Thông tin SHTT 2013-12-10 00:00:00

   Đó là suy nghĩ của anh Trần Chí Cường, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ngay sau khi tạo ra máy có khả năng hút muỗi vào miệng ống hút và đặc biệt loại muỗi này không chết khi bị hút váo hộp đựng muỗi. Mục đích của việc này là lấy virus của muỗi để nghiên cứu về bệnh sốt xuất huyết. Anh Cường đã nộp đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm "độc" của mình vào tháng 6/2003. "Nếu có phát triển rộng trong việc bán sản phẩm này thì mình còn được bảo vệ quyền lợi", anh Cường cười nói.

 Nỗi khổ mang tên "vác máy"

Sản phẩm nhằm phục vụ cho nghiên cứu chuyên dụng về dịch sốt xuất huyết. Tình hình nhiễm sốt xuất huyết ở nước ta không ổn định nhưng thời kỳ cao điểm của dịch sốt xuất huyết là từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Chương trình Giám sát và Kiểm soát Sốt xuất huyết (CTGS & KSSXH) được thành lập từ năm 1999, và ngân sách trung ương cho chương trình này mỗi năm là từ 1 đến 5 triệu đô la Mỹ (chưa kể đóng góp từ ngân sách địa phương).Vì vậy, khi có dịch sốt xuất huyết xảy ra, việc thu thập muỗi tại các ổ dịch phục vụ cho công tác nghiên cứu là điều rất cần thiết, nhưng không phải điều đơn giản.

Lý do đơn giản là trong chương trình Mục tiêu quốc gia phòng chống sốt xuất huyết hiện đang sử dụng loại máy Aspirator phục vụ việc thu mẫu và đánh giá quần thể. Trong các phòng thí nghiệm thì sử dụng máy Backpack, tất cả đều nhập ngoại từ Mỹ hoặc Nhật Bản. Chúng thường được sử dụng nhiều nhưng khối lượng quá nặng (khoảng 13-14kg), cồng kềnh.

"Nếu bạn phải vác 1 cái máy nặng như vậy leo lên, leo xuống khoảng 60 tầng với hơn 100 phòng trong một ngày thì bạn sẽ hiểu nó mất sức và mệt mỏi thế nào", anh Cường chia sẻ về công việc mà anh cùng đồng nghiệp phải thực hiện mỗi khi lấy mẫu muỗi để nghiên cứu dịch SXH. Hơn nữa giá thành rất cao khoảng 40 triệu đồng/máy, đã làm hạn chế việc thu thập mẫu cũng như phổ biến máy trên tất cả các tỉnh trong cả nước. Từ những hạn chế, bất cập đó mà cuối năm 2011, Cường bắt tay vào nghiên cứu.
Đã triển khai thực tế

"Tin mừng là sau khi sản phẩm này ra đời, nó đã mang đi phục vụ cho công tác thu thập muỗi ở các ổ dịch của hơn 10 tỉnh thành trên cả nước như: Huế, Quảng Trị, Long An, Đắk Nông, Hà Tĩnh... Cuối năm 2012, tôi còn cung cấp máy cho một dự án của trường đại học Nagashaki - Nhật Bản... Tất nhiên, nó chỉ được sử dụng trong công tác nghiên cứu, nhưng với giá chỉ 5 đến 7,5 triệu đồng/ cái nếu được thương mại hóa", anh Cường vui vẻ nói.

Hình trụ, tổng chiều cao 62 cm, đường kính đầu nhỏ 9 cm, đầu lớn 14,5 cm và tổng khối lượng (cả pin) chỉ 1,6 kg. Đó là máy mới theo thiết kế chế tạo của anh Cường. Máy gồm các bộ phận chính: pin sạc 2,6Ah-12V (thời gian sạc 2,5-3 giờ), mỗi máy gồm 2 pin, cánh quạt làm bằng nhôm, mô tơ, bộ điều khiển nguồn và bộ triết áp giúp tăng giảm tốc độ quay, tất cả gắn trên vỏ máy bằng nhựa đúc.

Còn các bộ phận khác như quai xách bằng nhôm, gông, lưới chắn bảo vệ máy và hộp đựng muỗi. Máy được sơn bằng công nghệ nano có khả năng bám dính tốt giảm khả năng xây xát khi va đập. Nguồn điện sẽ giúp vận hành mô tơ quay cánh quạt hút gió tạo lực hút muỗi. Muỗi sau đó bị rơi vào hộp đựng muỗi. Đặc biệt, máy có thể hút muỗi cách xa đầu đựng từ 18-20 cm trong điều kiện bình thường. "Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng muỗi còn sống tốt để phục vụ cho việc phân lập mẫu", anh Cường cho biết.

Theo đánh giá của anh Cường, nhu cầu về loại máy này là có thật và tương đối lớn bởi rất nhiều quốc gia trên thế giới bị sốt xuất huyết hoành hành. Nhưng các sản phẩm hiện có trên thế giới lại khá đắt đỏ. Trong khi, máy hút muỗi do anh Cường chế tạo lại có giá mềm hơn mà chất lượng vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, cá nhân anh Cường tự sản xuất nó lại là điều không đơn giản. "Vì vậy, tôi rất mong có đơn vị nào cũng phối hợp sản xuất sản phẩm này", anh Cường mong muốn.
                                                                                                                  Theo ĐVO

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.