ bằng thuốc kháng virus có hiệu quả, xét nghiệm về dấu ấn virus viêm gan B trong máu con thời điểm ngay sau sinh và lúc 1 tháng tuổi không bị lây truyền từ mẹ sang.
4. Lĩnh vực Khoa học xã hội và Khoa học nhân văn
Nghiên cứu đề xuất các mô hình sản phẩm du lịch bao gồm: Du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng ở Côn Sơn - Kiếp Bạc; du lịch làng nghề ở Đông Giao - Cẩm Giàng, Hoàng Diệu (Gia Lộc), Hưng Đạo (Tứ Kỳ); du lịch sinh thái cộng đồng ở Đảo Cò - Chi Lăng Nam; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở Sông Hương (Thanh Hà).
Cung cấp thông tin KH&CN phục vụ phát triển sản xuất nông sản hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương. Kết quả sau 4 năm (2012 - 2015) thực hiện đã xây dựng được 17 mô hình cung cấp thông tin khoa học và công nghệ tại 17 xã trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả.
Trong khoa học nhân văn đã thực hiện nghiên cứu đã xác định được 48 di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Hải Dương làm cơ sở xây dựng quy hoạch bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị lịch sử.
Các nhiệm vụ KH&CN trong năm kế hoạch nhìn chung thực hiện đảm bảo đúng nội dung, tiến độ, kinh phí chi theo dự toán được duyệt, thực hiện chi đảm bảo theo chế độ tài chính hiện hành của Nhà nước. Kết quả các nhiệm vụ KH&CN đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội; tạo được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Một số giống lúa, giống gia súc, giống thuỷ sản đã được sản xuất thử thành công làm cơ sở để bổ sung vào cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, mở rộng sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân ở các địa phương trong tỉnh. Nghiên cứu áp dụng thành công trong chẩn đoán và điều trị viêm dạ dày; sử dụng thuốc có hiệu quả trong việc điều trị bệnh viêm, lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con. Nghiên cứu các phương pháp dạy học và kiểm tra vào các trường học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đang tồn tại ở các địa phương trong tỉnh.
Trong năm 2016 tỉnh tiếp tục nghiên cứu lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản mới, các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu phát triển các mô hình từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm nâng cao hiệu quả kinh tế; nhân rộng các mô hình cơ giới hóa trong sản xuất lúa thương phẩm. Nghiên cứu các giải pháp trong chẩn đoán và điều trị các loại bệnh tật, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.Nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy và học để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, xử lý môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát môi trường nước. Đổi mới hoạt động quản lý KH&CN từ xác định các nhiệm vụ KH&CN, tổ chức triển khai thực hiện, đánh giá nghiệm thu, công bố kết quả nghiên cứu. Tăng cường công tác phối hợp giữa Sở Khoa học và Công nghệ với các cơ sở để thực hiện quản lý, giám sát trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.
Phạm Văn Bình
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1/2016