Thông tin SHTT 2012-12-02 00:00:00

Hành động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi Mặc dù vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng gia tăng, song hệ thống bảo hộ SHTT Việt Nam còn nhiều bất cập và chưa đạt hiệu quả cao. Thực trạng này làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế cả nước và doanh nghiệp.

Tại thị trường Việt Nam hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang có xu hướng gia tăng từ hàng cấp thấp đến cao cấp, từ hàng tiêu dùng đến hàng vật tư. Đặc biệt những mặt hàng giả như: rượu, bia, thuốc chữa bệnh, thực phẩm… đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Các chuyên gia cho rằng, sự phong phú và đa dạng về hàng nhái, hàng kém chất lượng hiện nay chủ yếu do khoa học và công nghệ phát triển. Bên cạnh đó, khi Việt Nam gia nhập WTO thì các rào cản thương mại đã được dỡ bỏ ngày càng nhiều nên chủng loại và số lượng hàng hóa lưu thông rất nhiều. Đây là môi trường lý tưởng cho nạn sản xuất kinh doanh hàng giả gia tăng.
Kinh nghiệm của các nước đã trải qua giai đoạn công nghiệp cho thấy, nếu tăng cường bảo hộ SHTT lên 10% thì đầu tư nước ngoài tăng 50% và các công nghệ cao tăng trưởng 40%. Bởi các công ty đa quốc gia có xu hướng xây dựng các công ty 100% vốn nước ngoài tại các nước có hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh, vì đối với nhà đầu tư, ưu điểm của hình thức này là có thể bảo hộ tốt bí mật công nghệ và nhãn hiệu hàng hóa. Do không đầu tư và không đảm bảo cho SHTT, nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài e dè ý định đầu tư vào thị trường Việt Nam. Ở Việt Nam, trong quá trình hội nhập gần đây, các doanh nghiệp chưa quan tâm đến SHTT nên việc xâm phạm là rất phổ biến. Bản thân doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên phải lo cơm - áo - gạo - tiền, vì thế không mấy quan tâm đến  quyền SHTT. Đến khi hàng của mình được người tiêu dùng ưa chuộng thì mới phát hiện sản phẩm đã có người khác đứng tên rồi mới "tá hỏa” tìm lại thương hiệu.
Thực tế cho thấy, vi phạm SHTT gia tăng trong thời gian qua không chỉ do doanh nghiệp lơ là mà còn do bất cập trong hệ thống lập pháp và thi hành luật có nhiều vướng mắc, chưa được chặt chẽ. Ví dụ, những quy định về mức độ xử phạt. Bộ Luật Hình sự đưa ra nếu xâm phạm quyền SHTT với quy mô thương mại thì sẽ bị xử lý nhưng lợi nhuận bao nhiêu thì được xem là quy mô thương mại thì chưa rõ và chưa có văn bản hướng dẫn. Bên cạnh đó, còn có sự chồng chéo  và phức tạp trong quản lý do có 5 đơn vị (quản lý thị trường, hải quan, công an kinh tế, thanh tra chuyên ngành, UBND các cấp) cùng có chức năng và thẩm quyền trong xử lý. Tuy nhiên, khi có sự việc xảy ra các cơ quan trên thường "đá” trách nhiệm cho nhau, doanh nghiệp cũng không biết cơ quan nào chịu trách nhiệm xử lý.
Để hạn chế tình trạng vi phạm quyền SHTT theo ông Nguyễn Thanh Bình, đại diện văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ TP. Hồ Chí Minh, cần sự đồng lòng đồng sức của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, phải cụ thể hóa các quy định pháp luật tránh tình trạng chồng chéo và không rõ ràng để có thể dễ dàng xử lý vi phạm SHTT. Như vậy, một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh có thể hạn chế việc sao chép, làm giả sản phẩm và tăng chi phí bắt chước. Bất kỳ quốc gia nào xây dựng được một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh sẽ có điều kiện tiếp nhận các công nghệ tiên tiến phục vụ cho việc phát triển đất nước, và ngược lại.
                                                                                     Nguồn tin: Đại đoàn kết
 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.