Tin KT-KH, CN và MT 2009-10-08 13:57:06

Năm nay Giải Nobel Y học được công bố đầu tiên và các nhà khoa học Mỹ là Elizabeth H. Blackburn (Đại học California ở San Francisco), Carol W. Greider (Đại học Johns Hopkins) và Jack W. Szostak (Trường Y khoa Harvard) đã đoạt Giải cho công trình nghiên cứu về bệnh ung thư và lão hóa của họ thông qua việc khám phá ra cơ chế mà các nhiễm sắc thể (chromosomes) được bảo vệ bởi các telomeres và enzim telomerase. Viện Karolinska thông báo rằng Ủy ban Nobel đã vinh danh 3 nhà khoa học này hôm qua (5/10/2009).

Nói về Giải Nobel y học năm nay, Viện Karolinska đánh giá công trình nghiên cứu của 3 nhà khoa học đã đoạt Giải là giải quyết được vấn đề lớn trong lĩnh vực sinh học khi họ khám phá ra cơ chế tự phân chia và tự bảo vệ của các nhiễm sắc thể trước quá trình lão hóa. Nghiên cứu của họ đã chỉ ra rằng các nhiễm sắc thể được sao chép và mấu chốt này nằm ở hai đầu của nhiễm sắc thể gọi là telomere và ở chất enzim tạo nên telomere có tên gọi enzim telomerase. Telemore là đoạn ADN ở đầu các nhiễm sắc thể, có nhiệm vụ bảo vệ những phần đầu này và thúc đẩy quá trình ổn định gen. Mỗi lần tế bào phân chia, các telomere lại ngắn đi một chút. Ở những người trẻ tuổi, một enzim có tên gọi telomerase sẽ chỉnh sửa lại quá trình này, giúp tái sinh phần đầu của nhiễm sắc thể, song khi họ già đi, các telomere sẽ ngắn đi đáng kể và cuối cùng ngừng tái tạo. Toàn bộ các cặp nhiễm sắc thể đã hình thành ra hệ thống gen của con người, tức ADN. Khi một tế bào chuẩn bị phân chia, phân tử ADN ở hai đầu của chuỗi nhiễm sắc thể được sao chép.

Tuy nhiên, trong quá trình sao chép các nhà khoa học còn phát hiện những điều thú vị. Thậm chí họ ngạc nhiên vì tính bất bình thường của quá trình sao chép này. Đối với một trong hai chuỗi ADN này thì điều gây chú ý ở chỗ điểm cuối cùng của chuỗi không thể sao chép được. Do vậy, các nhiễm sắc thể sẽ ngắn lại sau mỗi lần tế bào phân chia nhưng thực tế không phải khi nào cũng vậy. Các nhà khoa học nhận thấy nếu các telomere liên tục ngắn lại thì tế bào sẽ lão hóa nhanh. Ngược lại, nếu telemore giữ nguyên độ dài thì tế bào sẽ sống bền lâu và đây cũng có thể gây vấn đề, như hình thành các tế bào ung thư. Thậm chí, một số bệnh di truyền được cho là do telomerase bị hỏng. Như vậy các nhà nghiên cứu đã giúp chúng ta khám phá ra cách telemore hoạt động và tìm ra enzim sao chép các telemore này. Nghiên cứu của các nhà khoa học cũng giúp chúng ta hiểu thêm tình trạng lão hóa, ung thư và tế bào mầm.

Elizabeth Blackburn và Jack Szostak đã phát hiện ra rằng một chuỗi ADN nhất định trong telemore đã giúp cho nhiễm sắc thể không bị "thoái hoá". Carol Greider và Blackburn đã bắt đầu nghiên cứu xem telomere được hình thành như thế nào và hai người đã phát hiện ra telomerase, enzim giúp các phân tử ADN sao chép toàn bộ nhiễm sắc thể mà không bị mất đoạn cuối cùng. Một số bài báo của họ đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu khác tìm những hướng nghiên cứu mới về ung thư vì  họ hy vọng có thể tác động theo ý muốn telomerase.

Giải Nobel Y học năm 2008 thuộc về nhóm các nhà khoa học Françoise Barré-Sinoussi và Luc Montagnier (Pháp) phát hiện ra vi rút HIV, Harald zur Hausen (Đức) phát hiện ra mối quan hệ giữa vi rút HPV với bệnh ung thư cổ tử cung.

Nobel Y học là giải thưởng được công bố đầu tiên, sau đó đến các Giải Nobel Vật lý, Nobel Hóa học, Nobel Văn học, Nobel Kinh tế và Nobel Hoà bình.

(S­ưu tầm)



Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.