Những vấn đề chung (số 1,2 - 2020) -0001-11-30 07:06:30

Ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964 làmột mốc son có ý nghĩa quan trọng, tự hào trong lịch sử của Quân chủng Hải quân; trở thành ngày “Truyền thống đánh thắng trận đầu” của Hải quân nhân dân Việt Nam. Những tháng cuối năm 1963, vấn đề Việt Nam ngày càng trở nên nóng bỏng đối với giới cầm quyền Mỹ. Nhằm cứu vãn sự thất bại không thể tránh khỏi của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ quyết định đẩy mạnh chiến tranh ởmiền Nam bằng một chiến lược mới và mở cuộc chiến tranh phá hoại đổi với miền Bắc, nơi mà chúng cho là “gốc rễ” của cách mạng, là hậu thuẫn của cách mạng miền Nam. Triệt tiêu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam và ngăn chặn sự giúp đỡ của các nước cho cách mạng Việt Nam.

Chiến công đánh đuổi tàu khu trục Ma đốc Mỹ trong ngày 2/8

Đêm 31/7 rạng sáng ngày 1/8/1964, tàu khu trục Ma Đốc (Maddox) mang số hiệu 731 thuộc Biên đội xung kích 77, Hạm đội 7 của Mỹ ,xâm phạm vào vùng biển Quảng Bình, sau đó tiến lên phía Bắc, điều tra các mạng lưới bố phòng của ta ở khu vực đèo Ngang, Hòn Mát, Hòn Mê, Lạch Trường. Bộ Tư lệnh Hải quân đã giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 135, phân đội 3 để sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu. Đến 23 giờ ngày 1/8, phân đội 3 lắp xong ngư lôi và hoàn tất mọi công tác chuẩn bị. Đến 10 giờ 30 phút, chỉ huy biên đội tàu tuần tiễu thông báo cho tàu 333(Phân đội 3)biết cấp trên lệnh cho phân đội tàu phóng lôi hành quân vào Hòn Mê ngay. 13 giờ 30 phút ngày 2/8, tàu khu trục Ma đốc Mỹ xâm phạm vào khu vực Hòn Mê- Lạch Trường, cách Hòn Mê 9 hải lý, Sở chỉ huy tiền phương lệnh cho biên đội tàu tuần tiễu xuất kích. Hai tàu T142 và T146 đi theo hướng đông bắc nhằm đến khu biển đang có tàu của địch hoạt động. 20 phút sau, Phân đội 3 tàu phóng lôi được lệnh xuất kích theo hướng hai tàu tuần tiễu, đến 14 giờ 10 thì đuổi kịp biên đội tàu tuần tiễu, sau đó các tàu phóng lôi tăng tốc độ vượt lên trước tìm tàu Ma đốc của địch.Thời gian này, tàu Ma đốc Mỹ đã ở phía đông Hòn Nẹ, phương vị 115°, cự ly 27 hải lý và Phân đội 3 cách tàu Ma đốc 13,7 hải lý. Khi phát hiện thấy có 3 tàu tốc độ cao đang tiếp cận thì tàu địch cũng tăng vận tốc chạy ra xa.Chỉ huy trưởng phân đội lệnh cho tàu 333 tăng vận tốc chặn tàu địch lại, tạo điều kiện thuận lợi để hai tàu 336 và 339 tấn công. Khi tàu 339 tiếp cận được góc 110° mạn phải tàu khu trục, cự ly 10 liên, pháo thủ 14,5mm bắt đầu phát hỏa về phía tàu địch trong khi tàu tiếp tục rút ngắn khoảng cách, vào đến cự ly 7-8 liên thì Thuyền trưởng Nguyễn Văn Giản hạ lệnh phóng ngư lôi để tiêu diệt địch và chuyển hướng rời khỏi khu vực tác chiến. Lúc này trên trời xuất hiện 5 máy bay địch lao đến tập kích, một trái rốc két bắn trúng khoang máy chính,pháo thủ 14,5mm và chiến sĩ máy hy sinh.Tàu 339 phải thả trôi cách tàu địch khoảng 3 hải lý vừa tập trung dập lửa, sửa chữa hỏng hóc vừa ngoan cường chiến đấu đánh trả máy bay địch bằng súng 14,5mm và súng trung liên. Sau khi tàu 339 phóng ngư lôi, tàu 336 tiếp tục tiếp cận ở góc mạnphải tàu địch 110 độ đến 120 độ, cự ly 6 - 7 liên thì phóng ngư lôi, sau đó giảm tốc độ chuyển hướng rời khỏi khu vực tác chiến. Ngay lúc đó, đạn pháo tàu địch bắn trúng tàu 336, Thuyền trưởng Phạm Văn Tự hy sinh. Thuyền phó Nguyễn Văn Chuẩn từ boong sau chạy lên đài chỉ huy vừa chỉ huy chiến đấu vừa điều khiển tàu cơ động ra khu vực tàu 339 đang thả trôi.Tiếp theo tàu 336, tàu 333 tiếp cận vào vị trí công kích ngư lôi. Với tinh thần quyết tâm chiến đấu đến cùng, Phân đội trưởng kiêm Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Bột đã chỉ đạo pháo thủ 14,5mm bắn quét lên mặt boong tàu địch và tiếp tục cho tàu cơ động rút ngắn khoảng cách, khi vào đến vị trí công kích ở góc mạn phải tàu địch 80°, cự ly 6 liên thì phóng ngư lôi. Tàu khu trục của địch bốc khói, không phát hỏa nữa và chuyển hướng tháo chạy ra vùng biển quốc tế.Ngay lúc đó, 4 máy bay của địch tiếp tục lao đến tấn công vào các tàu của Phân đội 3. Tàu 333 và 336 vừa cơ động vừa nổ súng đánh trả. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, cán bộ, chiến sĩ các tàu đã tập trung hỏa lực bắn cháy 1 máy bay rơi ngay xuống biển và bắn bị thương 1 chiếc; hai chiếc còn lại vội vã rời khỏi khu vực chiến đấu. Trong trận chiến đấu này, tàu Ma đốc của địch đã bị trúng đạn, hư hỏng một số trang thiết bị, phải rút chạy ra khơi xa; 1 máy bay bị bắn rơi và 1 bị thương, về phía ta, hai tàu 336 và 339 bị hư hỏng một số máy móc, trang bị; 4 đồng chí hy sinh, 6 đồng chí bị thương.

Đánh trả máy bay Mỹ trong ngày 5/8.

Ngay sau khi tàu Ma đốc bị đánh đuổi khỏi vùng biển của ta trong ngày 2/8/1964, thì đêm ngày4/8/1964, chính quyền Mỹ đã dựng lên cái gọi là Sự kiện vịnh Bắc Bộ”lấy cớ để mở chiến dịch “trả đũa” mang tên Mũi tên xuyên” . Ngày 5/8, chúng sử dụng tối đa lực lượng máy bay ở hai biên đội tàu sân bay Con-xten-lây-sơn và Ti-cơn-đê-rô-ga gồm hàng chục máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại, chia làm 3 đợt bất ngờ tấn công gần như cùng một lúc vào các mục tiêu kinh tế và hầu hết các căn cứ, kho tàng, nơi trú đậu tàu của hải quân ta suốt dọc ven biển từ sông Gianh (Quảng Bình); Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An); Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh), hòng tiêu diệt lực lượng hải quân của ta, mở đầu kế hoạch gây chiến tranh phá hoại quy mô lớn đối với miền Bắc nước ta mà chúng đã vạch sẵn từ trước.

Tại vùng biển Cửa Hội và thành phố Vinh, lúc 12 giờ 20 phút ngày 5/8, một tốp 8 chiếc máy bay địch loại F8U, AD4, AD6 lao vào ném bom, bắn phá khu vực Sở dầu thuộc thành phố Vinh và căn cứ Hải quân ở Cửa Hội. Các tàu của Phân đội 7 và Phân đội 5 đã báo động kịp thời, nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu phối hợp với lực lượng phòng không ở khu vực đánh trả máy bay địch. Trong trận chiến đấu này, các lực lượng vũ trang đã bắn cháy 2 máy bay giặc Mỹ, trong đó tàu T187 của Khu tuần phòng 2 đã bắn cháy 1 chiếc rơi xuống biển cách đông nam Hòn Mát 2km.

