Thông tin SHTT 2012-04-06 13:34:57

ảnh minh họa Theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ, số vụ xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp trong năm 2010 là 215 vụ, tăng 40,5% so với năm 2009 là 153 vụ và thực tế có thể con số này sẽ còn có thể tăng nếu không có các biện pháp kịp thời.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do các doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), do đó, chưa chú trọng thực thi quyền SHTT.
Đó là những nội dung được thảo luận tại diễn đàn "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc... phối hợp tổ chức, ngày 4/4.
Cần thiết phải đăng ký quyền SHTT
Ở Việt Nam, Luật SHTT đã được ban hành song việc thực thi còn bất cập với hàng loạt vụ xâm phạm quyền SHTT, tranh chấp thương hiệu, làm hàng giả, hàng nhái... thường xuyên xảy ra gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ông Trần Quang Hùng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam dẫn chứng, có trường hợp doanh nghiệp điện tử sáng chế ra nồi hơi tiệt trùng hiệu quả, nhưng thuê một doanh nghiệp cơ khí gia công, các chi tiết của sản phẩm, tham dự triển lãm.
Khi lựa chọn các đơn vị trao giải (ngoài phần thưởng, đơn vị có giải thưởng có cơ hội nhận được các gói thầu vài chục tỷ đồng) thì doanh nghiệp cơ khí kia đã đánh cắp bản quyền, đồng thời cải tiến một số chi tiết tối ưu hơn, giá thành rẻ hơn, nếu không kịp thời đăng ký bảo hộ quyền SHTT thì lập tức doanh nghiệp có sáng kiến sẽ thiệt thòi lớn.
Bên cạnh đó là sự cố tình vi phạm của các công ty về quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hoá hay sản phẩm bán chạy cùng loại. Ví dụ như trường hợp Công ty Honda Việt Nam đã đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho loại xe Future nhưng lại bị khá nhiều công ty khác vi phạm khi lắp ráp các chi tiết tạo dáng cơ bản.
Công ty Unilever đang được bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá OMO và hình cho nhóm bột giặt và chất tẩy rửa cũng bị vi phạm quyền SHTT khi bị một công ty khác đăng ký và được bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá gần giống cho sản phẩm cùng loại.
Các doanh nghiệp có thể đạt được nhiều kết quả trong sản xuất kinh doanh nếu biết khai thác hiệu quả quyền SHTT. Tài sản trí tuệ khi được chú trọng và khai thác tối ưu có thể giúp doanh nghiệp tăng cường sức mạnh, nâng cao vị thế, uy tín khả năng cạnh tranh, doanh thu, thị phần và lợi nhuận, đồng thời giúp thu hút đầu tư cả ở trong và ngoài nước.
Không chỉ mang lại hiệu quả với nhà sản xuất, dưới góc độ tiêu dùng, việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT đối với nhãn hiệu sẽ giúp người tiêu dùng định vị được sản phẩm của một doanh nghiệp, phân biệt với sản phẩm trùng hoặc tưong tự của đối thủ cạnh tranh, từ đó, góp phần khẳng định hình ảnh và danh tiếng về sản phẩm của công ty trong mắt nguời tiêu dùng.
Như nhãn hiệu kem đánh răng P/S có giá trị 5 triệu USD hay như giống lúa mới TH3-3 của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm cũng có giá trị 10 tỷ đồng. Cơ sở Duy Lợi nhờ đăng ký SHTT mà đã bảo vệ thành công độc quyền kiểu dáng công nghiệp võng xếp, giành phần thắng trong khi có những đơn vị trong nước và quốc tế đánh cắp bản quyền...
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể vị thế của mình trên thị trường khi tham gia đăng ký quyền SHTT.
Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Văn Bẩy, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, khi đầu tư vào các hoạt động sáng tạo, thương mại thì phải mang lại lợi nhuận nhất định, SHTT là công cụ quan trọng.
Riêng tại Việt Nam, qua những vụ việc tranh chấp SHTT, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến lĩnh vực này.
Tuy nhiên, khó khăn chung của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới là ít có cơ hội tiếp cận với công nghệ, đặc biệt là khó tiếp cận nguồn tín dụng để đầu tư vào công nghệ.
Do đó, trước khi nghiên cứu, phát triển một loại sản phẩm mới hoặc dịch vụ nào đó, các doanh nghiệp cần tra cứu thông tin để tìm hiểu tình hình trên thế giới, tránh lặp lại những nghiên cứu, sáng chế đã có.
Ngoài ra khi nghiên cứu chế tạo được các sản phẩm công nghệ cao, có giá trị lớn và nhiều khả năng bị làm giả, làm nhái hoặc sử dụng trái phép thì doanh nghiệp cần nhanh chóng thực hiện đăng ký quyền tác giả.
Theo Chinhphu.vn

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.