Kiến thức Tin học 2011-09-08 00:00:00

      Giống như nhiều thiết bị điện tử, mỗi laptop (máy tính xách tay) xuất xưởng đều có thông tin cho biết nguồn gốc xuất xứ, hiện trạng đến lúc bán. Nếu nắm được các thông tin này, người dùng có thể tránh được việc mua nhầm những loại laptop bị lỗi, hoặc đã từng bị sửa chữa, cũng như thời gian và chế độ bảo hành.



 Từ xưởng ... đến thị trường 

   Thông thường, một mặt hàng điện tử thường có đến 3 loại, mặc dù đó là hàng chính hãng hẳn hoi. Chính vì vậy, các hãng sản xuất lớn sẽ công bố rõ và ghi rõ các thông tin liên quan đến sản phẩm ngay trên thiết bị. Tuy nhiên, khi chúng được bán sang các nước, thông tin về sản phẩm thường bị các đơn vị buôn hàng “phù phép” thành một loại duy nhất.

      Đầu tiên, các thiết bị xuất xưởng ra thị trường đều là hàng mới 100% và được khoác lên mình cái mác New hoặc Brand New hoặc Retail box và một dãy số quản lý. Sau khoảng từ 1 - 3 tháng sử dụng, người tiêu dùng phát sinh nhu cầu đổi sang các thiết bị khác hoặc sau khi bóc thùng để cho thuê sử dụng trong các hội thảo, hội nghị với giá từ 10 - 15 USD/ngày, chúng được chuyển về lại bộ phận xử lý của hãng sản xuất. Sau đó, chúng được hãng sản xuất gia công lại, bỏ thùng đựng hoặc dán thông tin cho biết mặt hàng đã gia công lại lên thùng, đồng thời đổi dãy số quản lý rồi lại đẩy ra thị trường với cái mác Refurbished, tất nhiên là chất lượng sẽ chỉ còn lại khoảng 98%, giá giảm 10%.

        Như vậy, về kiểu dáng và nhìn nhận bằng mắt thường, người dùng khó mà phân biệt được đâu là loại sản phẩm đã xuất xưởng lần đầu tiên, đâu là loại Refurbished đã được “tiểu phẫu”.Sau đó, nếu các sản phẩm ở nhóm Refurbished bị lỗi phần cứng ở các thiết bị như ổ đĩa quang (CD hoặc DVD), màn hình, đĩa cứng, bàn phím… sẽ bị trả về hãng sản xuất để tu sửa rồi lại thay đổi thùng đựng và thông tin ghi trên thùng, cũng như dãy số quản lý… Sản phẩm thuộc nhóm này được dán cái mác Recondition hoặc Renew và chất lượng sản phẩm xuất chỉ còn đảm bảo 95% nhưng vẫn bán ra thị trường, thời gian bảo hành thường chỉ còn 1 tháng.

        Nắm được đường đi của các mặt hàng điện tử, cộng với mục đích kiếm được nhiều lợi nhuận, các đơn vị đầu mối thường đi săn lùng các sản phẩm được xuất xưởng lần 2, lần 3 đó để bán lại cho các công ty với giá thấp hơn loại mới. Mua được lô hàng giá rẻ, các công ty đem về bán lại cho các đại lý với giá thỏa thuận theo thời gian bảo hành hoặc bán rẻ hơn nếu không bảo hành.

       Từ đó, các đại lý, các cửa hàng có thể giấu đi những thông tin trên bao bì sản phẩm có liên quan đến quá trình tái xuất của hãng, nhằm đánh lừa người tiêu dùng để bán theo giá sản phẩm mới 100% hoặc giảm đi 5%. Và phần lớn các sản phẩm bán ra đều do nơi bán tự bảo hành.

Nguồn gốc máy laptop

       Chính vì có sự hỗn tạp giữa các dòng sản phẩm chính hãng xuất xưởng nên nếu người tiêu dùng không cẩn thận khi chọn mua thì có thể bị mua trúng hàng nát trong khi vẫn đinh ninh rằng đó là hàng mới theo như lời nơi bán cho biết!

        Theo ông C.V.L, người từng chịu trách nhiệm tìm và nhập các sản phẩm laptop của một công ty ở TP.HCM, laptop ở dạng Refurbished, Recondition hoặc Renew thường có thùng đựng xấu hơn những loại xuất xưởng lần đầu tiên. Phần băng dính dán chặt nắp thùng máy (loại có các logo biểu tượng của hãng sản xuất) đã bị xé, hoặc được dán bằng băng dính thường dùng.

        Khi kiểm tra sản phẩm ở hải quan, các thùng này có thể được mở nắp để kiểm tra. Do vậy, việc đoán chính xác nguồn gốc laptop ở thị trường Việt Nam qua thùng máy sẽ rất khó. Đối với một laptop, các dãy ký tự ghi ở các mác trắng dán trên thùng phải trùng khớp với các mác dán ở mặt dưới của máy. Hoặc nếu nghi ngờ về thông tin của laptop kèm theo, bạn ghi lại các dãy ký tự trên máy rồi lên Internet để truy, hãy bắt đầu từ trang web của hãng sản xuất. Ngược lại, nếu không có kinh nghiệm trong việc tìm kiếm thông tin và chưa thạo tiếng nước ngoài, bạn có thể nhận biết nguồn gốc của một số loại máy laptop theo dãy số part number của laptop. Chẳng hạn, laptop HP mới 100% thường có mã là EZ796AV#ABA; đến khi xuất xưởng lần thứ hai sẽ có thêm chữ R (Refurbished) trước dấu # như EZ796AVR#ABA. Laptop Toshiba mới 100% có thể là PSAF0U_01P009, xuất xưởng lại có mã là PSAF0U_01P009B hoặc PSAF0U_01P009Z, tức là thêm chữ B hoặc Z vào cuối dãy số part number. Đối với laptop Dell, kiểm tra sự trùng khớp của các thông tin trên máy và trên thùng đựng máy. Đối với những dòng laptop không xác định được nguồn gốc, bạn có thể liên hệ với các trung tâm bảo hành của hãng đó ở Việt Nam để hỏi về chế độ bảo hành.
                                                                                  Nguồn khoahocphothong.com.vn

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.