Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần ở học sinh THPT và mô hình phòng ngừa, can thiệp

Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần ở học sinh THPT và mô hình phòng ngừa, can thiệp
Năm 2024, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hải Dương tiến hành nghiên cứu đề tài: Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần ở học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Hải Dương và đề xuất mô hình phòng ngừa, can thiệp.
hoithao23343
Hội thảo kết quả bước đầu nghiên cứu và nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia
Qua khảo sát thực tiễn về thực trạng sức khoẻ tinh thần của học sinh THPT tại tỉnh Hải Dương cho thấy: trong số 1.100 học sinh THPT trong diện khảo sát có 706 học sinh (chiếm 64,2%) sức khoẻ tinh thần ở mức độ bình thường; 235 học sinh (chiếm 21,4%) ở mức độ ranh giới và có 159 học sinh (chiếm 14,5%) có rối nhiễu tâm lý. Tỷ lệ này cao hơn một số nghiên cứu ở nước ngoài và ở Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, có tương quan chặt chẽ giữa sức khoẻ tinh thần chung với 4 vấn đề khó khăn. Có sự khác biệt về sức khoẻ tinh thần giữa các nhóm học sinh. Học sinh nữ có xu hướng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần hơn so với học sinh nam; Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê xét theo hoàn cảnh gia đình và vấn đề học lực, trường học, điều kiện kinh tế gia đình của học sinh ngoài vấn đề tăng động khi so sánh sức khỏe tinh thần ở học sinh với biến trường học và biến điều kiện kinh tế gia đình; vấn đề bạn bè khi so sánh sức khỏe tinh thần ở học sinh với biến cấu trúc gia đình.
Từ kết quả nghiên cứu thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần ở học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Hải Dương, có thể thấy rằng những đặc điểm tâm lý cá nhân và đặc điểm tâm lý xã hội đều đóng vai trò quan trọng và có ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của học sinh. Lòng tự trọng chung có mối tương quan nghịch chặt chẽ với sức khoẻ tinh thần chung, điều này cho thấy học sinh có lòng tự trọng cao thường có sức khoẻ tinh thần tốt hơn, trong khi học sinh có lòng tự trọng thấp thường gặp nhiều vấn đề về sức khoẻ tinh thần. Mặt khác, kết quả phân tích tương quan cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa các khía cạnh của sức khoẻ tinh thần và lòng tự trọng. Học sinh có lòng tự trọng thấp thường gặp nhiều vấn đề về cảm xúc, tăng động, và xã hội tích cực.
thanhvienvacac
Thành viên đề tài cùng các chuyên gia giúp đỡ cho đề tài

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy những áp lực từ gia đình có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của học sinh THPT. Cụ thể, những áp lực này có thể khiến các em cảm thấy ngột ngạt và thiếu động lực sống, từ đó làm tăng nguy cơ mắc phải các rối loạn tâm lý. Ngoài ra, bạo lực gia đình cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Nạn nhân của bạo lực gia đình thường phải đối mặt với các vấn đề như rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), trầm cảm, và lo âu. Những tác động này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày mà còn để lại những hậu quả lâu dài cho sức khỏe tinh thần của học sinh.
Hải Ninh

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây