Thông tin SHTT 2014-05-22 18:50:47

Rượu Phú Lộc đã bị mất thương hiệu từ 10 năm trước đến nay vẫn chưa đòi lại được      Thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) từ lâu nổi tiếng với sản phẩm rượu nếp Phú Lộc thơm nồng, tinh khiết. Tuy nhiên, gần 10 năm nay người dân ở đây vẫn trăn trở vì chưa tìm lại được thương hiệu rượu Phú Lộc nổi tiếng của làng đã bị Công ty CP Xa Lộ 4 nhanh chân đăng ký trước.

Mong muốn lấy lại thương hiệu
10 năm qua, lúc nào ông Hoàng Hữu Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Rượu Phú Lộc cũng canh cánh một nỗi niềm là tìm lại thương hiệu rượu Phú Lộc cho làng. Ông Vũ cho biết, năm 2003, ông thành lập Công ty TNHH Rượu Phú Lộc. Mong muốn được lấy tên làng để đặt tên cho sản phẩm rượu của doanh nghiệp nên tháng 6-2004 ông làm đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) xin đăng ký nhãn hiệu rượu "Phú Lộc". Nhưng thật không may, 3 tháng trước đó đã có công ty khác lấy mất thương hiệu. Người lấy thương hiệu rượu Phú Lộc không ai khác chính là chị Vũ Thị Thoa, một người con của làng, lấy chồng ở Hà Nội và là chủ Công ty TNHH Xa Lộ 4, có địa chỉ tại số 1, ngõ 151, tổ 26, đường Âu Cơ, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ (Hà Nội). Chị Thoa đăng ký nhãn hiệu rượu Phú Lộc cho nhóm 33: rượu các loại và đồ uống có cồn, thời hạn bảo hộ từ tháng 7 - 2004 và có hiệu lực 10 năm. Ban đầu chị Thoa còn về làng lấy rượu nguyên liệu, sau đó đóng chai để bán. Mấy năm gần đây thì không về lấy nữa. Vậy là rượu Phú Lộc đã mất thương hiệu!.
Hầu hết người dân làng nghề Phú Lộc hiện nay đều có một mong muốn lấy lại được thương hiệu rượu Phú Lộc. "Bởi lẽ ông cha chúng tôi đã dày công làm nên hương rượu nếp không ở nơi nào có được. Từ thời Thiệu Trị, Tự Đức tên rượu Phú Lộc đã được nhiều quan lại trong triều biết đến. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương sớm lấy lại thương hiệu này để chúng tôi và đời con cháu sau này có thể tự hào về một sản phẩm nổi tiếng được chắt lọc từ kinh nghiệm của ông cha", ông Nguyễn Văn Vịnh, một người dân trong thôn Phú Lộc nói.
Làng Phú Lộc hiện có hơn 400 hộ chuyên sản xuất rượu. Lâu nay, người dân làng nghề này chỉ chăm chút đến chất lượng sản phẩm, tìm nơi tiêu thụ sản phẩm mà quên mất phải đăng ký thương hiệu. Người dân làng nghề vẫn quan niệm rằng, thương hiệu rượu Phú Lộc được tạo nên bằng truyền thống nấu rượu hàng trăm năm qua, không ai có thể lấy mất được. Để xuất khẩu hay phát triển sản phẩm tại thị trường trong nước, rượu Phú Lộc đã và đang vấp phải khó khăn là chưa đăng ký thương hiệu, sản phẩm khó vươn xa. Ông Nguyễn Văn Tiển, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vũ cho biết: "Chính quyền địa phương và nhân dân thôn Phú Lộc rất mong muốn lấy lại được thương hiệu rượu Phú Lộc. Do đó, những năm qua chúng tôi đã nhiều lần làm việc với Công ty CP Xa Lộ 4 và Cục Sở hữu trí tuệ để doanh nghiệp này sớm nhượng lại thương hiệu. Năm nay, tròn 10 năm công ty này đăng ký độc quyền thương hiệu rượu Phú Lộc, cũng là thời điểm công ty phải gia hạn, đăng ký lại thương hiệu rượu Phú Lộc. Đây là cơ hội tốt để chúng tôi đòi lại thương hiệu đã mất". Để làm được điều này, hiện nay UBND xã đã làm đơn khiếu nại nên Cục Sở hữu trí tuệ bởi nếu có đơn khiếu nại, cơ quan này sẽ xem xét để thẩm định lại việc đăng ký quyền bảo hộ và sở hữu thương hiệu.
Không dễ
Quyết tâm đòi lại thương hiệu đã mất, ông Hoàng Hữu Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Phú Lộc và người dân Phú Lộc đã nhiều lần làm việc với Công ty CP Xa Lộ 4, nhưng công ty vẫn không đồng ý nhượng lại thương hiệu. Thậm chí, chính quyền địa phương và công ty đã thuê Công ty Sở hữu trí tuệ WINCO (Hà Nội) tiến hành các thủ tục pháp lý để đòi lại thương hiệu. Tuy nhiên, vẫn không thành công. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cùng với UBND xã Cẩm Vũ cũng đã gửi đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị hủy bỏ hiệu lực đối với nhãn hiệu rượu Phú Lộc, nhưng Cục Sở hữu trí tuệ không đồng ý.
Theo luật sư Vũ Văn Biên, Văn phòng luật sư An Phước (số 380 đường Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương), việc đòi lại thương hiệu rượu Phú Lộc hiện không thực hiện được nếu Công ty CP Xa Lộ 4 vẫn tiếp tục gia hạn thương hiệu đã đăng ký. Làng rượu Phú Lộc không thể bắt Công ty CP Xa Lộ 4 phải nhượng lại thương hiệu bởi quy trình đăng ký trước đây của họ hoàn toàn phù hợp pháp luật. Do đó, muốn giải quyết vấn để này chỉ có cách là hai đơn vị phải thương lượng với nhau để cùng sở hữu một thương hiệu hoặc giải pháp khác là làng nghề Phú Lộc có thể lấy một tên khác nhưng có chỉ dẫn địa lý đăng ký tại địa chỉ làng Phú Lộc, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Riêng chỉ dẫn địa lý thì Công ty CP Xa Lộ 4 không thể bắt chước được. Như vậy, cơ hội để làng nghề Phú Lộc đòi lại được thương hiệu là quyết định của Công ty CP Xa Lộ 4. Tuy nhiên, khi chúng tôi trao đổi với đại diện Công ty CP Xa Lộ 4 qua điện thoại, người đại diện công ty cho biết, hiện công ty này đang xem xét và chưa quyết định có hay không gia hạn lại thương hiệu rượu Phú Lộc đã đăng ký. Việc này, phải chờ họp ban lãnh đạo công ty mới có thể thống nhất được.
Xây dựng thương hiệu cho các làng nghề là điều kiện giúp sản phẩm của làng nghề vươn xa, tránh không bị sao chép, cạnh tranh thiếu lành mạnh. Tuy nhiên, đa phần các làng nghề trong tỉnh đều thiếu quan tâm đến việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm do chính làng nghề mình làm ra. Mất thương hiệu và cuộc hành trình đòi lại thương hiệu của làng nghề Phú Lộc là bài học cho nhiều làng nghề khác trong việc xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm.
Theo Báo Hải Dương

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.