Huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa - Mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, nơi ấy đã in dấu chân các chiến sỹ Hải Quân nhân dân Việt Nam. Với những người lính Trường Sa, mùa xuân thường đến sớm…
Bán đảo mùa xuân đang đến
Bán đảo Cam Ranh những ngày cuối năm như đang hòa mình trong không khí khẩn trương náo nức đón xuân năm mới của những người lính Đoàn M 46 chuẩn bị ra đảo. Như một lời hẹn ước với đồng đội ở phía mặt trời, mùa chuyển quân, chuyển hàng tết năm nay có niềm thôi thúc gợi nhớ về những mùa hành quân lên đường mấy mươi năm về trước. Đêm trước hôm chia tay, chúng tôi đã ngồi với nhau rất khuya. Biển đêm thao thức cùng nhịp đập của những chàng trai tuổi mười tám đôi mươi. Phần lớn trong số họ lớn lên từ miền biển. Ngày mai chia tay đất liền, không ai ngủ được. Tiếng sóng biển dội về ì ầm từ ba phía. Mọi người hát cho nhau nghe những ca khúc về quê hương và tình yêu. Mấy tháng trên bãi tập thao trường đã cho những người lính gắn bó của tình bạn, tình đồng đội. Đạt kể về cái xóm nhỏ bên sông Đáy, nơi mỗi chiều vọng tiếng chuông nhà thờ loang loang trên sóng nước. Mẹ thường khóc thầm mỗi lần đi qua bến nước và mấy hôm nữa thôi cả xóm lại tíu tít bên bậc đá rửa lá dong gói bánh. Y Dut - chàng trai Ê Đê có đôi mắt rực sáng, chậm rãi kể cho mọi người nghe về huyền thoại tình yêu của đôi trai gái nơi đầu nguồn dòng sông Sêrêpôk. Buôn Trap của anh mùa này khi những đám lúa ngoài rẫy đã nằm im trên gác bếp là những ngày Tết Cơm mới diễn ra rộn rịp. Ở một góc sân ai đó đang kể về cô bạn gái mới quen ngoài thị xã, thỉnh thoảng có tiếng cười rộ lên. Tâm trạng đêm nay thật lạ, vừa bâng khâng lưu luyến, vừa như háo hức đợi mong, điều gì chờ đợi ở phía trước trong chuyến ra khơi đầu tiên trong đời.
Những ngày cuối đông, từng cánh mai rừng khẽ rung lên trong gió. Cả bán đảo bừng sáng trong sắc nắng, sắc mai vàng rực rỡ. Mấy hôm trước chúng tôi đã chọn những cành đẹp nhất để mang ra đảo. Hàng tết ra Trường Sa đã được đơn vị chuẩn bị hơn tháng nay, có đủ gạo nếp, lá dong, bánh kẹo… Tàu phải đi trước cả tháng để kịp cho anh em ngoài đó đón tết. Sáng nay trên cầu tàu, bên cạnh đội hình hành quân trang nghiêm của những người lính hải quân còn có những người thân đến tiễn đưa các anh. Những chuyến tàu cuối năm, chở theo nỗi niềm da diết và cả mùa xuân ra đảo. Những gương mặt lướt qua, tất cả đều rất trẻ, rạng rỡ trong quân phục mới, cái dải sóng phấp phới trên vai áo như níu gọi một điều gì đó rất thiêng liêng. Còi tàu cất vang lên một hồi, chào nhé đất liền, hẹn gặp ở Trường Sa…
Đón xuân ở Trường Sa
Chúng tôi đến Trường Sa đúng dịp mùa xuân đang về. Vẫn đang là mùa biển động, tàu đi phải hàng tháng trời mới mới đến hết được các đảo. Trên biển, những đợt gió đông bắc cuối mùa khiến thân tàu rung lên chịu đựng những con sóng cấp bốn, cấp năm. Có những đảo nhận được hàng tết từ rất sớm, nhưng cũng có đảo hàng đến cũng vừa kịp đón năm mới. Khi tàu đến, chúng tôi vừa vận chuyển hàng lên đảo vừa phải lo cất giữ để dùng đúng vào dịp tết.
