Ông Bùi Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc phát triển cây vải tại hội thảo “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ vải thiều theo tiêu chuẩn quốc tế" ngày 11/7 do Bộ KH&CN, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức tại thành phố Bắc Giang.
Buổi hội thảo với sự có mặt của nhiều nhà khoa học, quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp đã tranh luận sôi nổi về việc lựa chọn công nghệ, định hướng cho sự phát triển của vải thiều và hướng xuất khẩu ra các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu…
Hiện tại, có rất nhiều công nghệ sản xuất và bảo quản quả vải như: bảo quản bằng chiếu xạ Gamma, bảo quản nhiệt, bảo quản bằng hóa chất thân thiện môi trường, bảo quản theo công nghệ CAS (Cell alive system), sử dụng màng sinh học… Tuy nhiên theo PGS.TS Phạm Duy Thịnh, Đại học Bách khoa Hà Nội, công nghệ dù có tốt mấy nhưng cũng cần tính đến yếu tố đặc thù của địa phương, vì vậy cần có lộ trình áp dụng công nghệ cho phù hợp. Không thể áp dụng một cách máy móc, ồ ạt mà thiếu phương án đưa công nghệ theo từng giai đoạn. Cũng vì nguyên nhân này mà PGS Thịnh lý giải tại sao có rất nhiều công nghệ bảo quản quả vải nhưng chúng ta vẫn loay hoay chưa tìm được công nghệ áp dụng có hiệu quả.
Đồng tình với quan điểm này, TS Phạm Anh Tuấn, Viên Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ NN&PTNT cho biết: Đổi mới công nghệ phải thực sự bài bản và đặc biệt phải tính đến sự phù hợp, khả thi.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý đều khẳng định: tương lai chúng ta cần tập trung vào công nghệ bảo quản để gia tăng giá trị cho quả vải. Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng: Không chỉ nâng năng suất sản lượng mà chúng ta phải chú trọng nhiều hơn về thị trường tiêu thụ cũng như khâu chế biến. Nhà khoa học và các cơ quan ban ngành cần phải hướng về người nông dân nói chung và người trồng vải nói riêng để người dân được hưởng lợi trên chính sản phẩm của mình làm ra, không bị động trong khâu tiêu thụ.
Được biết, tỉnh Bắc Giang đã đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia cần được giải quyết năm 2015 với tên nhiệm vụ “Ứng dụng công nghệ bảo quản thực phẩm CAS Nhật Bản cho sản phẩm quả vải thiều xuất khẩu quy mô công nghệ tại tỉnh Bắc Giang”.
Bộ KH&CN đã giao cho Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng tiếp nhận hệ thống thiết bị CAS và quy trình bảo quản một số loại nông sản bằng công nghệ này. Theo PGS. TS Trần Ngọc Lân - Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, công nghệ CAS là sáng chế độc quyền của công ty ABI Nhật Bản, đã được công nhận bằng sáng chế ở Hoa Kỳ, châu Âu và 24 quốc gia trên thế giới.
CAS là công nghệ lạnh đông nhanh được sử dụng để bảo quản hải sản, nông sản trong thời gian nhiều năm và vẫn giữ được thực phẩm đạt chất lượng cao.
Hiện nay trên thế giới và Việt Nam có nhiều công nghệ lạnh đông nhanh hay siêu nhanh trong bảo quản nông sản, hải sản… Tuy nhiên, công nghệ đông lạnh bảo quản nhanh vẫn làm suy giảm chất lượng và thời gian bảo quản không lâu (chỉ từ 3-6 tháng). Tất cả những khiếm khuyết của các công nghệ hiện tại sẽ được được khắc phục bởi công nghệ CAS - một công nghệ hiện đại nhất, giữ cho sản phẩm tươi nguyên như ban đầu".
Tuy nhiên, ý kiến các nhà khoa học tại hội thảo cho rằng, cần phải cân nhắc đến bài toán kinh tế, bởi thực tế 1kg vải có giá bán chưa đến 1 USD thì công nghệ bảo quản CAS có vẻ là quá xa xỉ.
Theo truyenthongkhoahoc.vn