Tại Cửa Ròn và cảng Gianh, lúc 12 giờ 30 phút, 8 chiếc máy bay địch bay từ phía biển vào đèo Ngang chia làm 2 tốp, một tốp lao xuống bắn tàu đo đạc 527 của hải quân đang làm nhiệm vụ ở Cửa Ròn, một tốp khác vòng theo dãy Trường Sơn lên thượng nguồn sông Gianh rồi lao xuống bắn phá cảng Gianh. Tàu đo đạc 527 và các tàu T181, T183 (Phân đội 7); T173, T175, T177 (Phân đội 6) thuộc Khu tuần phòng 2 đã kịp thời chặt xích neo, nhanh chóng cơ động chiến đấu, phối hợpvới lực lượng phòng không, dân quân tự vệ anh dũng đánh trả các đợt công kích của máy bay địch. Sau 25 phút chiến đấu, bộ đội ta đã bắn cháy 1 máy bay rơi xuống biển phía đông nam Cửa Gianh và bắn bị thương 1 chiếc khác.

Tại vùng biển Hòn Gai, Bãi Cháy (Quảng Ninh), lúc 14 giờ 40 phút, một tốp 8 chiếc máy bay từ hướng biển Long Châu lao vào ném bom, bắn rốc két tấn công các tàu của Hải quân ta đang neo đậu ở Cửa Lục. Các tàu T144, T134, T122, T124 và tàu 225 săn ngầm thuộc Khu tuần phòng 1 và căn cứ Hải quân Bãi Cháy đã phối họp với Tiểu đoàn phòng không 217 và lực lượng phòng không của tự vệ, công an địa phương bắn rơi 2 máy bay Mỹ, bắt sống tên giặc lái, trung úy An vơ rét.

Tại vùng biển Lạch Trường (Thanh Hóa), 2 tàu phóng lôi 333, 336 cùng các tàu tuần tiễu Tl30, T132, T146 ở khu trú đậu được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Lúc 14 giờ 45 phút, 4 máy bay AD6 lao từ hướng đông bắc vào bắn phá hai tàu T130 và T132. Tiếp đó chúng tập trung 8 chiếc AD4 đánh các tàu 333, 336 và T146. Các tàu đã phối hợp nổ súng kịp thời đánh trả máy bay địch, bắn rơi 2 máy bay giặc Mỹ, bắn bị thương 2 chiếc khác.

Lúc 16 giờ 18 phút, địch cho 11 chiếc máy bay F8U lao vào bắn phá cảng Gianh lần thứ hai;6 chiếc lao xuống công kích tàu T175 ở Hòn La; 5 chiếc khác lao vào đánh phá cảng Gianh. Các tàu trong tư thế sẵn sàng chiến đấu đã kịp thời nổ súng, ngay loạt đạn đầu đã bắn cháy 1 chiếc máy bay địch. Ở Hòn La, cán bộ, chiến sĩ tàu T175 chiến đấu đánh trả 6 máy bay địch rất dũng cảm. Tàu bị trúng đạn bốc cháy, nước tràn vào khoang, một số đồng chí hy sinh. Lúc 16 giờ 40 phút cùng ngày, địch tiếp tục cho 8 chiếc máy bay khác lao vào đánh phá các trận địa pháo bảo vệ cảng Nghi Phúc và thành phố Vinh.

Sau 9 năm xây dựng, đây là trận đầu tiên Hải quân nhân dân Việt Nam ra quân chiến đấu trực tiếp với tàu chiến lớn và nhiều máy bay hiện đại của Mỹ. Ngày 7/8/1964, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ tuyên dương công trạng của bộ đội Hải quân và Phòng không- Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và khen ngợi: “Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, đã bắn rơi 8 chiếc máy bay của Mỹ và bắn hỏng ba chiếc...Các chú đã bắt sống phi công Mỹ, đánh đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta. Như vậy là rất tốt”. Và ngày 5/8/1965, nhân dịp kỷ niệm một năm ngày truyền thống đánh thắng trận đầu, Bác Hồ đã gửi thư khen bộ đội Hải quân: “Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu giúp đỡ của nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, Hải quân đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệvùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta”.

Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964 là chiến thắng của sức mạnh chính trị tinh thần toàn dân tộc, chiến thắng của ý chí quyết tâm chiến đấu dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Hải quân nhân dân Việt Nam và của quân dân miền Bắc nước ta. Đồng thời khẳng định về sự rèn luyện bản lĩnh, ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm kiên cường, tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động, mưu trí sáng tạo, vượt qua khó khăn gian khổ, ác liệt của bộ đội Hải quân, quyết tâm đánh thắng kẻ thù mạnh hơn ta nhiều lần, có trang bị vũ khí hiện đại, khi chúng liều lĩnh xâm phạm chủ quyền vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

Bài của Nguyễn Xuân Tình, Học viện Hải Quân

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1+2 ra tháng 4+6/2020

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.