Quản lý công nghệ -0001-11-30 07:06:30

Trong số mẫu thuốc tân dược bị làm giả đa số là kháng sinh và thường là những kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng. Thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng, thuốc thật và giả khi để cạnh nhau, tuy nhiên điều này người tiêu dùng rất khó để phân biệt.

Thuốc và thực phẩm chức năng đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người. Đây là hai sản phẩm chúng ta trực tiếp đưa vào cơ thể để chữa bệnh và bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết nhằm giảm nguy cơ bệnh tật, bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, bên cạnh các loại thuốc và thực phẩm chức năng chính hãng được cấp phép thì nhiều năm qua, số lượng thuốc, thực phẩm chức năng giả xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân ngày càng gia tăng. Đây là vấn đề nhức nhối trong xã hội bởi việc sử dụng thuốc giả gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng.

Với mục đích tạo diễn đàn trao đổi giữa nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm kiếm một số giải pháp nhằm ngăn chặn nạn lưu hành thuốc và thực phẩm chức năng giả, ngày 23/8/2022, Viện Phát triển Doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối hợp với Trung tâm công nghệ Chống hàng giả Việt Nam tổ chức hội thảo “Thuốc và thực phẩm chức năng giả: Hiện trạng và giải pháp”.

Hàng giả tràn lan trên hầu hết lĩnh vực

Đánh giá chung về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hiện nay, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, hàng giả tràn lan trên hầu hết lĩnh vực, từ truyền thống cho đến các kênh thương mại điện tử.

Cụ thể, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu; xảy ra với mọi loại hàng hóa từ hàng tiêu dùng thông thường đến hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa có chức năng quan trọng như: thuốc chữa bệnh, thực phẩm, thực phẩm chức năng (làm đẹp cho phụ nữ), mỹ phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu...; Hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ sản xuất trong nước chủ yếu là sản xuất thủ công, nhỏ lẻ hoặc lắp ráp linh kiện, đóng gói sản phẩm; Hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ không chỉ sản xuất ở Việt Nam mà còn sản xuất ở nước ngoài và đưa về Việt Nam tiêu thụ.

Trong đó, thuốc và thực phẩm chức năng bị làm giả gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp làm ăn chân chính; quyền lợi người tiêu dùng; uy tín của nền kinh tế Việt Nam; đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe và cơ hội chữa bệnh của người tiêu dùng, hệ lụy để lại cho mỗi người và toàn xã hội.

Chỉ ra nguyên nhân của hành vi làm giả thuốc và thực phẩm chức năng, theo ông Nguyễn Đức Lê: Thứ nhất, lợi nhuận của hành vi sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm chức năng giả là rất lớn; thứ hai, ý thức của người tiêu dùng chưa cao, vẫn tự ý mua thuốc không qua kê đơn tại các hiệu thuốc hoặc trên các chợ mạng; thứ ba, thương mại điện tử phát triển vượt bậc dẫn đến các đối tượng lợi dụng để bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

Thứ tư, việc giám định thuốc hoặc thực phẩm chức năng đòi hỏi kinh phí lớn và thời gian dài để thẩm tra, xác minh; thứ năm, sự vào cuộc của doanh nghiệp, Hiệp hội có liên quan chưa cao, chưa đồng bộ, xuyên suốt; thứ năm, lực lượng quản lý thị trường còn cần được đào tạo chuyên sâu về kiến thức liên quan đến thuốc và thực phẩm chức năng cũng như thông tin kịp thời về thuốc, thực phẩm chức năng giả hoặc xâm phạm quyền.

“Riêng ngành dược, trong đó có thuốc và thực phẩm chức năng là các sản phẩm mang tính chất đặc thù. Bằng phương pháp thông thường, chúng tôi không thể dễ dàng phát hiện thật giả một cách chính xác. Việc kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc... là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật giả của một sản phẩm. Tuy nhiên, chúng ta cần một khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra. Đây cũng là rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn thuốc và thực phẩm chức năng giả trên thị trường.

Bên cạnh đó, mặc dù lực lượng Quản lý thị trường được phân bổ rộng rãi trên khắp cả nước nhưng vẫn không đủ để đối đầu với đối tượng gian lận với số lượng đông đảo và ngày càng tinh vi, đến từ các ngành nghề khác nhau. Nói một các khác, lực lượng biên chế quản lý quá mỏng, dẫn đến việc phát hiện, xử lý, chống hàng giả còn gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế trên thực tế...”, ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.

Làm giả tem chống giả đẹp hơn tem chống giả thật

Bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng thư ký, Chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cũng thông tin, trong số mẫu thuốc tân dược bị làm giả đa số là kháng sinh và thường là những kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng. Thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc thật và giả khi để cạnh nhau, tuy nhiên điều này người tiêu dùng rất khó phân biệt.

Điều trị bằng thuốc giả mạo không hiệu quả như đối với trường hợp kháng sinh có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc. Các thuốc giả được sản xuất tại cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với trường hợp các thuốc dùng đường tiêm hoặc trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch.

Vì vậy, để bảo vệ lợi ích khách hàng và uy tín doanh nghiệp dược, bà Nguyễn Diệu Hà cho rằng, nhiều công nghệ chống hàng giả đang được các công ty Dược phẩm áp dụng, tuy nhiên, hiệu quả mang lại không như mong đợi. Thật trái ngang khi công nghệ làm giả đã làm giả cả tem chống giả và còn đẹp hơn cả tem chống giả thật. Mặc dù vậy, việc chống hàng giả, đặc biệt là chống nạn thuốc giả vẫn phải được ưu tiên hàng đầu.

“Đại diện cho Hiệp hội các doanh nghiệp Dược tại Việt Nam, chúng tôi mong muốn rằng cùng với công nghệ thông tin ngày càng phát triển, cần nghiên cứu và phát triển công nghệ chống giả tiên tiến, hiện đại để giải quyết vấn đề chống hàng giả. Song song với đó, các doanh nghiệp Dược cũng nên chủ động tiếp cận, ứng dụng các công nghệ chống giả phù hợp, có khả năng chống giả để bảo vệ uy tín thương hiệu của mình, cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng là trách nhiệm và sức mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc”, bà Hà nói.

Ông Nguyễn Đức Lê cũng cho rằng, cần có giải pháp chống giả hữu hiệu, làm sao để việc nhận biết thuốc thật và giả một cách chính xác, dễ dàng nhất. Cần có những công cụ, giải pháp được pháp luật thừa nhận, áp dụng một cách triệt để có thể hỗ trợ cơ quan quản lý thị trường dễ dàng hơn khi thực thi nhiệm vụ, hóa giải những khó khăn tồn đọng, đồng thời giúp lực lượng chức năng có cơ sở để đánh giá, xác minh độ thật giả của hồ sơ sản phẩm, tránh trường hợp bị cho là làm khó doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Đồng thời, cần có sự chung tay của toàn dân. Trường hợp người tiêu dùng phát hiện hoặc nghi ngờ có gian lận thương mại, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, hãy phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đường dây nóng cho cơ quan có thẩm quyền để phát hiện và xử lý kịp thời.

Nguồn: Theo VietQ.vn

Tin khác

Triển khai hệ thống QLCL ISO 9001 - nâng cao chất lượng và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính (21/03/2024)

Hải Dương đầu năm xuất khẩu đơn hàng nông sản khủng đi Nhật Bản, Hàn Quốc (05/03/2024)

Người dùng đối mặt nguy cơ mất dữ liệu do sâu máy tính thông qua các dịch vụ AI (05/03/2024)

Hải Dương: Phấn đấu đến năm 2025 đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (05/03/2024)

Rút gọn thủ tục hành chính về sở hữu trí tuệ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (30/01/2024)

Sẽ công bố chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương hằng năm (09/01/2024)

Kết quả xây dựng mô hình sản xuất khoai tây KT7 trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2023 (14/12/2023)

Ứng dụng phương pháp ELISA, Realtime PCR trong chẩn đoán phát hiện Parvovirus B19 và điều trị bệnh nhân mắc bệnh lý thận tại tỉnh Hải Dương (10/12/2023)

Nghiên cứu phục tráng giống khoai sọ Miễu Sơn – Thái Học góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương (06/12/2023)

Thương mại điện tử hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững (28/11/2023)

Tạo cơ chế khuyến khích các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (26/11/2023)

Xây dựng mô hình sản xuất dưa chuột VC09 theo hướng VietGAP trên địa bàn tỉnh Hải Dương (01/11/2023)

KẾT QUẢ SẢN XUẤT THƯƠNG PHẨM GIỐNG LÚA LAI THƠM 6 ĐẠT TIÊU CHUẨN VIETGAP TẠI TỈNH HẢI DƯƠNG (26/09/2023)

Quyết tâm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở và hội nhập (22/09/2023)

Chuyển giao ứng dụng TBKH Công nghệ trong chăn nuôi giống gà trống J-Dabaco thương phẩm (16/08/2023)

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.