Xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng được coi là thủ phủ cà rốt của tỉnh Hải Dương bởi diện tích canh tác lớn, giá trị kinh tế cao, cà rốt có hương vị riêng, độ giòn và vị ngọt đặc trưng. Đây cũng là mô hình kiểu mẫu vinh dự được Thủ tướng Chính phủ về thăm dịp đầu xuân này. Anh Nguyễn Văn Bấc, người dân thôn Địch Tràng, xã Đức Chính phấn khởi cho biết, nhờ áp dụng kĩ thuật trồng cùng với kinh nghiệm hơn 30 năm, hơn 3 mẫu cà rốt của gia đình anh đều đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGap với sản lượng ước đạt 1,8- 2 tấn/sào.
“Những năm gần đây, cây cà rốt đem lại thu nhập ổn định, hàng năm thu lãi từ 5-6 triệu đồng/sào, đời sống người nông dân được nâng cao. Hiện nay, tôi đã thu hoạch xong cà rốt, các thương lái đến thu mua tại ruộng. Trước kia, người dân trồng cà rốt chủ yếu theo phương pháp thủ công, làm bằng tay rất vất vả nhưng bây giờ đều bằng máy móc hiện đại, giúp cho nông dân nhàn hơn, chủ yếu là chăm tỉa, dọn cỏ, còn việc tưới cây, làm luống đều cơ giới hóa, nên rất dễ dàng”, anh Nguyễn Văn Bấc phấn khởi.
Vụ cà rốt này, xã Đức Chính trồng hơn 360 ha theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap với tổng sản lượng ước đạt 13.000 tấn. Ngoài ra, người dân Đức Chính còn thuê mượn hơn 1.000 ha đất tại các địa phương dọc theo triền sông Hồng như Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh… để trồng cà rốt với sản lượng ước hơn 40.000 tấn.
Vụ năm nay, xã Đức Chính trồng hơn 360 ha cà rốt đều theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap với tổng sản lượng ước đạt 13.000 tấn, đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân với mức thu lãi từ 5-6 triệu đồng/sào.
“Toàn xã có thể nói là hộ nào cũng trồng cà rốt, gần 2.000 hộ trồng. Bây giờ bà con áp dụng khoa học kĩ thuật tiên tiến vào trồng cà rốt, từ khâu đánh luống, gieo hạt, tưới tự động… công sức cũng đỡ vất vả hơn so với trước. Lượng cà rốt đa số phục vụ cho xuất khẩu đi thị trường Trung Đông. Ngoài ra, nhu cầu cà rốt của Hàn Quốc cũng đang rất lớn, khi các chuyên gia Hàn Quốc về khảo sát, họ khẳng định chất lượng cà rốt tại đây cũng tương đương bên ấy, nên họ rất thích cà rốt của xã Đức Chính”, ông Trần Văn Tưởng, Chủ tịch UBND xã Đức Chính cho biết.
Toàn xã Đức Chính, tỉnh Hải Dương có trên 2.000 hộ trồng cà rốt. Nhờ loại nông sản này nhiều người nông dân đã vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Trên địa bàn Hải Dương hiện có khoảng 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chuyên thu mua cà rốt sơ chế và xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính, cà rốt sau khi sơ chế đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và được kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đến thời điểm này, HTX đã xuất khẩu được hơn 30.000 tấn cà rốt đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Thái Lan... và đang xúc tiến thêm một số thị trường các nước khác.
Trên địa bàn Hải Dương hiện có khoảng 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chuyên thu mua cà rốt sơ chế và xuất khẩu. Cà rốt sau khi thu hoạch đều được vận chuyển về những cơ sở này để sơ chế, đóng gói trước khi xuất khẩu.
“Tại cơ sở chế biến, cà rốt được rửa sạch qua 5 máy, sau đó qua bồn sục ozone, tiếp đó vào máy thổi để làm khô cà rốt. Sau khi khô, cà rốt sẽ được chuyển ra băng chuyền, được các công nhân chọn lọc để phân loại size từ S, L, 2L, 3L tùy theo thị trường. Cà rốt xuất khẩu đi Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản… bắt buộc phải bảo quản trong 24h với nhiệt độ từ 6 độ trở xuống, khi lên xe container hoặc tàu xuất khẩu thì để 3-4 tháng thì cà rốt vẫn đảm bảo tươi, đẹp, chất lượng”, ông Nguyễn Đức Thuật cho biết thêm.
Hiện 70% sản lượng cà rốt của Hải Dương được xuất khẩu sang thị trường các nước khu vực Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Malaysia, Singapore, Thái Lan…, 30% còn lại tiêu thụ trong nước.
Hiện 70% sản lượng cà rốt của Hải Dương được xuất khẩu sang thị trường các nước khu vực Trung Đông và Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Malaysia, Singapore, Thái Lan,... 30% còn lại tiêu thụ trong nước. Để đảm bảo chất lượng cà rốt xuất khẩu, ngành Nông nghiệp địa phương đã thực hiện cấp mã số vùng trồng, giám sát chặt chẽ các loại tuyến trùng gây hại và đối tượng kiểm dịch được các nước nhập khẩu cảnh báo; kiểm soát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...
Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, người dân, doanh nghiệp cũng cần tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, chịu trách nhiệm liên quan đến truy xuất nguồn gốc, chú ý trong thu mua, phân loại, đóng gói, bảo quản đảm bảo chất lượng cà rốt, qua đó giữ uy tín cho cà rốt Hải Dương trong quá trình chinh phục các thị trường quốc tế.
Ngành Nông nghiệp địa phương đã cấp mã số vùng trồng, tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ đối với các quy định về kiểm dịch thực vật để đảm bảo chất lượng cà rốt xuất khẩu, qua đó giữ uy tín cho cà rốt Hải Dương trong quá trình chinh phục các thị trường quốc tế.
“Chúng tôi hỗ trợ bà con cấp và quản lý mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu; hỗ trợ bà con kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ để có thêm nhiều khách hàng, qua đó giá cả, cạnh tranh cũng thuận lợi hơn. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Thông qua các doanh nghiệp để yêu cầu bà con nông dân thực hiện đúng, kiểm soát 100% lô hàng từ ruộng đảm bảo tiêu chuẩn thì mới thu mua… Chúng tôi nghĩ rằng đó là con đường ngắn nhất để kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vì mục tiêu cuối cùng là thương hiệu, chất lượng của cà rốt Hải Dương”, bà Lương Thị Kiểm cho hay.
Nhiều năm qua, cà rốt Hải Dương đã khẳng định được thương hiệu, giúp hàng ngàn người nông dân vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Thương hiệu cà rốt Hải Dương đã và đang vươn tầm mạnh mẽ, từng bước chinh phục phục những thị trường khó tính trên thế giới bằng chính chất lượng của mình.
Theo VOV