Thông tin SHTT 2014-05-22 04:37:59

Giày dép Hoàng Diệu luôn có giá cả phải chăng     Từ lâu, người tiêu dùng xa gần đã biết đến giầy da Hoàng Diệu (Gia Lộc), nhưng ít người biết đến nay giầy da Hoàng Diệu vẫn chưa có thương hiệu.

Người làm nghề mong mỏi
Làng nghề giầy da Hoàng Diệu có cách đây hơn 400 năm, nhưng mới được phục hồi và phát triển sôi động cách đây khoảng 10 năm. Năm 2005, giầy da Hoàng Diệu được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Bình quân, mỗi ngày làng nghề sản xuất được khoảng 6.000 đôi giầy, dép, doanh thu đạt khoảng 900 triệu đồng. Sau thời gian dài sản xuất, sản phẩm giầy Hoàng Diệu đã được người tiêu dùng trong tỉnh nhanh chóng đón nhận. Hiện nay, làng nghề có khoảng 150 hộ sản xuất giầy ở 4 thôn: Phong Lâm, Trúc Lâm, Văn Lâm và Nghĩa Hy. Với đội ngũ tay nghề cao, có kinh nghiệm làm giầy từ đời này qua đời khác, những đôi giầy ở đây đã thu hút được nhiều đại lý ở Hà Nội, Hải Phòng... một phần sản phẩm còn được xuất sang Lào, Cam-pu-chia.
Anh Vũ Văn Thảo làm nghề được hơn 10 năm nay cho biết: "Chúng tôi rất muốn sản phẩm có thương hiệu. Hiện nay, mỗi nhà làm giầy tự đặt ký hiệu riêng để phân biệt sản phẩm của nhà này với nhà khác, chứ chưa có một thương hiệu chung cho làng nghề giầy da Hoàng Diệu. Nếu có thương hiệu, giá trị và chất lượng sản phẩm sẽ được nâng lên nhiều hơn".
Giống như anh Thảo, nhiều người làm nghề cũng bày tỏ sự cần thiết phải có thương hiệu cho sản phẩm giầy Hoàng Diệu. Ông Trần Huy Thắng ở thôn Trúc Lâm gắn bó với nghề làm giầy đã 15 năm cho biết: "Dù làm thương hiệu tốn kém đến đâu, trước sau chúng tôi vẫn phải làm để sản phẩm đứng vững trên thị trường. Muốn duy trì, phát triển làng nghề, đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm quan tâm giúp chúng tôi xây dựng thương hiệu".
Khó khăn
Giầy da Hoàng Diệu là sản phẩm của làng nghề truyền thống, tuy nhiên từ lâu vẫn chỉ là hàng làm nhái các thương hiệu nổi tiếng như Vina Giầy, Lacoste...Vì thế, làng nghề thường xuyên bị các cơ quan chức năng kiểm tra. Mặc dù người làng nghề tự lấy nguyên liệu, tự sản xuất giầy, nhưng vẫn phải "bấu víu" vào những thương hiệu lớn để tiêu thụ. Việc nhái sản phẩm dẫn đến người làm nghề vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, giá sản phẩm không cao. Cái khó là ở chỗ, rất ít người nhận ra được hạn chế này, vì sản phẩm giầy Hoàng Diệu hiện tại có giá thành phù hợp và vẫn được thị trường tiêu dùng đón nhận. Sản phẩm giá cao nhất là 500 nghìn đồng/đôi, rẻ nhất là 100 nghìn đồng/đôi. Nhiều người làm nghề vẫn tự tiêu thụ được sản phẩm nên cũng chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, vì thế chưa thể thống nhất được việc xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm giầy da Hoàng Diệu. Hệ quả là sản phẩm chưa có chỗ đứng nhất định trên thị trường, dễ bị bán trà trộn với các loại giầy kém chất lượng, khó phân biệt được đâu là giầy Hoàng Diệu. Hiện nay, nhiều người làm giầy ở Hoàng Diệu vẫn chưa biết phải làm thủ tục xây dựng thương hiệu ở đâu, đăng ký như thế nào?... Khi bị các cơ quan chức năng xử lý, cùng lắm là họ nộp phạt. Họ chỉ thực sự quan tâm đến vấn đề này sau khi các cơ quan quản lý nhà nước kiên quyết hơn trong việc xử lý sản xuất hàng nhái. Anh Lê Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Hội Da giầy Hải Dương cho biết: "Do chưa am hiểu kiến thức về sở hữu trí tuệ nên nhiều người chưa nhất trí xây dựng thương hiệu cho sản phẩm giầy Hoàng Diệu. Thời gian tới, Ban Chấp hành Hội tiếp tục tuyên truyền để các hộ quan tâm hơn về vấn đề thương hiệu. Chúng tôi phấn đấu trong năm nay sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần hỗ trợ làng nghề bảo tồn, phát huy tiềm năng sẵn có, quan tâm quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin".
Bà Phạm Thị Huệ, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết: "Phòng rất tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức đến đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Ngoài ra, sở cũng phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục về sở hữu trí tuệ, phát sóng hằng tuần nhằm nâng cao kiến thức cho người dân. Làng nghề muốn làm thương hiệu chỉ cần có văn bản đề nghị xã, huyện, Sở Khoa học và Công nghệ. Đối với kiểu dáng được hỗ trợ 5 triệu đồng/kiểu dáng, nhãn hiệu được hỗ trợ 4 triệu đồng/nhãn. Ngoài nhãn hiệu tập thể, các hộ sản xuất vẫn được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho từng gia đình. Tuy nhiên đến nay, chưa có ai đại diện cho làng nghề đến đăng ký thương hiệu cho sản phẩm giầy da Hoàng Diệu".
Xây dựng thương hiệu cho giầy da Hoàng Diệu là hết sức cần thiết, vì vậy chính quyền địa phương cần phải chủ động hơn nữa để sớm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc tích cực hơn nữa để bảo vệ sản phẩm, quyền lợi cho làng nghề. Chỉ có như vậy giầy da Hoàng Diệu mới sớm có thương hiệu để làng nghề ổn định sản xuất và phát triển bền vững, tránh để mất thương hiệu rồi mới tiếc nuối như trường hợp của rượu Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng)...
Theo Báo Hải Dương

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.