Động lực khích lệ tinh thần sáng tạo cho các nhà khoa học

“Công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước (Giải thưởng ) về KH&CN là những công trình khoa học tiêu biểu, có giá trị cao về KH&CN, hiệu quả kinh tế xã hội, có ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống, là kết quả của sự dày công nghiên cứu, cống hiến trí tuệ và tài năng của các nhà khoa học phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Động lực khích lệ tinh thần sáng tạo cho các nhà khoa học

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Quân – Phó chủ tịch Hội đồng cấp nhà nước Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN.

Lựa chọn khắt khe

Tính đến hết ngày 22/7, 19 Hội đồng chuyên ngành đã hoàn thành họp xét các công trình Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đợt V. Các phiên họp này được tổ chức nhằm đánh giá chi tiết các công trình theo các tiêu chí được Quy định tại Nghị định 78/2014/NĐ-CP.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết: Trong số 19 Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, có 04 Hội đồng trước khi họp phiên đánh giá, Hội đồng đã tiến hành khảo sát thực tế để đánh giá khách quan các công trình. Tiêu biểu như khảo sát thực tế tại Thái Bình đối với công trình “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kĩ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu”; khảo sát thực tế tại Bình Dương đối với công trình “sáng tạo và ứng dụng công nghệ nung một lần lửa trong xây dựng hệ thống sản xuất sứ cao cấp đạt chất lượng tiêu chuẩn Châu Âu”;…

Nói về điều kiện xét tặng Giải thưởng, Ông Đặng Quang Huấn – Vụ trưởng, Vụ Thi đua khen thưởng cho biết: Những công trình được xét tặng là những công trình có hồ sơ hợp lệ, được công bố theo quy định, được ứng dụng tại Việt Nam. Thời gian các công trình được ứng dụng trong thực tiễn ít nhất là 3 năm hoặc công trình được ứng dụng đổi mới sáng tạo có hiệu quả ít nhất là 1 năm tính đến thời điểm cơ quan chủ trì tổ chức xét tặng giải thưởng nhận hồ sơ công trình đề nghị xét tặng. Tính đến thời điểm xét giải, tác giả không vi phạm quy định tại điều 8 Luật KH&CN.

Các công trình KH&CN tham dự Giải thưởng được các Hội đồng xét tặng Giải thưởng đánh giá công bằng, dân chủ, khách quan, biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu và quyết định theo tỷ lệ quy định cho từng cấp xét tặng. Ông Đặng Quang Huấn chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết: Các Hội đồng chuyên ngành với 200 nhà khoa học đã làm việc nghiêm túc, tâm huyết, đánh giá khách quan các công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng. Các công trình được đề nghị xét tặng Giải thưởng và trình Hội đồng cấp Nhà nước gồm 61 công trình, trong đó có 17 công trình xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 44 công trình xét tặng Giải thưởng Nhà nước.

Tôn vinh các nhà khoa học

Trong những năm qua, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa hơn nữa cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ say mê nghiên cứu khoa học. Những công trình được Giải thưởng đều là những công trình có giá trị cao về khoa học, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn và mang lại hiệu quả kinh tế cao, có ảnh hưởng to lớn và lâu dài trong đời sống.

Ông Trần Đức Cường – Nguyên PCT Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Cùng với các chính sách và các biện pháp nhằm phát triển KH&CN, Đảng và Nhà nước cũng chủ trương xét tặng cho các nhà khoa học là các tác giải có công trình, cụm công trình có giá trị xuất sắc và đặc biệt xuất sắc, trong đó, công trình đặc biệt xuất sắc được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và công trình, cụm công trình xuất sắc được tặng Giải thưởng Nhà nước. Việc tặng 2 Giải thưởng cao quý này cho các công trình được đánh giá xuất sắc và đặc biệt xuất sắc là một hình thức tôn vinh đặc biệt của Đảng và Nhà nước ghi nhận về những đóng góp của các nhà khoa học thông qua các công trình, cụm công trình của mình phục vụ một cách đắc lực cho sự phát triển của khoa học cũng như là sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian vừa qua.

Cùng với nhiều hình thức tôn vinh khác nhau của Đảng và Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước là một hình thức tôn vinh cao quý nhất đối với những đóng góp của các nhà khoa học thể hiện qua các công trình và cụm công trình. Ông Nguyễn Đức Cường nhấn mạnh.

Tính đến năm 2016, qua 4 đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước (qua các năm 1996, năm 200, năm 2005, năm 2010), Chủ tịch nước đã Quyết định trao tặng cho 216 công trình, cụm công trình khoa học, công nghệ. Trong đó có 82 công trình, cụm công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và 134 công trình, cụm công trình Nhà nước về KH&CN.

Đây chính là phần thưởng danh giá nhất đối với các nhà khoa học. Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN được ví như giải thưởng Nobel của Việt Nam góp phần khuyến khích, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Hi vọng rằng, các bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học sẽ có nhiều cơ hội cống hiến, phục vụ sự phát triển của nền KH&CN nước nhà. Bên cạnh sự tôn vinh các nhà khoa học, 2 giải thưởng cao quý này còn mang đến giá trị nhân văn sâu sắc, đề cao giá trị tinh thần trong đời sống xã hội – trụ cột của sự phát triển bền vững.

Theo VietQ

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây