Nghiệm thu đề tài nghiên cứu bảo tồn nguồn lợi Rươi

Ngày 11/5/2018, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương tổ chức hội nghị đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu bảo tồn nguồn lợi Rươi (Tylorrhynchus heterochatetus Quatrefages, 1866) và phát triển nghề khai thác rươi dựa vào cộng đồng ở vùng nước lợ thuộc tỉnh Hải Dương”. Đề tài do TS. Phạm Đình Trọng và cộng sự Viện Sinh thái và Môi trường nhiệt đới thực hiện trong hai năm 2016, 2017.

Ban chủ nhiệm đề tài đã hoàn thành việc nghiên cứu hiện trạng nuôi và khai thác rươi ở vùng nước lợ thuộc tỉnh Hải Dương; sự phân bố, đặc điểm sinh học, sinh thái, sinh sản của quần thể rươi; nghiên cứu yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của loài rươi. Trong quá trình nghiên cứu, ban chủ nhiệm đề tài đã đề xuất thử nghiệm xây dựng mô hình bán thâm canh rươi, lúa – liên kết hộ gồm 5 bước: chọn địa điểm, cải tạo và thiết kế ruộng, lấy giống tự nhiên, chăm sóc và quản lý, thu hoạch. Các địa phương muốn quy hoạch vùng khai thác rươi chỉ nên xây dựng vùng canh tác rươi ở bãi bồi ven sông; tại các bãi bồi nên để lại một phần bãi sông sát mép nước làm “vùng đệm” để cây ngập nước phát triển tự nhiên làm nơi dẫn dụ, tạo nguồn giống cho các đầm ruộng bên trong.

Tỉnh Hải Dương hiện có 16 xã, thị trấn tại các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành và Kinh Môn có nguồn lợi rươi phân bố, tạo ra nguồn thu nhập tương đối lớn cho nhiều hộ nông dân vùng nước lợ ven sông Thái Bình, Văn Úc và Kinh Thày.

Nguyễn Thị Ánh


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây