Tin KT-KH, CN và MT 2011-10-29 21:23:48

Với việc gà nhiễm khuẩn Samonella khiến hơn 100 người mắc bệnh nặng và dưa chuột vàng chứa Listeria gây tử vong cho 15 người trong năm 2011, khả năng phát hiện sự bùng phát bệnh do ngộ độc thực phẩm và chứng minh nguồn gốc của sự bùng phát dịch đang trở thành ưu tiên hàng đầu về sức khỏe cộng đồng. Theo GS Martin Wiedmann, nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Cornell đã trình bày một phương pháp tiếp cận mới trên tạp chí Applied and Environmental Microbiology, giúp các cơ quan nhà nước và các công ty thực phẩm xác định nguồn gốc và đặc tính của vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm với tỷ lệ chính xác chưa từng có.

 

Phương thức phát hiện ngộ độc thực phẩm cơ bản là cắt ADN của vi khuẩn mẫu thành nhiều đoạn nhỏ và phân tích các đoạn này.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các chủng vi khuẩn khác nhau có đặc điểm ADN quá tương đồng về di truyền để có thể so sánh sự khác nhau giữa chúng, khiến việc xác định xem Salmonella gây bệnh ở người này liệu có lây nhiễm ở người khác trở nên khó khăn. Đây chính là trường hợp đợt bùng phát Salmonella có liên quan đến xúc xích Itali được làm từ hạt tiêu đỏ và hạt tiêu đen bị ô nhiễm, khiến 272 ca trên 44 bang tại Hoa Kỳ bị nhiễm khuẩn từ tháng 7/2009 đến tháng 4/2010.

Để khắc phục khó khăn này, Wiedmann đã tiến hành theo phương pháp tiếp cận di truyền.

Bằng cách giải mã bộ gen của 47 mẫu vi khuẩn, trong đó 20 mẫu được thu thập từ những người trong cơn bùng phát dịch bệnh, 27 mẫu điều khiển được thu thập từ người, thực phẩm, động vật và các môi trường trước khi bùng phát dịch, nhóm nghiên cứu đã có thể phân biệt nhanh chóng các trường hợp liên quan đến sự bùng phát dịch và các trường hợp không liên quan, phân lập được 4 mẫu có liên kết với sự nhiễm khuẩn của hồ tiêu.

Trong quá trình tiến hành nghiên cứu, ông cũng phát hiện ra các mối liên kết khác.

Một chủng Salmonella gây ra việc thu hồi lại quả hồ trăn trên toàn nước Mỹ vào năm 2009 đã xuất hiện trong mẫu bệnh lấy từ 4 bệnh nhân trên, chỉ một trong số họ báo cáo là đã ăn quả hồ trăn.

Các trường hợp liên kết khác lại đưa ra các đợt bùng phát nhỏ hơn mà các nhà chức trách chưa từng biết trước đó.

Việc sử dụng phương pháp giải mã bộ gen để điều tra các đợt bùng phát dịch bệnh do vi khuẩn ngộ độc thực phẩm gây ra là tương đối mới và mang lại nhiều hứa hẹn vì các phương pháp này có thể giúp xác định nguồn gốc địa lý, thời gian và tiến trình phát triển của đợt dịch. Theo Wiedmann, đặc biệt, dữ liệu giải mã toàn bộ bộ gen có thể giúp xác định các đợt bùng phát nhỏ mà có thể sẽ không được phát hiện dễ dàng bằng các phương pháp tiếp cận khác.

Với sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu thuộc Công ty Life Technologies Corp, Wiedmann phối hợp với Henk Den Bakker và các thành viên khác trong phòng thí nghiệm đã phát triển một loại xét nghiệm đa hình đơn nucleotit (SNP) cụ thể đối với đợt bùng phát dịch liên quan đến hồ tiêu năm 2009.

Trước đó, một phương pháp tiếp cận tương tự cũng đã được sử dụng tại bệnh viện, để tìm ra các vi khuẩn gây bệnh như Staphylococcus aureus kháng methicillin, nhưng đây là ứng dụng đầu tiên đối với các bệnh ngộ độc thực phẩm.

Wiedmann vẫn đang tiếp tục hoàn thiện phương pháp này và sử dụng nó để thử nghiệm các loại vi khuẩn khác. Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ và các cơ quan khác cũng đang bắt đầu sử dụng các phương pháp tiếp cận tương tự.

(theo NASATI   10/2011)

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.