Xuân ở đảo không giống như ở đất liền. Nắng tràn trên mặt đảo, gió thả sức trên cao, sóng bạc đầu dội ì ùm vào bờ kè trắng xóa, tung lên lớp bụi nước mằn mặn. Hoa phong ba nở bung từng chùm trắng phơn phớt xanh vời vợi. Đi qua mùa biển mặn, cây trên đảo mấy tháng ròng phải gồng mình chịu những trận gió cát và nước biển. Rau xanh gần như không chống chịu được, chỉ có bàng vuông và phong ba là vững chãi kiên cường bám trụ.
Trường Sa, nơi những cái tên lần đầu mới gặp: Tiên Nữ, Sơn Ca, Cô Lin, Len Đao…mềm mại, đẹp dịu dàng như cô gái. Mấy anh em trong khẩu đội chúng tôi được phân công về cụm đảo phía Bắc. Những ngày cuối năm cả đảo đang chuẩn bị đón tết, quang cảnh không khác đất liền là mấy. Năm nay đón xuân quân và dân Huyện đảo Trường Sa có thêm một niểm vui mới, điện đã có trên tất cả 33 điểm đảo và 15 nhà giàn DK. Điện về đã đem lại sự thay đổi lớn trong cuộc sống của bộ đội và người dân. Điện thắp sáng đảo về đêm, đời sống đã được nâng lên khi bà con cùng các chiến sỹ đã có tivi, tủ lạnh để dùng. Năm nay biển không có nhiều gió bão, công việc làm ăn đánh bắt của bà con trên đảo gặp nhiều thuận lợi. Toàn đảo, từ các cụm chiến đấu, phân đội, khẩu đội đến các nhà dân, đâu đâu cũng ngập tràn không khí tất bật. Góc này một tốp chiến sỹ lo dọn dẹp sửa sang doanh trại, bên sân nhà ăn một tốp đang chẻ lạt, rửa lá. Bọn trẻ được nghỉ học líu ríu theo chân các chú bộ đội trang trí bàn thờ Tổ quốc. Do điều kiện thời tiết của biển, những cành đào, cành mai theo tàu ra đảo dù được bảo quản cẩn thận đến mấy cũng khô héo hết. Lính Trường Sa đã sáng tạo nên những cành đào, cành mai rất Trường Sa. Khẩu đội tôi được phân công làm cành hoa tết bằng những cành phong ba từ bãi cạn. Chúng tôi gắn lên đấy những bông hoa mai, hoa đào bằng giấy. Em nhắn tin hỏi tôi về hoa tết ở Trường Sa, tôi kể với em về cành hoa do cánh lính trẻ tự tạo ra và gọi chúng với cái tên Hoa Sinh Tồn, Hoa Song Tử.
Hương vị tết Trường Sa có một cái gì đó rất riêng. Ngày tết trên đảo cũng đầy đủ bánh chưng, thịt lợn, giò, nem…của đất liền mang ra, còn có thêm thực phẩm do lính đảo tự tăng gia. Hôm chuyển hàng xuống, chúng tôi có sáng kiến vùi lá dong trong cát để được tươi lâu. Để bánh chưng được xanh, mọi người dùng lá bàng vuông để gói lót bên trong, bên ngoài mới gói bằng lá dong. Cũng là gạo nếp, nhân đỗ xanh, thịt lợn, hạt tiêu…khi thưởng thức bánh chưng còn có thêm hương vị của lá cây nơi miền gió cát.
Đối với những người lính đảo chúng tôi, những ngày xuân chỉ thực sự trọn vẹn và có ý nghĩa khi Tổ quốc được bình yên. Trong những ngày đón tết cổ truyền, cán bộ, chiến sĩ trên Quần đảo Trường Sa vẫn thực hiện nghiêm chế độ tuần tra canh gác.
Trường Sa ơi, đất nước nơi đầu sóng, một mùa xuân mới đang về …
Nguyễn Xuân Tình
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2016